Bạo lực gia đình: Phạt cũng không ăn thua

Minh Nguyệt Thứ sáu, ngày 22/07/2016 06:30 AM (GMT+7)
Định kỳ 1 tháng 1 lần, các tổ nhóm, câu lạc bộ phụ nữ huyện, xã thực hiện tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) cho chị em phụ nữ. Điều này giúp chị em tự tin, có kiến thức để đấu tranh lại với hành vi bạo lực của chồng.
Bình luận 0

Phạt cũng như không

Đó là thực tế đang diễn ra tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Đằng sau ngôi nhà mái bằng khang trang, một gia đình tưởng chừng như hạnh phúc yên ấm với 3 đứa con nhưng nơi đó lại là nơi xảy ra những trận đòn roi không ngớt từ tay người chồng giáng xuống đầu bà N.T.H (50 tuổi, trú tại xã Hoằng Phụ).

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ làm ruộng, chồng đi biển đánh bắt cá, nhưng vẫn không đủ tiền nuôi 3 đứa con. Đã vậy, chồng bà còn mắc nhiều tật xấu, nghiện rượu, ham mê cờ bạc. “Lần nào cũng vậy, cứ rượu vào là ông ấy lại đánh chửi tôi. Có lần 2 giờ sáng còn đánh đập, đòi đuổi tôi ra khỏi nhà” – bà H nhớ lại. 

Sau nhiều lần bị đánh đập, thâm tím mặt mày, cũng có lúc bà kêu gọi sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng, thậm chí là chính quyền thôn, xã. Thế nhưng đâu lại hoàn đó, việc bà bị chồng bạo lực vẫn xảy ra như cơm bữa. “Trước đó, cũng có đôi lần cán bộ phụ nữ xã thôn tới hòa giải, khuyên bảo chồng tôi, thậm chí mang chồng tôi ra xử phạt. Thế nhưng phạt xong, sau lời hứa, ông ấy lại làm như cũ”- bà H buồn rầu.

img

Một buổi thi nấu ăn giữa các Câu lạc bộ Gia đình bền vững tại huyện Hoằng Hóa.
Ảnh: Minh Nguyệt

Bà Lê Thị Cúc - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoằng Phụ cho hay, gia đình bà H là một trường hợp điển hình. Sau quá nhiều lần chịu đòn của chồng, bà H mới dám lên tiếng kêu cứu cán bộ, chính quyền can thiệp, nhưng sau khi được tuyên truyền, hoà giải, chồng bà H vẫn tiếp tục đánh vợ. Có lần cán bộ vào can thiệp, chồng bà H còn văng tục, mắng cán bộ sa sả: “Việc nhà tôi, không cần ông bà quan tâm”. Sau nhiều lần can thiệp, xã xử phạt hành chính. Số tiền xử phạt không nhiều- chỉ dăm ba trăm ngàn đồng nên đâu lại hoàn đó, ông ta vẫn tái phạm.

Theo bà Cúc, Hội Phụ nữ xã phối hợp các cán bộ đoàn thể đã tích cực tuyên truyền phòng chống BLGĐ cho người dân. Hình thức tuyên truyền rất đa dạng như:  Tuyên truyền trên loa phát thanh, định kỳ tháng một lần phổ biến pháp luật, Luật Phòng chống BLGĐ, phát tờ rơi, tuyên truyền ngày kỷ niệm thành lập Hội Phụ nữ… Tuy nhiên, công tác phòng chống BLGĐ tại địa phương cũng còn nhiều hạn chế. “Nguyên nhân là bởi đàn ông vùng này thường gia trưởng, hiểu biết còn hạn chế nên họ nghĩ, đánh vợ hay chửi vợ cũng là chuyện bình thường, vợ họ thì họ “dạy”. Cán bộ tuyên truyền nhiều mà chưa có mấy tiến bộ” – bà Cúc nói.

Trong ấm ngoài sẽ êm

Chỉ số ít chị em bị BLGĐ lên tiếng, còn lại là cam chịu. Phụ nữ ở quê hiếm người không bị chồng bạo hành. Hội Phụ nữ huyện phát triển các câu lạc bộ “Gia đình bền vững” tạo sân chơi để chị em giao lưu, từ đó mạnh dạn chia sẻ vấn đề cá nhân, trong đó có BLGĐ và hiểu được quyền của mình, biết cách đấu tranh chống lại BLGĐ một cách khéo léo, hiệu quả”. 
Bà Vương Thị Liên

Trước những thách thức trong công tác giảm trừ BLGĐ, gần đây các cấp hội phụ nữ trong huyện Hoằng Hóa đã đẩy mạnh việc xây dựng các Câu lạc bộ Gia đình bền vững. Theo bà Vương Thị Liên – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hoằng Hóa, hiện toàn huyện đã có 26 xã (trong tổng số 41 xã, thị trấn) thành lập được 31 câu lạc bộ. Ngoài việc tuyên truyền phổ biến Luật Phòng chống BLGĐ, câu lạc bộ còn tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ tâm tư, kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ việc BLGĐ. Bà Liên cho biết, nếu tư tưởng của các gia đình thông suốt thì hành vi thể hiện ra bên ngoài cũng sẽ đúng đắn hơn.

Chị Nguyễn Thu Nga (Đội 5, Hoằng Vinh) tâm sự: “Hồi đầu mới nghe đến câu lạc bộ này mình cũng hơi e ngại nên không tham gia sinh hoạt. Chồng mình còn cấm không cho vợ tham gia. Anh ấy còn nói: “Bà tham gia cái câu lạc bộ đó, khác gì bà nói với cả làng là tôi bạo lực bà”.  Do đó, mỗi lần chị Nga ra khỏi nhà để đi sinh hoạt câu lạc bộ là chồng chị lại mắng té tát. Nhưng chị vẫn đi vì tham gia câu lạc bộ chị có thêm nhiều kiến thức, hiểu được quyền của mình, biết cách đấu tranh, thuyết phục chồng mỗi lần chồng nóng nảy, thô bạo.

“Trước đây, ở nhà chồng có mắng có chửi tôi vẫn cố nhịn, bỏ qua. Thậm chí có lần vợ chồng giận nhau, anh ấy cũng tát tôi mấy cái nhưng nghĩ cũng chẳng sao. Nhưng giờ khác rồi, đi sinh hoạt, tôi biết rằng chồng làm như vậy là không đúng, là bạo lực. Nếu cứ nhường nhịn, anh ấy sẽ càng lấn lướt, càng thô bạo hơn. Vì thế, tôi cũng đấu tranh. Vừa viện dẫn luật này luật kia, vừa khéo léo nhẹ nhàng tâm sự nên giờ anh ấy chẳng những không chửi bới, đánh mắng mà còn rất nhẹ nhàng với vợ con” – chị Nga nói.

Bà Liên chia sẻ, đa phần các trường hợp bị BLGĐ ở nông thôn đều là bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần. Các chị em phụ nữ ở quê lại ít kiến thức trong việc phòng chống, tự vệ và ít khi lên tiếng khi bị bạo lực nên thường chịu bạo hành lâu dài. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem