"Báo chí rất dễ rơi vào bẫy của tin đồn thất thiệt"

Quốc Hải Thứ ba, ngày 23/07/2019 14:51 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp, một số tin đồn thất thiệt trên mạng khiến báo chí rất dễ bị rơi vào “bẫy”, dễ dẫn tới “khủng hoảng truyền thông” cho doanh nghiệp (DN).
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của các chuyên gia quản lý báo chí từ Trung ương đến địa phương tại Hội thảo “Truyền thông và thương hiệu doanh nghiệp thời đại số” do báo Tiền Phong tổ chức, diễn ra tại TP.HCM sáng nay 23/7.

img

 Ông Lê Xuân Sơn,Tổng Biên tập báo Tiền Phong, chia sẻ về góc độ tin đồn có thể gây "khủng hoảng truyền thông" nặng nề cho doanh nghiệp.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trong lĩnh vực truyền thông, tin đồn là “sản phẩm truyền thông” chứa đựng nhiều yếu tố nhiễu bởi nó chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: Trình độ, nhận thức, sở thích, thói quen, hoàn cảnh của người truyền tin và đối tượng tiếp nhận thông tin. Do đó, mỗi lần tin đồn được truyền đi, nó lại được “thêm mắm, dặm muối” tình tiết theo hoàn cảnh hoặc đối tượng tiếp nhận. Vì vậy, nguy cơ sai lệch thông tin trong tin đồn là vô cùng lớn, dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí mất kiểm soát thông tin.

“Về mặt lý thuyết, những yếu tố nhiễu xuất hiện trong tin dồn khá dày đặc, song tin đồn lại là… "món thơm" khiến không ít nhà báo "bắt mùi" một cách nhanh chóng, dẫn đến tin đồn lại là nguồn tin cho các nhà báo thiếu kinh nghiệm, non kém trong nghề nghiệp lùng sục. Điều nguy hại hơn, khi tin đồn được "chính thống hóa" trên báo chí, nó trở thành "quả bom" có sức công phá khủng khiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự của DN thậm chí là lãnh đạo của DN. Bởi tin đồn là những vấn đề được nhiều người quan tâm và đặc biệt nguy hiểm khi nó biến thành dư luận xã hội”, ông Hồ Quang Lợi chia sẻ.

img

Các doanh nghiệp chia sẻ về những khủng hoảng truyền thông gặp phải thời gian qua và kinh nghiệm xử lý.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thực tế thời gian qua, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng được "chính thống hóa" trên báo chí không chỉ gây hoang mang đối với công chúng mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho người sản xuất. Điển hình như vụ tin đồn ăn nhiều bưởi gây ung thư vú năm 2007, được đăng tải trên một số tờ báo làm cho giá bưởi trên thị trường sụt giảm nghiêm trọng, nhiều gia đình nông dân trồng bưởi bị khốn đốn, thiệt hại lớn về kinh tế.

“Dù các tờ báo, những nhà báo có liên quan đã bị xử phạt nhưng hậu quả mà người trồng bưởi phải gánh chịu rõ ràng lớn hơn rất nhiều”, ông Lợi nói.

Đồng quan điểm, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao Động cho rằng, để xây dựng và phát triển thương hiệu, hầu hết các DN phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Nhưng những giá trị thương hiệu đó có thể bị đè bẹp, thậm chí xóa sổ trước làn sóng thông tin trong kỷ nguyên số. "Do đó, đối với báo chí, việc thông tin nhanh - hay - chính xác là rất cần thiết và đó là tiêu chí hết sức quan trọng của nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, báo chí cần có thêm 2 tiêu chí. Một là thông tin có trách nhiệm, hai là nhân văn”, ông Tuân khẳng định.

Ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong cũng nhìn nhận, xu hướng chung là các DN hết sức cố gắng để tận dụng truyền thông kỹ thuật số, nhưng cũng có không ít DN có xu hướng không muốn công khai lên truyền thông. Một số đơn vị truyền thông thông tin thiếu cân nhắc, kiểm chứng gây ảnh hưởng đến DN, có khi không phải vô tình mà là cố ý. "DN mất nhiều năm để xây dựng thương hiệu, nhưng chỉ cần qua một khủng hoảng truyền thông là có thể phá sản trong thời gian ngắn", ông Sơn nhấn mạnh.

DN “ứng xử” thế nào để tránh “khủng hoảng truyền thông”?

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu ra các bước mà DN cần chú ý để xử lý nếu “khủng hoảng truyền thông” xảy ra. Thứ nhất, đối mặt với những tin đồn trên mạng xã hội, DN cần chủ động tự vệ bằng cách công khai, minh bạch hóa thông tin, sẵn sàng mổ xẻ tin đồn. Khi có tin đồn, bên cạnh việc khai thác tối đa sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, rất cần sự ủng hộ của các cơ quan công quyền, cơ quan chức năng…

Không nên tìm cách gỡ tin, bài ngay lập tức. Khi gặp phải những tin đồn thất thiệt bị “chính thống hóa” trên các tờ báo, DN phải “bình tĩnh” tìm ra nguyên nhân của tin đồn, đánh giá mức độ có thể tác động bởi tin đồn. Có thể áp dụng một số phương pháp sau: Tổ chức họp báo khẩn cấp; cung cấp bằng chứng khẳng định tin đồn là thất thiệt; đăng thông báo chính thức bác bỏ tin đồn trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trang web... Nếu tin đồn nghiêm trọng, cần nhanh chóng mời cơ quan điều tra vào cuộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem