Cuộc đời buồn của người đàn bà mang gương mặt “quỷ”

Thứ năm, ngày 27/02/2014 20:11 PM (GMT+7)
"Ai thấy mặt tôi như thế này mà không sợ. Người lớn cũng khiếp chứ nói chi đến lũ trẻ con. Thôi thì hạn chế ra đường hoặc đi đâu thì phải che kín mặt vậy", bà Minh buồn rầu nói.
Bình luận 0
Cách đây hơn nửa thế kỷ có một người con gái đẹp người đẹp nết đem lòng yêu một chàng du kích xã. Thế nhưng lời hứa hẹn thủy chung chờ đợi người yêu trở về mãi mãi không thành hiện thực. Người con gái ấy cứ đợi, đợi mãi mà không lấy chồng. Phận đời của người đàn bà ấy càng trở nên đau khổ khi gần chục năm nay, do một biến chứng, gương mặt bà bị biến dạng với một khối u to che gần kín khuôn mặt.

Người đàn bà mang gương mặt “quỷ”

Chẳng ai xa lạ gì với người đàn bà này, dẫu hơn mười năm trở lại đây bà chưa một lần bước ra khỏi cửa. Hơn tám mươi năm qua, bà đã sống ở mảnh đất này, hy vọng và chờ đợi trên mảnh đất này, và đau đớn cũng trên mảnh đất này. Thế nên khi hỏi về bà, người dân tổ 4 (thôn 3, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã dẫn chúng tôi đến tận căn nhà nhỏ của bà nằm trên con đường nhựa hướng xuống bãi biển Tam Thanh của TP.Tam Kỳ. Bà tên Trần Thị Minh, năm nay đã 86 tuổi.
Bà Minh trong căn nhà của mình.
Bà Minh trong căn nhà của mình.

Khi chúng tôi đến, bà Minh chống gậy tre, vịn vào tường khập khiễng bước ra mở cửa mời chúng tôi vào. Khối u trên mặt bà lão to phình từ mắt phải xuống tận cằm, lấn hết khuôn mặt già nua khiến nhiều người nếu không quen nhìn sẽ phải giật mình kinh sợ. Người ta thường bảo sinh ra có cái miệng để được ăn, được nói nhưng gần chục năm qua, khối u khổng lồ trên khuôn mặt đã tước đi của cụ bà 86 tuổi cái quyền tối thiểu ấy. Sống cô độc trong mái chòi nhỏ với cái nghèo đè nặng tấm thân già, những ngày cuối đời, bà lão chỉ mong có được một bữa ăn ngon thì dù chết cũng cam tâm, mãn nguyện.

Chị Mai Thị Phượng (46 tuổi, hàng xóm với bà cụ Minh) cho biết: “Cụ già rồi nhưng chẳng còn ai thân thích. Cả đời cụ sống hiu quạnh trong mái tranh nghèo. Thời cụ còn con gái, tôi nghe cha mẹ kể lại, có rất nhiều người đến cầu hôn nhưng cụ không ưng ai. Gần chục năm nay, tự nhiên trên mặt cụ nổi lên cục u quái ác làm cụ nhiều phen khổ sở. Nghĩ cũng tội cho cụ mà chúng tôi chẳng giúp được gì!”

Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, bà Minh đưa tay sờ lên khối u rồi bảo: “Cả chục năm nay nó là cục khổ cứ đeo bám theo tôi mãi! Có lần, một đứa bé hàng xóm lẽo đẽo theo mẹ sang nhà tôi chơi. Khi thấy tôi, nó bỗng hét to, khóc um lên, cứ ôm lấy chân mẹ không chịu buông. Tôi càng dỗ nó càng khóc to hơn. Cuối cùng, mẹ nó phải bồng con về nhà và không bao giờ dám dẫn con sang nhà tôi chơi nữa! Mà cũng đúng thôi, ai thấy mặt tôi như thế này mà không sợ. Người lớn cũng khiếp chứ nói chi đến lũ trẻ con. Thôi thì hạn chế ra đường hoặc đi đâu thì phải che kín mặt vậy!”.

Trong suốt cuộc trò chuyện, bà Minh không có một lời oán trách hay than vãn về phận mình. Bà luôn hy vọng và tin yêu vào cuộc sống. Người dân nơi đây thấy bà khổ nên cứ hay nói lệch khối u là “cục khổ” bởi chính nó làm bà mất ăn, mất ngủ nhiều đêm dài. Vì cái “cục khổ” ấy mà bà chẳng dám ra khỏi nhà, sang hàng xóm chuyện trò cho khuây khỏa vì lo lũ trẻ con sợ hãi.

Sống một đời lẻ loi nơi xóm nhỏ nghèo nhất, nhì của TP.Tam Kỳ, ít ai biết rằng tuổi thơ của bà Minh cũng bình thường như bao người khác. Ngày còn trẻ, bà nổi tiếng xinh đẹp trong làng. Biết bao chàng trai đến ngỏ lời nhưng bà đều khước từ bởi duyên trời chưa tới. Rồi cha, mẹ, anh, chị, em lần lượt qua đời hết, bà sống vậy để thờ phụng ông bà, tổ tiên. Cuộc sống cứ dần trôi cho đến một ngày, trên khuôn mặt cụ bỗng nhiên mọc lên một cục u nhỏ như hạt bắp nằm gần miệng. Vì nhà nghèo, bà chủ quan không chú ý. Cục u nhỏ xíu đó dần to lên bằng cái ly, rồi bằng cái bát và nhanh chóng phình ra chiếm hết khuôn mặt. Khối u làm miệng cụ bị méo xệch, gây khó khăn khi vận động cơ miệng, ăn uống, nói cười.

Nghĩ đến “cục khổ” nặng trĩu, bà Minh rưng rưng nước mắt. Bà bảo: “Khi cục u mới mọc, nhà tôi nghèo đến mức không có gạo để thổi cơm hằng ngày nên đâu dám nghĩ đến việc đi bệnh viện để khám chữa. Hơn nữa, tôi cũng nghĩ khối u đó bình thường. Đến khi tích lũy được chút ít tiền đi khám thì mới biết đó là khối u độc và có thể mất mạng trong nay mai nếu không có tiền phẫu thuật. Căn nhà này cũng nhờ chính quyền và hàng xóm tích góp xây cho thì tôi mới có chỗ trú mưa, tránh nắng. Làm sao tôi có được mấy chục hay cả trăm triệu để phẫu thuật cơ chứ. Thôi thì đành cam chịu số phận ông trời đã an bài!”.

Bữa cơm của bà Minh rất đạm bạc. Thoạt nhìn nhiều người cứ tưởng bà ăn chay. Ngoài nồi cơm nhỏ, trên mâm chỉ toàn là rau tập tàng, không có một miếng thịt, miếng cá nào. “Ông trời cho tôi sống chừng này cũng nhiều rồi, tôi chẳng mong ước gì thêm. Những ngày cuối đời, mỗi đêm ngủ, tôi chỉ ước khi mở mắt ra sẽ không thấy cục u trên mặt nữa để có thể ngồi bưng một chén cơm ăn ngon lành. Dù có chết cũng được vì gần chục năm qua, tôi không có được một bữa ăn ngon!”, bà nghẹn ngào tâm sự.

Một chuyện tình diễm lệ

Một điều ít ai biết được rằng vì sao cả một đời bà ở một mình đớn côi như thế. Và rồi trong sự trải lòng với tôi, một câu chuyện tình với nỗi niềm thủy chung của một người phụ nữ vùng cát này cứ làm lòng tôi day dứt mãi. Day dứt như chính mình là người có lỗi, vì cứ vô tình khơi gợi vào nỗi đau mà bà đã cố gắng quên đi hơn nửa thế kỷ qua mà không được…

Thủa ấy, bà Minh là một cô gái rất đẹp của xứ đảo này. Đất nước vẫn còn nhiều đau thương mất mát vì chiến tranh. Hơn 18 tuổi, bà Hồng nhận lời nguyện ước với một chàng thanh niên trong làng, là một chiến sỹ du kích quả cảm của xã. Lời hẹn ước ấy đến tận bây giờ bà vẫn nhớ như mới ngày hôm qua: “Ông ấy nói khi đất nước thống nhất, ông ấy sẽ xin cưới tôi. Cha mẹ tôi và cha mẹ ông đều mất vì chiến tranh hết. Ổng thương tui lắm! Ổng nói đất nước thống nhất rồi ổng sẽ về cưới tôi, rồi đi biển nuôi vợ con…!” nói rồi đôi mắt bà chùng xuống, những giọt nước mắt tiếc nhớ cứ rưng rưng trong mắt.

Rồi đêm hôm ấy, vào thời điểm ác liệt của chiến tranh, chàng thanh niên ấy theo đơn vị chiến đấu để rồi mãi mãi không về với bà Minh, không về với xóm cát đầy những rặng dừa xanh mát ấy nữa. Chiều chia tay, chỉ có một cái ôm và nụ cười người đàn ông ấy dành cho bà như lời hẹn trở về, rồi chàng du kích đi mãi... Chiều chia tay, bà không nói gì cả. Vì bà biết ông có lí do để phải đi. Bà chạy theo ông tới tận triền sóng của con sông Trường Giang ấy. Vì bà muốn từ trên bờ sẽ nhìn thấy bóng dáng ông từ xa. Rồi bà tự nhủ rằng ngày mai cũng đến nhanh thôi.

Một người con gái, không phải với dải lụa vàng nắm chặt trong tay chờ đợi người yêu trở về như trong bao bộ phim chiến tranh mà sau này người ta dàn dựng lại để tăng thêm sự lãng mạn.

Bà Minh chỉ có một trái tim khao khát yêu thương, một bờ đê biển với những con sóng bạc đầu vỗ miên man dài dằng dặc để bám trụ, để đứng từ xa trong lặng yên và chờ đợi, chờ đợi một phép màu. Phép màu mang niềm yêu thương trở lại. Niềm yêu thương tưởng như không cần mơ ước cũng có thể gọi tên, nhưng đối với bà thì là cả một đời.

Và cho đến tận bây giờ bà vẫn còn đứng đây, chờ đợi và hy vọng. Nhưng sao người du kích ấy không trở về. Bà cứ trông mãi, ngóng mãi. Những giọt nước mắt không đủ để an ủi cho niềm hy vọng tột cùng của bà. Bà chẳng nhớ đã biết bao nhiêu lần bà đứng bên chân sóng Trường Giang này ngóng đợi và khóc. Khóc nhiều quá đến nỗi mắt bà mờ dần đi, rồi lòa hẳn lúc nào không biết.

Rời mái tranh nghèo của cụ Minh khi bóng chiều dần tắt, bà cụ đáng thương lủi thủi chống gậy ra tiễn chúng tôi. Gần tới mặt đường, cụ vội quay trở lại nhà khi nhìn thấy lũ trẻ con đang hồn nhiên chơi đùa cạnh đó.

Có lẽ cụ sợ chúng hốt hoảng bỏ chạy hoặc khóc thét khi nhìn thấy khối u mà bà sẽ phải mang theo đến hết cuộc đời. Hơn nửa thế kỷ chờ đợi một người không về, bà đã phải sống cô độc cùng với khuôn mặt đáng sợ của mình.

Bây giờ bà vẫn đang sống cô độc như thế. Nhưng bà vẫn nói rằng bà sẽ đợi, biết đâu người ấy sẽ trở về. Tôi hiểu trong tình yêu niềm tin là vô cùng mãnh liệt, và cũng có nhiều phép màu. Khi nghe câu chuyện bà Minh kể, tôi cứ ao ước có một phép màu nào đó đưa chàng trai ấy về với người đàn bà thủy chung nhưng tội nghiệp này, dù muộn hơn không...
Gia Ly (Dòng Đời) (Gia Ly (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem