Còn ai nhớ trận đánh oanh liệt diệt xe tăng Trung Quốc năm 1979?

Lương Kết Chủ nhật, ngày 17/02/2019 09:02 AM (GMT+7)
Cầu Bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng) bắc qua dòng suối trong xanh chảy từ xã Đại Tiến ra sông Bằng. Tháng hai là mùa ít nước, lòng suối lộ rõ những phiến đá lởm chởm. Bên kia cầu là xóm Bản Sẩy đang thay đổi từng ngày, hối hả theo nhịp đô thị hóa. Ít ai biết rằng, 40 năm trước nơi đây diễn ra trận đánh oanh liệt tiêu diệt đoàn xe tăng của quân xâm lược Trung Quốc.
Bình luận 0

img

Xe tăng quân Trung Quốc bị tiêu diệt tại khu vực cầu Bản Sẩy, xã Bế Triều, huyện Hòa An, Cao Bằng (ảnh Trần Mạnh Thường).

Ký ức hào hùng

Ông Phạm Trung Tần 67 tuổi, từng là lính đặc công (nhập ngũ tháng 4.1970, tham gia chiến trường Tây Nam Bộ). Năm 1976, ông giải ngũ trở về xóm Bản Sẩy, xã Bế Triều, huyện Hòa An và tham gia dân quân xã (làm tiểu đội trưởng dân quân), thuộc Trung đội dân quân cơ động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Huyện đội Hòa An.

Ông Tần kể: Sáng 18.2.1979, ông nhận được lệnh tập trung trên chốt Phia Ma thuộc Huyện đội Hòa An. “Mới sáng sớm từ trên điểm cao Phia Ma nhìn xuống tôi thấy đoàn xe tăng với sao vàng trên tháp pháo, nhìn kỹ thấy có chữ bát nhất mới biết xe của quân xâm lược Trung Quốc từ hướng huyện Thông Nông, Hà Quang (hai huyện sát biên giới với Trung Quốc) ầm ầm tiến vào thị trấn Nước Hai (Hòa An). Tổng cộng có 15 chiếc, đoàn xe không có bộ binh đi cùng. Cùng lúc đó, có hai xe chở bộ đội ta vừa ra khỏi thị trấn thì đụng phải xe tăng địch. Do địa hình nơi đó không phù hợp, hai chiếc ô tô đã quay đầu rút để tìm nơi tổ chức chặn giặc. Xe tăng địch đuổi và bắn xe quân ta nhưng không trúng”, ông Phạm Trung Tần nhớ lại.

Đến khu vực cầu Bản Sẩy, bộ độ bỏ xe ô tô ngang đường, rồi nhanh chóng triển khai chiến đấu. Lúc này ông Tần cùng một dân quân nữa đi tới, với kinh nghiệm từng chiến đấu, lại là người địa phương hiểu địa hình, địa vật ông đã dẫn các tốp bộ đội nấp ở bờ ruộng, tốp nấp vào xóm Bản Sẩy chờ xe tăng địch qua. “Chiếc xe tăng đầu tiên đi lên cầu đến giữa chừng do cầu yếu võng xuống nên xe bị lật nhào xuống suối. Những chiếc sau đi phải tìm đường qua ngầm rồi bò lên mặt đường.

img

Chiếc xe tăng Trung Quốc bị quân ta bắt giữ bên cầu Bản Sẩy (ảnh Trần Mạnh Thường).

Những chiếc xe tăng quân xâm lược qua suối lọt vào trận địa phục kích của bộ đội, trận đánh ác liệt bắt đầu diễn ra. “Bộ đội ta dùng súng ZKD 82 phụt liền mấy quả, xe tăng địch cũng bắn trả dữ dội. Một chiến sĩ vác khẩu B41 tiến sát hơn xe tăng đi đầu và nổ súng. Chiếc xe tăng này bốc cháy khiến cả đoàn xe phía sau nháo nhác. Nhiều chiếc lao xuống ruộng để tránh đạn nhưng vẫn không thoát”, ông Tần kể.

img

Nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường tìm lại những bức ảnh bộ đội ta bắn cháy xe tăng quân Trung Quốc tại khu vực cầu Bản Sẩy (ảnh PV).

Chiều hôm trước, nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đi từ thị xã Cao Bằng theo xe ô tô lên huyện Hòa An và nghỉ tại Phòng Văn hóa huyện. Sáng hôm đó ông vừa tỉnh dậy đã nghe tiếng xe tăng gầm rú, tiếng pháo nổ dữ dội phía đầu thị trấn.

img

Ông Phạm Trung Tần - nhân chứng trong trận diệt xe tăng Trung Quốc tại khu vực cầu Bản Sẩy (ảnh PV).

Đeo máy ảnh, khoác ba lô lên người, ông Thường chạy tìm đến nơi đang có tiếng nổ ầm ầm.  “Ra tới khu vực cầu Bản Sẩy giáp ranh giữa thị trấn Nước Hai và xã Bế Triều, trước mắt tôi là cảnh tượng những chiếc xe tăng của quân Trung Quốc bị trúng đạn của bộ đội ta nằm ngổn ngang. Chiếc đang bốc cháy, chiếc đứt xích, chiếc lao xuống ruộng, có chiếc bị cháy còn lao cả vào bụi tre, chiếc đâm vào gốc cây... Tôi chạy tới gần những xe tăng vừa bị tiêu diệt giơ máy ảnh bấm lia lịa. Sau này đếm lại thấy chụp được 8 chiếc xe tăng, trong đó có 1 chiếc bị bắt giữ”, ông Trần Mạnh Thường kể và cho biết thêm, do ông phải di chuyển sang khu vực chiến sự khác nên không biết có tổng cộng bao nhiêu chiếc xe tăng bị tiêu diệt ở khu cầu Bản Sẩy. 

Còn theo ông Phạm Trung Tần, toàn bộ số xe tăng của quân xâm lược bị bắn cháy là 12 chiếc, 1 chiếc bị bắt giữ. “Toàn bộ số xe tăng bị bắn cháy trong buổi sáng 18.2.1979,  nhưng trận chiến đầu kéo dài đến 15 giờ chiều cùng ngày vì còn những tên xâm lược sau khi thoát khỏi xe tăng vẫn ngoan cố chống cự”, ông Tần nói.

Nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường cho biết, trong những ngày khói lửa năm 1979, ông đi tác nghiệp khắp các chiến địa ở Cao Bằng thấy trận đánh ở khu vực cầu Bản Sẩy là một trong những trận đánh oanh liệt nhất.

img

Khu vực cầu Bản Sẩy ngày càng phát triển (ảnh PV).

Nơi ghi dấu ấn oanh liệt có bị lãng quên?

Sau trận đánh đơn vị bộ đội rút đi, qua hỏi thăm ông Tần chỉ biết đây là đơn vị thuộc Sư đoàn 346. Sau ngày quân Trung Quốc chiếm khu vực Hòa An, địch đã dùng máy ủi gom những xác xe tăng lại rồi dùng bộc phá nổ tan tành.

Ông Trần Trung Thu, nguyên Chủ tịch UBND xã Bế Triều cho biết, sau năm 1979 đến những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX, tại khu vực cầu Bản Sẩy có đặt tấm biển ghi rõ năm 1979 quân ta tiêu diệt 12 và bắt giữ 1 xe tăng của quân xâm lược Trung Quốc. Dưới chân tấm biển là một phần của xác xe tăng để làm minh chứng cho lịch sử. Sau này tấm biển bị dỡ đi và phần xác xe tăng cũng không còn. “Chiến tích bên cầu Bản Sẩy đến giờ chỉ có những người trung niên trở lên mới biết”, ông Thu nói.

Năm 2016, sau 37 năm, nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường có lên thăm lại mảnh đất Cao Bằng. Ông đã tìm đến cầu Bản Sẩy. “Ban đầu tôi nhận không ra vì sự thay đổi quá nhiều. Cầu Bản Sẩy được xây mới, tuyến đường này trước là tỉnh lộ sau trở thành đường Hồ Chí Minh nên được nâng cấp, đường rộng và đẹp hơn. Hai bên đường nhà cửa kiên cố mọc lên nhiều. Nhìn tấm biển chỉ tên cầu tôi mới dừng lại”, ông Thường cho biết.

Ông Thường nói thêm, qua thăm hỏi trò chuyện với người dân địa phương thấy chỉ có những người trung niên trở lên mới biết bên cầu Bản Sẩy đã từng có trận đánh oanh liệt diệt nhiều xe tăng quân xâm lược, người trẻ hầu như không biết. Những người già ở địa phương cũng nói với ông Thường chuyện tấm biển ghi nơi bắn cháy xe tăng đã bị dỡ cách đây nhiều năm.

Bên cầu Bản Sẩy có một quán cà phê một mặt trông ra bờ suối khá đẹp, tôi và anh bạn là cán bộ huyện Hòa An vào uống nước và hỏi chuyện những khách trẻ đến quán. Chuyện nơi đây từng tiêu diệt nhiều xe tăng quân xâm lược 40 năm trước với họ khá xa lạ, tất cả đều cười, lắc đầu.

Đứng trên cầu Bản Sẩy, nhìn theo dòng suối uốn lượn qua những rặng tre đổ ra sông Bằng, ông Phạm Trung Tần nói, nếu không có chỉ dẫn gì thì theo thời gian nơi ghi dấu ấn lịch sử chống quân xâm lược sẽ dần đi vào quên lãng. Vùng quê này ngày sẽ càng phát triển nhưng lịch sử hào hùng gắn với mảnh đất này thì không được phép lãng quên.

Bà Đàm Thị Niên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Bản Sẩy cho biết: Xóm có 87 hộ, gần 400 nhân khẩu. Người dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp. Cuối năm 2018, xã Bế Triều nói chung, xóm Bản Sẩy nói riêng đã về đích trong xây dựng Nông thôn mới. Trong năm qua bà con đã rất nhiệt tình trong nhiều công việc chung như giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đường nội thôn, đường nội đồng và xây dựng nhà văn hóa…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem