Anh hùng xuất hiện đúng thời...

Chủ nhật, ngày 02/09/2012 18:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 19 năm trong quân ngũ, thời gian nghỉ hưu để an hưởng sắp đến thì anh quyết định ra quân. Vì quyết định lạ, người ta chê anh là gàn. Nhưng với cựu chiến binh Đoàn Xuân Tiếp thì đó là thời cơ.
Bình luận 0

Vì người dân quê nghèo

Cựu chiến binh Đoàn Xuân Tiếp hiện là Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc, Giám đốc Trung tâm Chân- Thiện- Mỹ của những người khuyết tật và chính sách xã hội. Sáng lập viên, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Kinh Bắc. Sinh năm 1950 tại thôn Phương Triện, xã Đại Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, lại là con trai của liệt sĩ chống Pháp, nhưng năm 1972, anh Tiếp vẫn tình nguyện vào quân ngũ.

img
Anh hùng Lao động Đoàn Xuân Tiếp (thứ 3 từ phải sang) trong xưởng thêu của công ty.

Về Sư đoàn 571, Binh đoàn Trường Sơn (559) nổi tiếng, cuộc sống chiến trường gian khổ, chịu ảnh hưởng chất độc da cam và sức ép đạn bom làm sức khỏe giảm sút, tháng 12.1976 anh ra Bắc để lái xe cho đơn vị phòng không không quân. Tháng 5.1991, anh Tiếp quyết định xin nghỉ công tác để về quê làm kinh tế.

Về quê, anh mới thấm đời sống nông dân còn rất khó khăn vì làng thuần nông, đất đai ít, bình quân mỗi khẩu chỉ khoảng 360m2 đất canh tác. Những hộ chính sách, các thương bệnh binh, người tàn tật... cuộc sống còn khó khăn hơn nữa. Trằn trọc băn khoăn, suy nghĩ mãi, anh cũng đã tìm ra một lối đi cho riêng mình.

Khi thổ lộ ý tưởng với bè bạn, người thân, không ít người hoài nghi và ngăn cản nhưng anh Tiếp quyết định trình bày đề án và đã được UBND huyện Chí Linh, Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương ủng hộ. Tháng 6.1996, anh thành lập Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc tại thị trấn Sao Đỏ, ngay cạnh trục đường du lịch Hà Nội - Hạ Long.

Có giấy phép rồi, anh lại đi lo ngân sách xây trường, tìm thầy, nuôi thầy, chiêu sinh dạy nghề miễn phí và cam kết ai được anh nhận đào tạo đều có việc làm tại công ty. Anh chọn các nghề như may, thêu, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ cho những người khuyết tật và thương bệnh binh làm. Những người tàn tật vui mừng vì được thu nhận, đào tạo nghề, học tiếng Anh miễn phí, được lao động tập thể, có thu nhập, nên họ phấn đấu hết mình.

Tiềm năng của người khuyết tật được đánh thức, hơn 60 cán bộ và nhân viên cùng nhau say mê xây dựng công ty. Du khách đến tham quan tận mắt thấy những người tật nguyền thoăn thoắt may, thêu, mài xẻ đá... làm ra các bức tranh thêu, các sản phẩm lưu niệm bằng đá xinh xắn, họ rất thú vị và hài lòng với các kỷ vật nhỏ xinh, giá rẻ của những người “tàn nhưng không phế”.

Năm 2006, anh Tiếp mở thêm cơ sở 2 tại xã Hoàng Tân cũng huyện Chí Linh. Năm 2007, anh thành lập Công ty Chân-Thiện-Mỹ tại xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và 3 HTX trực thuộc khác, nâng số lao động của công ty lên gần 1.000 người (trong đó có 57% là người khuyết tật và thuộc diện gia đình chính sách). Hệ thống nhà xưởng của công ty khang trang hiện đại, rộng thoáng, tiện đường giao thông, có nhà trẻ, nhà tập thể tiện nghi cho các thành viên và gia đình công nhân.

Anh Tiếp còn phối hợp với các Hội Chữ thập đỏ trong nước và Tổ chức phi chính phủ quốc tế tổ chức mổ hai đợt miễn phí cho 17 người khuyết tật, mua tặng xe lăn, tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho cán bộ, nhân viên của công ty. Vui thêm nữa là trong công ty đã có hơn 20 cặp công nhân khuyết tật xây dựng gia đình, nguyện suốt đời gắn bó với công ty.

Anh hùng luôn gặp may?

10 năm hoạt động kinh tế như vậy, Giám đốc Đoàn Xuân Tiếp nhận được 10 bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương, của các bộ ngành, một bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2004, anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ghi nhận công lao của anh về góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tháng 4.2007, anh lại có vinh dự đặc biệt được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Hàng năm, công ty của cựu binh Đoàn Xuân Tiếp luôn nộp thuế đầy đủ theo quy định, 100% cán bộ công nhân viên được sinh hoạt công đoàn, đóng BHXH và BHYT đầy đủ. Mức lương công nhân viên dần được nâng cao, đời sống không ngừng được cải thiện.

Bè bạn, gia đình rất hiểu anh, đánh giá đúng năng lực và ý chí của anh, nhưng cũng có người nhận xét: “Anh Tiếp luôn gặp may”. Tôi mang ý kiến này nói lại với anh. Nét mặt không có gì thay đổi, anh nhỏ nhẹ tâm sự: “Chẳng có chiến thắng nào mà không qua nhiều chiến bại. Tôi từng là một quân nhân nghèo, một công dân không tên tuổi và đã thất bại rất nhiều. Nhưng nếu có quyết tâm xây dựng, làm việc theo giấc mơ của mình, biết tạo ra điều kiện sẽ thành công. Còn bảo tôi luôn gặp may cũng có cơ sở. Gặp may cũng đồng nghĩa là tôi đã tính toán đúng, xuất hiện đúng”.

Anh Tiếp nói mình rất thấm lời dạy của người xưa: Làm việc gì cũng phải có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu không có chính sách mở cửa, khuyến khích làm giàu chính đáng, đề án của anh không thiết thực thì UBND tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh nào có ủng hộ và làm gì có thời cơ để anh mơ ước? “Mình đã đúng, đã rất hạnh phúc đón hàng trăm người khuyết tật đến với mình. Thấy họ sung sướng và hạnh phúc, đó chính là tâm nguyện của cả gia đình tôi” - anh Tiếp tâm sự.

Giờ đây tuổi ngoại lục tuần, bệnh tật nhiều nhưng anh vẫn mê say cống hiến cho cuộc đời và cho mọi người. Năm 2009, anh trình Chính phủ đề án xây dựng Trường Đại học Kinh Bắc tại Tiên Sơn (Bắc Ninh), cam kết ưu tiên không dưới 15% sinh viên là người khuyết tật, con em các hộ diện Tâm nguyện của anh là hộ chính sách lo việc làm mà không lo đào tạo là chưa vững chắc. Đã đến lúc phải đào tạo những cộng sự bậc cao mới đáp ứng hòa nhập và phát triển. Ngày 26.3.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trường Đại học Kinh Bắc gồm 5 chuyên ngành đào tạo: Kế toán, tài chính-ngân hàng, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, quản trị dịch vụ du lịch.

Mình là cựu binh!

Đã có người hỏi anh: “Anh cứ lo xây dựng nhiều cơ sở như thế rồi đây ai quản lý”? Anh trả lời: “Tôi còn phấn đấu, nếu tôi không còn sức quản lý, nếu các con tôi yếu kém không phát huy được thì tài sản này sẽ thuộc về nhân dân”. Thuộc về nhân dân! Tôi chợt nhớ câu thơ của X.Bôtép - nhà thơ cách mạng nổi tiếng Bulgaria khi ông chấp nhận rủi ro dấn thân vào con đường cách mạng, mong mang hạnh phúc cho dân tộc mình: “Nếu có mất chỉ một mình tôi mất/Nếu được là được cả cho dân”. Người biết nghĩ về nhân dân là người hiền. Trong lúc khó khăn, ai cưu mang giúp đỡ được một người đã vẻ vang, còn anh mang lại cuộc sống tươi vui cho cả ngàn người (trong đó tới 57% là người tàn tật) hỏi hạnh phúc nào bằng?

Không “nổ” như nhiều doanh nhân khác, anh cần kiệm cả thời gian và tiền bạc, sống giản dị. Anh từng tâm sự: “Mình là cựu binh, mắc nhiều chứng bệnh, công việc cuốn hút nên gắng vượt qua. Sức lực và trí tuệ người ta không phải là vô hạn, mình phải cố rèn luyện sức khỏe, không giữ gìn sức khỏe phải đi nằm viện sẽ tốn kém tiền bạc và làm mệt bao người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem