Chủ tịch Hà Nội nói gì khi có 2 ca âm tính lại dương tính Covid-19?

Thành An Thứ hai, ngày 16/03/2020 20:55 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, Hà Nội đang có 2 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính ban đầu nhưng 7-8 ngày sau lại dương tính với Covid -19 và đang chờ kết quả cuối cùng của Bộ Y tế.
Bình luận 0

Không chủ quan trước dịch bệnh

Chiều tối 16/3, phát biểu kết luận tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 hiện tại đã được WHO công bố “đại dịch toàn cầu” chính vì thế Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch, có hiệu quả.

Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp ban đầu xét nghiệm âm tính nhưng sau lại cho kết quả dương tính với Covid- 19, trong đó có trường hợp ở Long Biên xét nghiệm ban đầu âm tính, nhưng sau 8 ngày xét nghiệm lại dương tính.

“Chúng ta đã xác định xét nghiệm âm tính chỉ là một trong những yếu tố ban đầu. Vì thế những người có tiếp xúc với F1 âm tính trong 1-2 ngày đầu chưa yên tâm hoàn toàn. Đây là vấn đề mà chúng ta cần lưu ý” - ông Chung nhấn mạnh.

img

Ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị TP.Hà Nội cần phải để ý, lưu tâm đến những người đã được cách ly 14 ngày về địa phương. "Tôi đề nghị tất cả các trường hợp đã được cách ly xong 14 ngày ở nơi tập trung, khi đã cho về vẫn phải tiếp tục chăm sóc sức khỏe, giảm tiếp xúc với người thân trong gia đình, nơi đông người" - Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Hà Nội cũng nêu rõ, hiện năng lực xét nghiệm của thành phố với Covid-19 là 2.000 mẫu/ngày; xét nghiệm nhanh thời gian thực là 1.500 mẫu... hoàn toàn đảm bảo mọi nhu cầu. 

Liên quan đến ý kiến của dư luận về việc cách ly khu dân cư... người đứng đầu UBND Hà Nội nêu rõ, việc cách ly khu dân cư được tính toán trên từng trường hợp, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan; không loại trừ bất kỳ trường hợp nào. "Tất cả các phương án cách ly Hà Nội đều có tham khảo các chuyên gia trong và ngoài nước" – ông Chung nói.

Ông Chung cho biết, tốc độ của những ca nhiễm ở một số nơi được đánh giá vào nhóm siêu lây nhiễm như ở Bình Thuận, lây nhiễm cho 9 người trong 1 thời gian rất ngắn.

"Cho đến giờ phút này ở Hà Nội chưa phát sinh nguồn lây nhiễm mà chúng ta chưa rõ nguồn gốc, 12 ca lây nhiễm trên địa bàn đều xác định lây nhiễm từ Châu Âu và lây nhiễm chéo trên địa bàn" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nội lưu ý, những người sau cách ly được xác định  âm tính cho về vẫn tiếp tục theo dõi hết sức chặt chẽ, làm sao sau 20 ngày không vấn đề gì mới yên tâm. “Ai có biểu hiện sốt, ho, khó thở, phải điện thoại báo ngay 115, hoặc các cơ sở y tế để xét nghiệm lại ngay hoặc ai không yên tâm cũng có thể đăng ký xét nghiệm lại".

Phải đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho nhân dân

Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 3 nguy cơ lây nhiễm lớn. Thứ nhất, nhóm người đi về từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thứ hai, nhóm khách du lịch người nước ngoài, học sinh đi từ Châu Âu và các quốc gia có vùng dịch đến trước ngày 6/3. Thứ ba, người nước ngoài, các du học sinh đang trở về (gần 1000 người). 

img

Người dân tại khu cách ly trên địa bàn Hà Nội được chính quyền địa phương cung cấp lương thực thực phẩm miễn phí.

Rút kinh nghiệm từ Malaysia, Chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị từng công dân nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội. Đặc biệt, cần tập trung mọi nguồn lực để phát hiện các trường hợp nghi ngờ, ca bệnh từ các nhóm nguy cơ lây nhiễm cao… Quản lý chặt chẽ số người đã xác minh lịch trình, số người tiếp xúc F1, F2… Giám sát chặt chẽ những công dân đang cách ly tại các khu tập trung và cách ly tại nhà.

“Nếu đã có quyết định cách ly mà không thực hiện nghiêm túc, để xảy ra lây nhiễm trên cộng đồng, đề nghị Công an TP xử lý theo quy định, thậm chí có thể xem xét để truy tố hình sự” – Chủ tịch Hà Nội yêu cầu.

Ngoài ra, người đứng đầu UBND Hà Nội yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Toàn bộ hệ thống giáo dục trên địa bàn TP phải tổ chức khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo đủ điều kiện để cho học sinh quay lại trường học vào tháng 4.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý, những địa điểm có thể tổ chức cách ly cho công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch là Khu nhà ở sinh viên tại Tứ Hiệp (Hoàng Mai); một số trường dạy nghề ở Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sơn Tây; Bệnh viện đa khoa của Mê Linh; khu tái định cư Thượng Thanh… “Đây là những nơi tổ chức cách ly phòng ngừa, chứ không phải tổ chức chữa bệnh tại đây” – ông nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định, TP.Hà Nội có đủ kit xét nghiệm từ 4-6 tiếng đồng hồ. Đối với trường hợp F1, F2, những người từ vùng dịch sẽ được xét nghiệm miễn phí 2 lần. Toàn bộ kinh phí sẽ do TP chi trả.

Nhắc lại việc hiện nay có 2 bệnh nhân có diễn biến nặng, không tránh khỏi việc người dân hoang mang, tâm tư, song Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định TP vẫn hoàn toàn kiểm soát tốt dịch bệnh. Ông lưu ý các cấp các ngành, nhiệm vụ số 1 là phải đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, kinh tế mặc dù có thể giảm nhưng vẫn có thể khắc phục được. “Bởi nếu không dịch bệnh sẽ gây ra những tổn thương lớn về tâm lý xã hội”.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, chó mèo có thể là nguồn lây nhiễm dịch Covid-19, chính vì vậy đề nghị người dân Thủ đô không ăn thịt chó. Đây cũng là cách phòng chống dịch Covid-19. 

“Với những biện pháp quyết liệt của TP.Hà Nội từ trước đến nay, tình hình dịch tại TP sẽ giảm vào cuối tháng 4” – Chủ tịch Hà Nội bày tỏ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem