Dân nhậu “chạm mặt” cảnh sát: Hết hơi rồi, tôi không thổi nổi?

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 18/07/2019 10:55 AM (GMT+7)
“CSGT mà không dám nghe điện thoại à”, “Hết hơi rồi, tôi không thổi nổi”, “Máy đo có vấn đề, tôi đâu uống bia”… là những câu trả lời quen thuộc của dân nhậu khi gặp chốt kiểm tra nồng độ cồn Đội CSGT Công an TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Bình luận 0

Tối 17/7, trên tuyến đường ven biển An Dương Vương (TP.Quy Nhơn), Đội CSGT Công an TP.Quy Nhơn lập chốt kiểm tra nồng độ cồn các tài xế đi qua khu vực này.

Nhiều người đi xe máy, ô tô bị dừng lại theo hiệu lệnh của CSGT và yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn. Trong số này, người đàn ông đi xe máy trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, khi bị lập biên bản vi phạm đã liên tục đập bàn văng tục, phản ứng rất dữ dội với lực lượng đang làm nhiệm vụ.

“Xe tôi còn mới, luật này làm bậy, giờ giữ xe hỏng ai chịu trách nhiệm”, người đàn ông phản ứng gay gắt.

img

Tài xế thổi vào máy đo nồng độ cồn trên đường An Dương Vương, TP.Quy Nhơn. Ảnh Dũ Tuấn.

Một trường hợp khác, nam thanh niên đi ô tô trong lúc bị kiểm tra thì yêu cầu cho phép mình được đặc cách thổi nồng độ cồn đến 4 lần với nhiều máy khác nhau vì nghi ngờ chất lượng máy đo có vấn đề, số liệu không chính xác.

Đến lần thứ 4, nam thanh niên này có nồng độ cồn đo được là 0,078 miligam/lít khí thở, thế nhưng vẫn chưa chịu ký biên bản vì cho rằng nguyên nhân có thể do dịch vị ăn hải sản hấp bia, chứ không dùng bia rượu!

Thậm chí, nhiều người bị dừng xe sau khi thổi nồng độ cồn liền đóng kín cửa rồi bỏ xe lại hiện trường, chạy đi nơi khác cầu cứu, sau khi ý định nhờ trợ giúp người thân không thành thì mới chịu quay lại ký biên bản vi phạm.

img

CSGT Công an TP.Quy Nhơn lập chốt kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ngoài ra, khi được CSGT yêu cầu ra làm việc, các tài xế thường không thổi vào máy đo nồng độ cồn với lý do "Không có vi phạm gì mà phải thực hiện theo yêu cầu", “Hết hơi rồi, tôi không thổi nổi”, “CSGT mà không dám nghe điện thoại à”, “Máy đo có vấn đề, tôi đâu uống bia”… và kèm theo rất nhiều lời nói văng tục với lực lượng làm nhiệm vụ.

Theo thiếu tá Phan Đình Điểm, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP.Quy Nhơn, có quá nhiều câu chuyện quanh việc người vi phạm không chấp hành thổi nồng độ cồn, "câu giờ" gọi điện cho người thân trợ giúp, dùng lời nói lăng mạ CSGT, bỏ phương tiện để di chuyển đi chỗ khác, né tránh không chịu thực hiện.

“Hầu như ngày nào đi xử lý, CSGT cũng gặp trường hợp bị người vi phạm nồng độ cồn lăng mạ, xúc phạm. Những trường hợp này, chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng chức năng giao cho địa phương xử lý giáo dục theo thẩm quyền, CSGT sẽ lập lỗi tài xế không chấp hành”, ông Điểm nói.

img

Thiếu tá Phan Đình Điểm, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP.Quy Nhơn có mặt chỉ huy chốt xử lý. Ảnh; Dũ Tuấn.

Ông Điểm cũng cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2019, có đến hơn 30% xe máy vi phạm bị tạm giữ nhưng chủ nhân không đến nộp phạt để nhận lại phương tiện với lý do số xe này đã quá cũ kỹ so với mức tiền đóng phạt.

“Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, không bỏ qua cho ai cả, dù đó là ai. Ngoài ra, CSGT sẽ tiếp tục tuyên truyền đến với cộng đồng dân cư đã sử dụng rượu bia thì không điều khiển phương tiện để tránh các tai nạn đáng tiếc. Đặc biệt, đối với cán bộ vi phạm, chúng tôi kiên quyết làm thông báo gửi về cơ quan công tác để họ có biện pháp chấn chỉnh”, ông Điểm khẳng định.

img

Tài xế lái ô tô đang được kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Dũ Tuấn

Đội CSGT Công an TP.Quy Nhơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã tổ chức thực hiện quyết liệt chuyên đề xử lý vi phạm về quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Kết quả xử lý được 289 trường hợp (75 ô tô, 214 mô tô), nộp ngân sách nhà nước 995 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem