Cao tốc 34.500 tỷ đồng: Chuyện lão nông “vào hang bắt cọp”

Nam Cường Thứ năm, ngày 18/10/2018 06:15 AM (GMT+7)
Những ngày qua, dư luận cả nước hết sức quan tâm tới dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư lên tới 34.500 tỷ, dù mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều hư hỏng. Lật lại hồ sơ, ngay từ năm 2016, báo NTNN đã lên tiếng về những dấu hiệu khuất tất trong dự án này, với sự giúp đỡ của lão nông Phạm Tấn Lực, người đã bỏ công sức và thời gian âm thầm điều tra nhằm phanh phui các sai phạm của dự án cao tốc này.
Bình luận 0

Lão nông nhập vai bảo vệ để điều tra

Ông Phạm Tấn Lực - người nông dân với dáng người gầy quắt ở thôn Phú Lễ 2 (Bình Trung, Bình Sơn, Quảng Ngãi). Trong điện thoại của tôi từ mấy năm nay vẫn lưu “chú Sáu Quảng Ngãi”. Số này tôi lưu 3 năm trước, những ngày đầu ông  bước vào cuộc trường kỳ điều tra sai phạm trên cao tốc 1,6 tỷ đô (34.500 tỷ đồng) cung đoạn qua huyện Bình Sơn quê ông. Ông bảo đó là “mật danh” giữa hai chú cháu.

Giữa năm 2016, điện thoại tôi bị réo liên tục bởi ông, yêu cầu phải vào ngay Bình Sơn để ông nói chuyện. “Tôi đã gửi đơn từ khắp nơi, từ huyện đến tỉnh rồi ra tận lãnh đạo VEC (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) nhưng không ai hồi âm. Phải nhờ đến nhà báo” – ông ấm ức kể.

img

Lão nông Phạm Tấn Lực, người âm thâm điều tra các dấu hiệu sai phạm trên đường cao tốc 34.500 tỷ đồng cung đường qua huyện Bình Sơn quê ông. (Ảnh: N.C)

Đó là những ngày nắng rát mặt trên quê nghèo Bình Trung, ông cho một nhân mối đưa chúng tôi lang thang khắp các “mặt trận” xung quanh những vấn đề, những cung đoạn, hạng mục liên quan đến đường cao tốc. Bắt đầu từ mỏ đất Hóc Dọc - nơi nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) cùng một đơn vị khai thác đất ngày đêm múc đất bùn nhão, ngang nhiên đổ làm cốt nền đường cao tốc...

Công cuộc nhập vai điều tra của chú Sáu bắt đầu từ tháng 7.2015, lúc ông bắt đầu nghe những xì xào về việc ăn bớt vật liệu trên công trường ở đường cao tốc.

"Bọn nó bảo tôi không được đụng đến nhà thầu, không được khiếu kiện, nếu không sẽ lãnh hậu quả. Tôi bảo nhà thầu làm ăn gian dối. Với trách nhiệm là người dân, tôi và bà con kiên quyết tố cáo”, lão ông Phạm Tấn Lực chia sẻ.

“Ban đầu, suy nghĩ đơn giản của tui chỉ là mấy anh công nhân trộm vài thanh sắt, hớt vài bao xi măng bán lấy tiền uống rượu. Vì vậy tôi đích thân hỏi và cũng là răn đe mấy công nhân là người trong xã. Nhưng những tiết lộ của họ khiến tôi cảm nhận được sự thể còn lớn hơn thế nhiều” – ông nhớ lại.

Quyết tìm được bằng chứng, chú Sáu nhập cuộc điều tra bằng cách xin làm bảo vệ công trường, đây chính là một quyết định khôn ngoan bởi chỉ với chức danh bảo vệ cùng với chiếc máy ảnh “hộp diêm” trong tay, ông ngày ngày ghi lại các hình ảnh được cho là sai phạm, từ ăn bớt vật liệu, đổ đất bùn, sạt lở… Ngoài ra, bằng “biện pháp nghiệp vụ”, ông cũng thu thập được những số liệu, các tài liệu công trường, nhật ký thi công, nhật ký giám sát. Các bằng chứng rõ ràng được ông sao lưu cất giữ cẩn thận.

Cứ như thế, ngày ngày ông âm thầm điều tra để rồi đến thời điểm chín muồi, khi quyết định làm đơn gửi chính quyền huyện và tỉnh cùng Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, thứ ông nhận được duy nhất là sự im lặng của các cơ quan chức năng.

Kể từ đây, chú Sáu bước vào một “cuộc chiến” còn gian nan hơn. Bởi khi đã lộ mặt, lộ thân phận ông nhận được vô vàn lời khuyên hãy bỏ cuộc từ người thân, anh em họ hàng, từ những quản đốc, công nhân, giám sát trên công trường và rất nhiều răn đe dọa nạt.

img

Hiện trạng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. (Ảnh: N.C)

“Từ khi nhập cuộc đến khi tôi quyết định ra mặt tố cáo vô vàn gian khổ. Cả nhà luôn trong tình trạng nơm nớp lo nghĩ. Gửi đơn tố cáo xong cái là tôi bị cho nghỉ bảo vệ liền. Việc này không trách được họ vì theo lẽ thường, không ai cho mình làm bảo vệ để ngày ngày theo dõi, thu thập bằng chứng sai phạm của chính họ” – ông tâm sự.

Cuộc chiến vẫn ở phía trước

Nhưng cũng bắt đầu từ đây, công cuộc nhập vai điều tra của ông chuyển sang bước ngoặt mới. Ông ra mặt tố cáo sai phạm, vừa thu thập bằng chứng, vừa ngược xuôi gửi đơn đến các cơ quan chức năng.

img

Lão nông Phạm Tấn Lực luôn nhận được sự ủng hộ của vợ trong cuộc chiến chống lại các khuất tất tại dự án đường cao tốc 34.500 tỷ đồng. (Ảnh: N.C)

“Thậm chí tôi gặp được cả lãnh đạo VEC, gay gắt chất vấn, yêu cầu họ cho đối chất, từ quản đốc tới giám sát. Tôi chỉ mong sau góp ý, việc làm đường sẽ được chấn chỉnh, nghiêm túc hơn. Nhưng không ai nghe”- ông buồn bã nhớ lại.

Ngày 11.6.2016, sau một thời gian cùng chú Sáu vào cuộc điều tra, Báo NTNN/Dân Việt đăng bài: “Nhà thầu Trung Quốc múc “đất bẩn” đổ đường cao tốc”. Những áp lực khủng khiếp bắt đầu giáng xuống ông và gia đình.

Đến tận giờ, lão nông Phạm Tấn Lực vẫn chưa quên được những khoảnh khắc tồi tệ sau khi ông quyết định tố cáo những sai phạm ở cao tốc 34.500 tỷ đồng cho báo chí khi ấy.

“Ngày 11.8.2016, khoảng 9 giờ, đúng ngày Báo NTNN đăng tải vụ việc, có số điện thoại lạ gọi vào máy tôi và mời đi uống cà phê. Tui nói bận việc không đi được thì khoảng 30 phút sau, có 2 thanh niên lạ mặt đi xe máy đến nhà, xông thẳng vào nhà không cần ai mời mọc” – ông kể.

Phép lịch sự, ông Lực mời 2 thanh niên ngồi uống nước, nhưng 2 người này tỏ ra hung hăng, liên tục nói những lời hăm dọa, chửi thề tục tĩu khó nghe. “Chúng nó chỉ đáng tuổi con, em tôi nhưng ăn nói hỗn láo lắm, chẳng coi ai ra gì”. Ông vẫn mềm mỏng: “Hai con tên gì, làm ở đâu, tới kiếm chú có chuyện gì?” thì 2 thanh niên này liên tục tra hỏi ông, vì sao hay thưa kiện, hay bới móc và tìm sai phạm ở đường cao tốc.

Đối mặt với 2 kẻ bặm trợn, ông Lực vẫn khẳng khái: “Trách nhiệm tố cáo sai phạm bọn con cũng có phần, sao lại đi đe dọa?” thì họ trả lời: “Chú phải chấm dứt, tôi chỉ đến nhà lần này, gặp ngoài đường là tụi tôi xử” sau đó ra về. Trưa 11.8, sau khi hai thanh niên ra khỏi nhà, tiếp tục một cuộc điện thoại gọi đến máy ông, nói: “Biết nhà ông, coi chừng bọn tôi cắt cổ ông đấy”.

Đó là đỉnh điểm của những đe dọa khi họ trực tiếp gặp mặt, thậm chí trong lần ông Sáu Lực đang ghi hình sai phạm của nhà thầu Giang Tô thì một người cùng xã (làm bảo vệ) gọi vào quán uống nước, sau đó anh này giả vờ say rượu, đánh ông. “Họ cũng vài lần ném đá vào nhà, tôi không đếm xỉa tới. Chỉ lo cho người thân thôi”.

Giữa muôn trùng khó khăn, ông Phạm Tấn Lực vẫn luôn có được sự động viên của người thân và một số dân trong xã, những người nông dân chính hiệu luôn sát cánh bên ông, giúp đỡ ông ghi hình, thu thập chứng cứ.

“Đến giờ, những tố cáo của người dân Bình Sơn chúng tôi phần nào đã được VEC hồi đáp, nhưng những giải thích của họ là không thỏa đáng. Chúng tôi sẽ tranh đấu tới cùng, cho tới khi nào những khúc mắc được làm sáng tỏ” - lão nông Sáu Lực quả quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem