Cần duy trì quy định cứng bảo vệ lao động nữ

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 23/01/2017 06:00 AM (GMT+7)
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Lao động (LĐ) đang được Bộ LĐTBXH trình các bộ ngành, xã hội lấy ý kiến. Tuy nhiên, nhiều điểm mới trong dự thảo này được cho là bất lợi cho LĐ nữ. Về vấn đề này, NTNN - Dân Việt đã có cuộc đối thoại với bà Nông Thị Hải Yến (ảnh) chuyên gia LĐ nữ (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam).
Bình luận 0

Nhiều lao động nữ còn tâm lý e ngại

Thưa bà, các vấn đề về chính sách dành cho LĐ nữ đã được đề cập như thế nào trong các bộ Luật LĐ thời gian qua?

- Về nguyên tắc, khi làm luật chúng ta luôn bảo vệ đối tượng yếu thế. Trong mối quan hệ LĐ, LĐ luôn ở thế yếu hơn so với chủ sử dụng LĐ, đặc biệt với LĐ nữ mang thai, nuôi con nhỏ. Chính vì thế, từ khi có bộ Luật LĐ đầu tiên vào năm 1994, chúng ta cũng đã có quy định về việc cho LĐ nữ có con nhỏ nghỉ 60 cho con bú, và LĐ nữ tới kỳ kinh nguyệt được nghỉ 30 phút mỗi ngày. Đồng thời, các Bộ Luật LĐ gần đây cũng đề cập tới các công việc được sử dụng LĐ nữ, bố trí công việc cho LĐ thời kỳ mang thai… Gần đây nhất, Bộ Luật LĐ 2012 hiện hành đã có hẳn chương 10 quy định về LĐ nữ với những quy định có lợi cho họ.

img

  Cần có thời gian nghỉ ngơi cho LĐ nữ vào những giai đoạn “nhạy cảm” thì họ mới đủ sức khoẻ để lao động. Ảnh minh hoạ. Minh Nguyệt

Quá trình triển khai, có nhiều doanh nghiệp (DN) thực hiện được quy định này hay không thưa bà?

- Qua theo dõi của Ban nữ công (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam) thì thấy có tới 90% các DN thực hiện rất tốt quy định 60 phút. Còn thực hiện quy định LĐ nữ trong thời gian kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút có một số khó khăn vì họ sản xuất theo dây chuyền. Hơn nữa, nhiều LĐ nữ còn có tâm lý e ngại không báo với người quản lý nên không sắp xếp được thời gian cho họ nghỉ.

Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam cũng thông tin, kể từ năm 2012, đơn vị này đã phối hợp với một tổ chức thực hiện chương trình thành lập phòng vắt trữ sữa tại các DN. Hiện tại đã xây dựng được gần 200 phòng vắt sữa cho LĐ nữ nuôi con bú. Chương trình này cộng với việc thực hiện nghỉ 60 phút đảm bảo cho trẻ nhỏ phát triển một cách toàn diện, đảm bảo được bú mẹ trong vòng 24 tháng.

Tuy nhiên, DN vẫn ý kiến điều 155, Luật LĐ gây khó khăn cho việc bố trí sản xuất, ảnh hưởng tới sự phát triển của DN và kiến nghị nên bỏ. Ý kiến của bà thế nào về vấn đề này?

- Theo tôi, trong bối cảnh hội nhập, kinh tế vẫn còn khó khăn, người LĐ cũng cần có sự chia sẻ với DN. Tuy nhiên, chia sẻ không có nghĩa là phải bỏ đi những quy định nhân văn, tiến bộ. Những quy định về dành 60 phút mỗi ngày để LĐ nữ cho con bú, hay 30 phút mỗi ngày kinh nguyệt nghỉ ngơi, làm vệ sinh là quy định tiến bộ, đa số các quốc gia trên thế giới đều đang thực hiện. Về việc bố trí sản xuất, tôi cho rằng những quy định trên không ảnh hưởng nhiều. Chỉ cần LĐ khai báo, DN sẽ tính toán bố trí được người làm trong dây chuyền sản xuất.

Chủ động phối hợp sẽ tháo gỡ khó khăn

Có quốc gia còn duy trì việc cho LĐ nữ nuôi con nhỏ nghỉ 60 phút tới khi con họ đủ 24 tháng chứ không phải chỉ 12 tháng như Việt Nam. 
Bà Nông Thị Hải Yến

Vậy theo bà cần phải làm gì để tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc bố trí sản xuất, mà vẫn đảm bảo được quyền lợi cho LĐ nữ?

- Như trên đã nói, DN hoàn toàn không gặp khó khăn trong việc bố trí sản xuất nếu người LĐ và DN chủ động, tích cực trong việc phối hợp thực hiện. Tại điều 7, Nghị định 85 hướng dẫn thực hiện Luật LĐ ban hành từ 1.10.2015 cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện nội dung này. Theo đó, LĐ trong ngày kinh nguyệt được nghỉ 30 phút, kỳ nghỉ không quá 3 ngày trong 1 tháng. Thời gian nghỉ do LĐ nữ thỏa thuận với DN. Tương tự như vậy, tại Điều 7 của Nghị định 85 cũng quy định cụ thể việc thực hiện nội dung nghỉ 60 phút cho con bú. DN và người LĐ hoàn toàn có thể chủ động để thương lượng với nhau trong việc thực hiện. Thay vì nghỉ 60 phút vào buổi sáng, DN có thể cho LĐ nghỉ buổi chiều, hoặc chia làm đôi sáng 30 phút, chiều 30 phút.

Ngoài 2 vấn đề là dành 60 phút cho con bú và 30 phút kỳ kinh nguyệt, bà thấy Dự thảo Luật LĐ cần làm rõ thêm những khoản gì?

- Ngoài hai vấn đề trên, khoản 2 điều 155 dự thảo Luật LĐ đưa ra một điều rất khó hiểu về việc DN cho LĐ nữ mang thai nghỉ làm thì DN phải chứng minh được việc DN cho LĐ nghỉ không có liên quan tới việc LĐ có thai. Điều này sẽ gây khó khăn cho DN và người LĐ trong quá trình thực hiện bởi tốn thời gian, tiền bạc trong việc làm thủ tục chứng minh.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng bỏ nội dung tại Điều 123 về miễn xử lý kỷ luật LĐ cho LĐ nữ mang thai tôi thấy là không hợp lý. Việc các DN cho rằng để điều này sẽ làm cho LĐ lợi dụng chính sách là không đúng, vì trường hợp LĐ lợi dụng có thể không nhiều vì vậy không nên bỏ.

Dự thảo Luật cũng dự kiến tăng thời giờ làm thêm lên gấp đôi so với hiện tại. Tôi cho rằng điều này là không nên vì nếu tăng giờ làm thêm, LĐ nữ sẽ khó có thời gian chăm sóc gia đình. Điều này sẽ ảnh hưởng tới giống nòi, sự bền vững của gia đình.

Bà từng so sánh hai bộ Luật Hình sự và Luật LĐ về việc có những chế độ ưu tiên với phái nữ, nhưng thực tế so sánh này liệu có công bằng khi họ là hai đối tượng khác nhau? 

- Đúng vậy, có thể mới đầu mọi người nghe còn chưa hiểu rõ, nhưng thực tế điều tôi muốn nhấn mạnh, cần phải bảo vệ không phải là phụ nữ phạm tội hay là LĐ nữ mà chính là những đứa con của họ. Nếu so sánh với Bộ Luật Hình sự thì ngay cả những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phạm nhân nữ vẫn có thể được ân xá, hoặc hoãn thi hành án nếu đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ. So với phạm nhân, thì LĐ nữ mang thai có thể vi phạm kỷ luật LĐ, nhưng vi phạm đó nhẹ hơn nhiều. Cứ thử tưởng tượng, nếu bạn là một người mẹ đang mang thai, khi bị kỷ luật bạn có lo lắng không? nếu bạn là mẹ, bạn đang nuôi con nhỏ, bạn bị kỷ luật, sa thải, bạn sẽ lấy gì để nuôi con?

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem