“Đại án” siêu lừa và chuyện... đòi vịt giời

Thứ ba, ngày 14/01/2014 06:52 AM (GMT+7)
Vụ “đại án” Huyền Như, cơ quan công tố đã đề nghị tới 2 án tù chung thân và ràng buộc trách nhiệm bồi thường của bị cáo với con số 3.900 tỷ đồng. Nhưng một câu hỏi: Án chung thân rồi thì để làm gì?
Bình luận 0
Vụ “đại án” Huyền Như đang dần đến hồi kết khi trước tòa, cơ quan công tố đã đề nghị tới 2 án tù chung thân và ràng buộc trách nhiệm bồi thường của bị cáo với con số 3.900 tỷ đồng. Nhưng một câu hỏi không thể không đặt ra: Án chung thân rồi thì để làm gì?

Câu trả lời là chẳng để làm gì cả.

Bởi việc đòi bồi thường 3.900 tỷ đồng từ một bị cáo đã bị kê biên toàn bộ tài sản và chuẩn bị chịu án chung thân giống y như như chuyện đòi vịt giời từ chú Cuội.

Nhưng còn có một “chú Cuội” khác không khó để nhận ra.

Trước tòa, đại diện Viettinbank tái khẳng định thông điệp “chú Cuội” từ 2 luận điểm chính. Thứ nhất, Vietinbank không chịu trách nhiệm về bất cứ một khoản thiệt hại nào của khách hàng do Huyền Như thực hiện hành vi phạm tội. Thứ hai, Vietinbank không bị thiệt hại. Các nhân viên cũng không phải chịu trách nhiệm gì với Vietinbank vì “không biết hành vi làm giả con dấu, chữ ký của Huyền Như”.

Chưng hửng nhất cho những người đã từng và đang gửi tiền nhà băng là vị đại diện Vietinbank nêu ra những quan điểm này “với tư cách cá nhân”.

Thế là mọi quan hệ của khách hàng với Vietinbank qua Huyền Như là với tư cách cá nhân Huyền Như. Thế là ngay cả lời phát biểu của đại diện Vietinbank trước tòa cũng là với tư cách cá nhân? Thế rút cục là sao (?!).

Hóa ra, không ngẫu nhiên, trước tòa, một luật sư phát biểu đầy bức xúc: “Gửi tiền vào ngân hàng như gửi tiệm cầm đồ”. Hóa ra, chuyện “giao tiền cho ngân hàng như giao trứng cho ác” không có gì là quá lời cả.

Vụ Huyền Như nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người có chút ít lận lưng đã, đang, và định gửi tiền vào nhà băng với một dấu hỏi lớn đầy lo lắng về sự an toàn của những đồng tiền gửi. Và cũng suốt tuần qua, có biết bao nhiêu những câu chuyện “chế” đầy mai mỉa và cũng không ít cay đắng. Rằng giờ muốn gửi tiền ngân hàng phải thuê một viên thừa phát lại đi kèm để chứng minh đã thực gửi tiền vào… két sắt ngân hàng chứ không phải vào túi của một nhân viên lừa đảo dưới danh nghĩa nhà băng.

Với lập luận của công tố về trách nhiệm của Vietinbank, có lẽ muốn không tự dưng trở thành nạn nhân của một ai đó từ trên trời rơi xuống thì khách hàng chắc chắn sẽ phải hỏi rõ ràng người nhận tiền là nhận với tư cách nào.

Mà tốt nhất, khéo phải thuê một quan tòa đi kèm thật.

Trở lại với câu hỏi kết cục. Nếu như bản án sắp tới cũng thuận theo quan điểm của công tố, chắc chắn, nó sẽ chỉ dẫn tới một kết cục bi thảm về vấn đề niềm tin về nhà băng, một nơi về lý thuyết phải là nơi giữ tiền an toàn nhất!
Đào Tuấn (Đào Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem