Chuyện kiểm tra, kỷ luật cán bộ cấp cao vụ Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh

Lương Kết Thứ hai, ngày 15/10/2018 12:07 PM (GMT+7)
“Sau khi một đồng chí nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ bị thi hành kỷ luật Đảng, một hôm anh trai tôi (ông Vũ Quang) gọi tới nhà hỏi: Sao chú đối xử với anh ấy thế. Tôi bảo, em cũng quý anh ấy chứ không phải ghét gì, nhưng vì phép công phải làm”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương kể với PV Dân Việt.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Quốc Hùng kể lại những vụ việc kiểm tra, kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm thời ông còn công tác (ảnh PV).

Bí thư Đoàn sang làm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Hồi tưởng lại những ký ức trong không khí 70 năm Ngày truyền thống của Ngành Kiểm tra Đảng (16.10.1948 -16.10.2018), ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng 3 khóa (7,8 và 9), nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, trong cuộc đời công tác, ngành Kiểm tra Đảng ông có thời gian gắn bó lâu nhất với gần 20 năm.

Ông Vũ Quốc Hùng sinh 1940, quê gốc Sơn Tây, Hà Nội, sau gia đình chuyển lên Tuyên Quang. Ông được sang Liên Xô đào tạo và tốt nghiệp kỹ sư luyện kim.

Khi về nước, theo phân công ông sẽ về làm việc ở Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Tuy nhiên, do Nhà máy bị đánh phá (chiến tranh phá hoại của Mỹ) nên năm 1968 ông viết đơn xin đi bộ đội. 

Vào quân ngũ, ông được giao làm công tác kỹ thuật tại đơn vị là tiền thân của Học viện Kỹ thuật Quân sự hiện nay. Sau đó được đưa đi nghiên cứu sinh 3 năm ở Liên Xô (lấy bằng phó tiến sĩ, nay gọi chung là tiến sĩ).

Về nước công tác được một thời gian ông được tổ chức đưa ra ngoài quân đội làm cán bộ Đoàn. Từ năm 1980 -1987, ông làm Bí thư Trung ương Đoàn. Khi thấy tuổi nhiều nghĩ không thể làm cán bộ Đoàn được nữa ông Hùng có ý nguyện xin quay về trường Kỹ thuật Quân sự để tiếp tục công tác. 

“Một hôm tôi bỗng nhận được cuộc điện thoại từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương (KTTƯ) nói các đồng chí lãnh đạo ở đây muốn gặp. Khi tôi tới các anh lãnh đạo hỏi có muốn về Ủy ban KTTƯ công tác không? Tôi trả lời, bản thân không được đào tạo về công tác kiểm tra Đảng, nếu về công tác Nhà nước sẽ mất công đào tạo. Khi nghe các anh động viên, tôi nói tùy tổ chức phân công”, ông Hùng nhớ lại.

Một hôm tình cờ nghe Đài tiếng nói Việt Nam, ông thấy tên mình được xướng trong bản tin. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VI, ông được bầu bổ sung vào Ủy ban KTTƯ.

img

Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII, thời gian qua đã kết luận nhiều vụ việc phức tạp được dư luận quan tâm (ảnh ubkttw.vn).

"Vì phép công phải làm"

Ông Vũ Quốc Hùng cho biết, khi về Ủy ban KTTƯ công tác, ông đã dành nhiều thời gian để tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Bên cạnh đó ông cũng được nhiều đồng nghiệp tại cơ quan giúp đỡ, các vị lãnh đạo ân cần dìu dắt. “Ông Trần Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ khóa VI khi đi công tác cơ sở luôn cho tôi đi cùng để “cầm tay chỉ việc”. Đặc biệt là những anh em chuyên viên, họ là những người tham mưu trung thực, nên tôi coi họ như những người thầy của mình. Đến nay dù nghỉ công tác đã lâu nhưng khi gặp lại họ, kỷ niệm xưa lại ùa về”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng kể, trong quá trình công tác, ông đã tham gia giải quyết rất nhiều vụ việc mâu thuẫn của cán bộ, đảng viên ở địa phương, như mâu thuẫn giữa Bí thư và Phó Bí thư, mâu thuẫn giữa Bí thư và Chủ tịch…Đáng chú ý là kiểm tra xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan tới 3 vụ án lớn là vụ Năm Cam, vụ Lã Thị Kim Oanh và vụ Thủy cung Thăng Long. 

Theo ông Vũ Quốc Hùng, trước tình trạng Năm Cam và đồng bọn lộng hành làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật TP.HCM, nhiều cán bộ lão thành và người dân đã bất bình, yêu cầu các cấp ủy phải làm rõ, đặc biệt ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng rất bức xúc yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ.

Ban Bí thư đã lập Ban Chỉ đạo giải quyết vụ án Năm Cam, ông Trương Vĩnh Trọng lúc đó là Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm trưởng ban. “Các thành viên gồm có Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Tôi cũng là thành viên phụ trách mảng của Ủy ban KTTƯ”, ông Hùng nhớ lại.

Năm 2001, Cơ quan Công an khởi tố vụ án, bắt Năm Cam và những đối tượng phạm pháp hình sự. “Có những cán bộ, đảng viên nào liên quan đến Năm Cam, đó là trách nhiệm của Ủy ban KTTƯ phải làm rõ. Năm Cam bị tạm giam ở Tiền Giang, chúng tôi phải về đó để nghe các điều tra viên lấy cung đối tượng. Sau khi nghe đối tượng khai ra những cán bộ này, cán bộ kia có liên quan, chúng tôi tiến hành thẩm tra, xác minh”, ông Hùng kể.

Sau khoảng hơn một năm, Ủy ban KTTƯ đã có kết luận và kỷ luật cũng như đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, có hai người là Ủy viên Trung ương ngoài bị xử lý về Đảng còn bị truy tố.

Vụ Lã Thị Kim Oanh khởi tố năm 2001, có liên quan tới những cán bộ còn đang công tác và cả cán bộ đã nghĩ hưu, trong đó có một người nguyên là Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực nông nghiệp (xin không nêu tên). Ông bị xem xét trách nhiệm trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

“Theo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư tôi mời vị nguyên Phó Thủ tướng sang Ủy ban KTTƯ làm việc. Thời điểm này ông mới đi Trung Quốc chữa bệnh tim. Buổi làm việc có đại diện một số cơ quan chức năng. Khi vị nguyên Phó Thủ tướng đến, tôi rót nước mời. Sau đó tôi nói, kính thưa anh, hiện Trung ương đang xử lý vụ Lã Thị Kim Oanh, được sự ủy nhiệm của Ban Bí thư, tôi mời anh đến để làm rõ cho chúng tôi những vấn đề liên quan đến vụ việc và trách nhiệm của anh, xin phép anh được ghi âm cuộc làm việc này. Vị nguyên Phó Thủ tướng này cũng thẳng thắn nói những vấn đề liên quan”, ông Hùng kể.

Sau buổi làm việc đó, Ủy ban KTTƯ báo cáo Bộ Chính trị và đề xuất cách hết chức vụ "nguyên" của vị này. Tuy nhiên sau đó Bộ Chính trị thảo luận và cho rằng, hiện ông này đang bị bệnh tim, sức khỏe yếu nên chỉ thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

“Sau vụ việc này, anh trai tôi là ông Vũ Quang, nguyên Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn có gọi tôi tới nhà. Ông hỏi: Sao chú đối xử với anh ấy thế (chỉ nguyên Phó Thủ tướng - PV). Tôi bảo, em cũng quý anh ấy chứ không phải ghét gì, nhưng vì phép công phải làm”, ông Hùng nhớ lại.

Ông Hùng nói thêm, trong quá trình công tác phải nhiều lần kiểm tra và xử lý, đề nghị xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vốn là chỗ thân quen khiến ông rất buồn nhưng vì phép công phải làm. Như vụ Thủy cung Thăng Long (xét xử năm 2001), có vị cán bộ lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ bị kiểm tra, kỷ luật Đảng. “Anh này cùng tôi lớn lên ở Tuyên Quang, sau đi công tác cũng có những kỷ niệm gắn bó, nay phải đi kiểm tra để thi hành kỷ luật anh, tôi rất buồn. Nhưng để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng thì vẫn phải làm. Ông này sau đó bị kỷ luật cảnh cáo và Quốc hội miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng”, ông Hùng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem