Chậm triển khai thu phí BOT tự động: Quản lý yếu kém hay vì “lợi ích nhóm”?

Thế Anh Thứ tư, ngày 06/03/2019 06:00 AM (GMT+7)
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ “lùm xùm” về hoạt động thu phí tại các dự án BOT trên cả nước khiến dư luận bức xúc, phản ứng gay gắt. Điểm nóng hiện nay là việc người dân tự tổ chức đếm xe đi qua trạm BOT Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa để minh bạch việc thu phí. Vấn đề dư luận quan tâm là tại sao Bộ GTVT chậm triển khai việc thu phí tự động không dừng để minh bạch hoạt động này?
Bình luận 0

Doanh nghiệp chây ỳ

Thu phí không dừng được nhận định là một hình thức thu phí với nhiều tiện lợi, tuy nhiên tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng vẫn đang ỳ ạch, chậm trễ, rất ít trạm được triển khai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai được nhiều chuyên gia giao thông và dư luận đưa ra là do các nhà đầu tư BOT không muốn thực hiện vì họ không muốn phải minh bạch doanh số thu phí. Cùng với đó là sự độc quyền đem lại lợi nhuận cho một nhóm nhỏ nhà đầu tư.

Cần phải khẳng định rằng, ngoài minh bạch thu phí việc triển khai thu phí không dừng còn giúp các phương tiện rút ngắn thời gian lưu thông trên đường. Để thực hiện việc này, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu triển khai, thậm chí Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tiến độ thu phí không dừng vẫn triển khai vô cùng chậm trễ. 

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), hiện nay trên cả nước có 96 trạm thu phí BOT, trong đó 74 trạm do Bộ GTVT quản lý, còn lại do UBND các tỉnh, thành phố quản lý. Từ năm 2015, Bộ GTVT đã bắt đầu tính đến chuyện thu phí không dừng, trước hết trên QL1 và QL14 qua Tây Nguyên. Đến nay, mới lắp đặt được khoảng 30 trạm thu phí không dừng.

img

 Làn thu phí tự động không dừng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong số làn thu phí ở trạm thu phí (chụp tại Trạm thu phí An Sương - An Lạc, TP.HCM). Ảnh: K.B

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký hợp đồng độc quyền (chỉ có 1 nhà đầu tư thực hiện) với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Công ty VETC - Công ty con của Công ty CP Tasco) thực hiện. Toàn bộ số tiền thu phí không dừng từ VETC sẽ được chuyển về tài khoản của VETC tại BIDV, sau đó mới đổ về tài khoản của các ngân hàng rót vốn cho BOT.

Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, việc triển khai xây dựng thu phí không dừng không phải là vấn đề khó. Đây là hình thức mà các nước đã áp dụng, Việt Nam có đầy đủ cơ sở hạ tầng, cũng không cần sáng tạo nhiều, chỉ cần học hỏi nước ngoài và áp dụng tại Việt Nam. Vấn đề cốt lõi chính là doanh nghiệp chây ỳ, cố tình chậm trong việc triển khai dự án.

Do quản lý yếu kém?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, chịu trách nhiệm về thực trạng nói trên trước hết là cơ quan chủ quản, tức là Bộ GTVT không thực hiện quyết liệt như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg, nhà đầu tư các dự án BOT giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31.12.2018 phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng. Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo như vậy, nhưng đến thời điểm này vẫn xảy ra hàng loạt các vấn đề  ở các trạm BOT do vẫn thực hiện việc thu phí thủ công.

Giữa tháng 1.2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến yêu cầu Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các cơ quan, tổ chức có liên quan chậm nhất đến ngày 31.12.2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Đáng lo ngại là tình trạng ùn tắc giao thông do thu phí thủ công trong những ngày lễ tết. Để đảm bảo giao thông được thông suốt, đã có một số chủ đầu tư BOT chủ động đề nghị cho xả trạm để tạo điều kiện cho bà con đi lại dịp tết. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã bác bỏ vì cho rằng theo Thông tư 49 của Bộ, trạm thu phí phải duy trì suốt 24 giờ.

Theo ông Thanh, trong Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Chính phủ đã nêu rõ: “Đơn vị thu phí sẽ bị phạt khi để ùn tắc từ 750m trở lên" và nếu để ùn tắc nghiêm trọng thì có thể bị phạt tới 70 triệu đồng và đình chỉ thu phí từ 1 đến 3 tháng. Tuy nhiên, tại các BOT cửa ngõ như Pháp Vân - Cầu Giẽ ở Hà Nội hay Long Thành - Dầu Giây ở TP.HCM, vào các dịp cao điểm thì ách tắc nghiêm trọng kéo dài do việc thu phí “giao vé, thu tiền mặt” tại các trạm là điều thường xuyên xảy ra. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì chưa hề có một trạm BOT nào bị xử phạt.

Thông tin về việc triển khai thu phí không dừng, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Hiện nay đã thống nhất xong công nghệ để lắp đặt thu phí không dừng, và không còn vướng gì nữa. Để thực hiện được việc này, cơ quan quản lý cần phải có sự chung tay từ người dân và doanh nghiệp”.

Lý giải về việc chậm triển khai, ông Huyện cho rằng, năm 2018 tiến độ triển khai thu phí tự động bị chậm chủ yếu do vướng về mức phí nhà đầu tư BOT trích lại trả cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Việc thay đổi mức phí phải do Thủ tướng quyết. Cuối năm 2018, Thủ tướng đã đồng ý tăng mức phí trích lại cho đơn vị thu phí tự động.

Hiện, Tổng cục Đường bộ đang làm việc với các nhà đầu tư BOT để điều chỉnh lại mức phí trong phụ lục hợp đồng. Đồng thời, đang bàn sửa nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông để bổ sung các chế tài xử lý tổ chức, cá nhân chậm thực hiện. Để lựa chọn đơn vị cung cấp hệ thống giám sát, đã được thông qua đấu thầu và lựa chọn VNPT cung cấp hệ thống giám sát các trạm thu phí. Hệ thống này sẽ thống kê số lượng và hình ảnh xe ô tô qua trạm thu phí, sau mỗi 3 giây xe qua trạm dữ liệu sẽ được truyền về Tổng cục Đường bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem