Công an xác minh thông tin "chặt phá hàng trăm cây cao su đem bán"

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 18/10/2019 11:15 AM (GMT+7)
Hàng trăm cây cao su đang cho mủ bị chặt phá, bán gỗ để lấy tiền. Cơ quan công an đang vào cuộc điều tra xác minh để xử lý.
Bình luận 0

Ngày 18/10,  đại tá Nguyễn Văn Sỹ- Trưởng Công an huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đang cử cán bộ xác minh thông tin về việc có một số hộ dân phá vườn cây cao su tại Công ty Cà phê Việt Đức.

img

Cơ quan công an đang xác minh để xử lý vụ chặt bán vườn cao su liên kết.

Trước đó, lãnh đạo Công ty cà phê Việt Đức đã có đơn gửi đến lực lượng Công an, Viện kiểm sát tại huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk, tố cáo một số hộ dân có hành vi “hủy hoại tài sản”.

Theo nội dung đơn, từ tháng 7 đến cuối tháng 8/2019, có 3 hộ dân đã tự ý chặt vườn cây cao su (đang trong thời kỳ kinh doanh) liên kết với công ty để bán lại cho người khác. Mặc dù phía Công ty Cà phê Việt Đức đã vận động, giải thích nhưng người dân vẫn không hợp tác.

Ngày 21/8/2019, sau buổi đối thoại, 3 hộ dân nói trên vẫn tiếp tục chặt, bán vườn cây cao su đang trong thời kỳ kinh doanh để hưởng lợi. Thống kê ban đầu của Công ty Cà phê Việt Đức, hiện đã có khoảng hơn 600 cây cao su, trị giá hàng trăm triệu đồng, đã bị chặt bán. 

Giám đốc Công ty Cà phê Việt Đức, ông Nguyễn Văn Bình, cho biết, đơn vị có có đầy đủ chứng từ, tài liệu để chứng minh việc khai hoang, đầu tư cây giống, cơ sở hạ tầng… Năm 2005, sau khi đối chiếu công nợ với người dân nhận khoán thì số tiền đầu tư đã thu được 31,6%.

Từ 2005 thì chuyển sang thu khoán theo nghị định 135. Theo hợp đồng ban đầu, sau khi người dân trả hết tiền đầu tư thì hai bên chia lợi nhuận theo tỷ lệ: công ty 25% và người dân 75%. Tuy nhiên, phía công ty chỉ thu từ mức 15% trở lại. Từ năm 2005 đến nay người dân vẫn chấp hành bình thường. "Người dân nói chỉ là do họ cảm nhận như vậy chứ chúng tôi đều có hồ sơ chứng minh cả"- ông Bình nói.

Trong khi đó, phía người dân lại cho rằng Công ty Cà phê Việt Đức đã "phát canh thu tô" hơn 10 năm nay. Bà Phạm Thị Quý (thôn 9, xã Ea Ktul, huyện Cư Kiun)- một trong số những hộ dân mà Công ty Cà phê Việt Đức nêu tên trong đơn tố cáo- cho biết, thực tế toàn bộ vườn cao su trước đây là vùng đất hoang hóa.

Năm 1993, do thiếu nước nên hơn 100ha cà phê (thuộc quản lý của Công ty Cà phê Việt Đức) bị bỏ hoang. Sau đó, Công ty Cà phê Việt Đức đã mua giống cao su về cho người dân nhận khoán để trồng. Ngoài chi phí về cây giống, phía Công ty Cà phê Việt Đức không đầu tư gì thêm và "bỏ mặc" từ đó.

Số tiền đầu tư cây giống được công ty ghi nợ và bắt đầu thu (cả lãi lẫn gốc) từ năm 2001 đến năm 2006 thì hết. Sau đó, công ty vẫn tiếp tục thu các khoản đầu tư và thu thêm mỗi năm 6-7 triệu/1ha. Khi đó giá mủ cao su cao, nên người dân vẫn chấp nhận đóng số tiền này.

Đến năm 2013, người dân làm đơn khiếu nại mức thu này của công ty. "Các đơn vị liên quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cuộc thanh tra và yêu cầu công ty không được thu tiếp. Nhưng đến khi cây cao su không còn khả năng khai thác, công ty vẫn tiếp tục đòi chia 25% với dân trong khi họ không bỏ đồng vốn nào"- chị Quý nói.

"Người dân không đồng ý với mức thu này nên không ai ký. Công ty chỉ khoán trắng chứ không có đầu tư. Người dân tự bỏ tiền chăm sóc mua từ cái chén mủ đến cả việc tìm đầu ra chứ công ty không hỗ trợ gì"- chị Quý cho biết thêm.

Theo đại tá Sỹ, đối với vụ việc trên đơn vị vẫn đang xác minh nên chưa thể có ý kiến. 

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem