Chủ tịch UBCK Nhà nước: Thị trường vẫn nhiều cơ hội thuận lợi

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 22/06/2018 06:41 AM (GMT+7)
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết sự biến động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thời gian qua diễn ra trong bối cảnh TTCK thế giới giảm trước tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cộng thêm TTCK Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài và đang bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Bình luận 0

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018?

- TTCK đã có sự tăng trưởng mạnh trong quý I.2018, chỉ số VN-Index đã bứt phá ra khỏi vùng đỉnh lịch sử được thiết lập năm 2007, đạt 1.204,33 điểm vào ngày 9.4.2018, tăng 22,4% so với cuối năm 2017.

img

Thị trường chứng khoán biến động mạnh trong thời gian qua. Ảnh: T.L

" … Với kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt; thị trường tài chính – tiền tệ, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay (bằng VNĐ) có xu hướng giảm; khối ngoại vẫn tiếp tục vào ròng, chưa có dấu hiệu rút vốn khỏi TTCK; tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn ổn định, về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội diễn biến thuận lợi trong thời gian tới”.

Chủ tịch UBCK Nhà nước 
Trần Văn Dũng

Tuy nhiên, từ giữa tháng 5.2018 đến ngày 23.5, thị trường có xu hướng điều chỉnh với những phiên tăng giảm mạnh đan xen. Tính từ thời điểm VnIndex đạt đỉnh cao nhất lịch sử, chỉ số VnIndex đã giảm 18% xuống còn 985,92 điểm vào ngày 24.5. Mặc dù chỉ số giảm nhưng mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vẫn tăng mạnh do nửa đầu năm 2018 có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn lên niêm yết, tiêu biểu là Công ty CP Vinhomes. Quy mô vốn hóa thị trường đạt 3.846 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2017, tương đương 76,8% GDP.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá mạnh trong tháng 5. Tính đến ngày 23.5, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 4.229 tỷ đồng trên cả hai sàn. Tuy nhiên, dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng ở mức độ tương đối cao, đạt 615 triệu USD trong tháng 4 và 450 triệu USD trong nửa đầu tháng 5.2018, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng ở sự tăng trưởng của thị trường và sẵn sàng giải ngân ở thời điểm thích hợp.

Tổng mức huy động trên TTCK Việt Nam 5 tháng đầu năm ước đạt 90.000 tỷ đồng (giảm 32% so với cùng kỳ). 5 tháng đầu năm 2018 đã huy động về cho ngân sách nhà nước được hơn 57,6 nghìn tỷ đồng thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ, và 26,4 nghìn tỷ đồng thông qua cổ phần hóa và thoái vốn qua 2 Sở.

Vì sao TTCK Việt Nam lại xuất hiện những biến động mạnh trong thời gian qua?

- Trước hết, sự biến động điều chỉnh của TTCK Việt Nam diễn ra trong bối cảnh TTCK thế giới điều chỉnh giảm trước tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có giảm song chưa xóa bỏ được lo ngại của giới đầu tư về việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn có thể mắc vào một cuộc chiến tranh thương mại.

Ngoài ra, FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 và khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Thị trường chứng khoán thế giới từ Mỹ, châu Âu, châu Á đều đã điều chỉnh giảm từ tháng 1.2018, mức giảm phổ biến từ 7 – 10%.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài và đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. VnIndex năm 2017 tăng 48% và tăng tiếp 17% trong quý I.2018 nên các nhà đầu tư đều có tâm lý chốt lời. Tâm lý đó diễn ra đúng vào thời điểm TTCK thế giới điều chỉnh giảm nên tác động cộng hưởng càng lớn.

Do tác động tình hình kinh tế, chính trị trong nước và thế giới, cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước thời gian gần đây đều có xu hướng chốt lời đối với các cổ phiếu đã có mức tăng giá mạnh từ đầu năm, dè dặt trong giải ngân mới mà chờ đợi cơ hội thích hợp để tiếp tục đầu tư.

Tuy nhiên, với kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt; thị trường tài chính – tiền tệ, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay (bằng VNĐ) có xu hướng giảm; khối ngoại vẫn tiếp tục vào ròng, chưa có dấu hiệu rút vốn khỏi TTCK; tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn ổn định, về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội diễn biến thuận lợi trong thời gian tới.

Ông có thể chia sẻ về định hướng trong công tác phát triển TTCK Việt Nam thời gian tới?

- Ưu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm nay là bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK, phát triển TTCK theo chiều sâu và kiên trì công tác tái cấu trúc TTCK.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, đảm bảo phát huy vai trò là kênh huy động vốn cho Chính phủ, doanh nghiệp và cho nền kinh tế, đồng thời ngày càng thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế, công tác xây dựng chính sách phát triển TTCK thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát, trong đó trọng tâm là triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi trình Bộ Tài chính trình Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong năm 2018 và thông qua vào năm 2019.

Thứ hai, tiếp tục tham gia có hiệu quả vào công tác huy động vốn cho ngân sách nhà nước, vào công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch để tranh thủ cơ hội tăng quy mô của thị trường; kết hợp công tác tăng quy mô với tăng chất lượng của doanh nghiệp thông qua việc thi hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP.

Thứ ba, tiếp tục tái cấu trúc tổ chức vận hành thị trường, hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động và giao dịch trên TTCK thông qua: (i) Hợp nhất các SGDCK và phát triển, phân định các khu vực thị trường - thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCKPS - để nâng cao vị thế của SGDCK Việt Nam trong khu vực ASEAN; (ii) Triển khai hệ thống CNTT hiện đại, toàn diện cho thị trường tại các SGDCK, TTLKCK và các dự án ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, giám sát thị trường tại UBCKNN.

Thứ tư, tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuẩn bị triển khai các sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm ẩm chứng quyền có đảm bảo (CW) tại HOSE và sản phẩm HĐTL TPCP tại SGDCK Hà Nội trong năm nay.

Thứ năm, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến đưa thị trường này vào giao dịch năm 2019.

Thứ sáu, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK. Công tác giám sát sẽ được tiến hành toàn diện đối với các hoạt động thao túng giá chứng khoán hoạt động CBTT và tuân thủ của các CTĐC, hoạt động của các SGDCK, TTLKCK, công ty chứng khoán (CTCK) và các công ty kiểm toán hiện nay đang kiểm toán các CTĐC. Chúng tôi cho rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch cho TTCK, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem