Bộn bề nỗi lo đầu năm học mới

Tùng Anh Thứ ba, ngày 22/08/2017 06:30 AM (GMT+7)
Đã cận kề năm học mới, nhưng lãnh đạo ngành GDĐT nhiều địa phương vẫn bày tỏ chưa sẵn sàng để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn ngoại ngữ chưa đạt, khó giải quyết việc thừa thiếu giáo viên cục bộ, cấp học mầm non còn quá nhiều “bất an”.
Bình luận 0

Chưa “kham” nổi chương trình mới

Ngày 21.8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, nhiều lãnh đạo ngành giáo dục địa phương cho rằng, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học sau là vội vàng, Bộ GDĐT nên lùi lại. Trước đó, theo kế hoạch của Bộ GDĐT, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ bắt đầu được đưa vào áp dụng vào năm học 2018 – 2019 với rất nhiều đổi mới về chương trình, sách giáo khoa, số môn học, phương pháp giáo dục. 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng khá bài bản và có lộ trình. Tuy nhiên “nút thắt” khiến việc áp dụng tại địa phương ngay trong năm học 2018 – 2019 chính là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Hiện tại, nhiều nơi vẫn chưa thể đáp ứng tốt nhất các điều kiện này cho chương trình mới. “Ở Nghệ An, cơ sở vật chất nhiều vùng miền núi, vùng cao còn khó khăn, đội ngũ giáo viên cũng chưa đủ chuẩn và còn rất nhiều hạn chế. Tôi đề nghị nên lùi thời gian áp dụng để địa phương chuẩn bị hiệu quả hơn” – bà Chi nói.

img

 Nhiều địa phương cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới nên lùi thời gian áp dụng.  ảnh: Tùng Anh

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh Giang – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới có rất nhiều nội dung quan trọng. “Nói là đổi mới toàn diện từ chương trình cho tới sách giáo khoa nên điều kiện cũng phải đồng bộ, tương xứng. Nếu năm 2018 bắt đầu áp dụng, chúng ta sẽ chỉ còn 1 năm, trong 1 năm liệu có đảm bảo được điều kiện này không?” – bà Giang đặt câu hỏi.  Bà Giang cũng cho rằng, Bộ GDĐT nên triển khai từng nội dung chứ không nên triển khai đồng loạt cùng một lúc, như vậy nhiều địa phương sẽ không thể kham nổi. Trong khi đó, đại diện Sở GDĐT tỉnh Nam Định thì cho rằng, Bộ GDĐT cần công bố điều kiện tối thiểu của các địa phương khi bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu địa phương nào còn quá nhiều khó khăn, không đủ điều kiện để áp dụng ngay thì nên cho lùi lại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, việc đổi mới là cần thiết, tuy nhiên đổi mới một lần để áp dụng cho nhiều năm nên cần làm cho kỹ lưỡng. “Nếu thấy địa phương chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng thì có thể lùi. Tuy nhiên, ngay bây giờ phải mang tinh thần đổi mới vào dạy chương trình cũ, kết hợp tập huấn giáo viên chứ không nhất thiết phải chờ chương trình mới. Lãnh đạo địa phương phải “chuyển” cái tinh thần đó xuống tất cả giáo viên để họ có thời gian tự xác định lại rằng mình phải đổi mới, vì giáo viên chính là nhân tố quan trọng nhất của công cuộc này” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Sao giáo viên thừa nhiều thế?

Tôi nói một cách công khai là “chạy” việc rất khó, rất nhiều thầy cô thậm chí vừa dạy vừa “mai phục”. Thầy cô dạy hợp đồng trong trường luôn trong tình trạng “nhấp nhổm” chờ để vào biên chế. Chính vì vậy, ngành giáo dục cần làm nghiêm túc hơn việc dự báo nhân lực, nắm chắc được số lượng cử nhân mỗi năm và tuyển biên chế một cách nghiêm túc”.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Giáo viên là yếu tố quyết định đến thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên hiện tại, đội ngũ này vẫn đang “bề bộn” vì thừa – thiếu cục bộ, cử nhân sư phạm thất nghiệp và đầu vào tuyển sinh sư phạm … chạm sàn. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tất cả từ khâu yếu kém trong việc dự báo nguồn nhân lực dẫn đến việc đào tạo giáo viên tràn lan. Theo ông Đam, ngành giáo dục là ngành có đủ điều kiện tốt nhất để có thể dự báo nguồn nhân lực nhưng lại không làm được điều này là vô lý.

 “Không một ngành nào biết trước nhu cầu thị trường tốt bằng ngành giáo dục. Thế nhưng làm sao mà thừa nhiều giáo viên đến thế? Các ngành khác, hỏi vì sao thừa còn khó trả lời, nhưng với ngành giáo dục, có ai trả lời được là tại sao vẫn không dự báo được?” – ông Đam đặt câu hỏi. Phó Thủ tướng cho rằng, nguồn giáo viên chưa ổn định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong năm tới và việc đảm bảo chất lượng đào tạo.

“Đây là trách nhiệm của Bộ GDĐT và các địa phương. Trong khi vẫn đang thiếu hàng chục nghìn giáo viên mầm non thì tại sao các tỉnh lại “ngại” đụng chạm đến đội ngũ giáo viên thừa? Tại sao không bồi dưỡng để chuyển đổi để giáo viên môn thừa môn thiếu, trường thừa trường thiếu, cấp này thừa cấp kia thiếu?” – Phó Thủ tướng nói.

Thừa nhận những bất cập, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm học mới 2017 – 2018, ngành giáo dục sẽ tập trung vào giải quyết 3 nhóm nhiệm vụ trong đó ưu tiên việc quy hoạch lại mạng lưới giáo viên. “Các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đẩy nhanh quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm  để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên” – ông Nhạ nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem