Đề xuất điều tra đặc biệt với tội phạm tham nhũng

Thứ sáu, ngày 02/11/2012 07:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu việc điều tra tiến hành như bình thường thì khả năng lộ lọt thông tin là rất lớn, đối tượng có thể xóa bỏ dấu vết, tiêu hủy vật chứng, ngăn chặn điều tra hoặc là biến mất...
Bình luận 0

Bị tác động từ cấp trên...

Ông Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nói: “Lực lượng công an chúng tôi đã có 3 cán bộ chiến sĩ hy sinh và 243 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ. Đây là một tổn thất lớn trong quá trình đấu tranh chống tội phạm”.

img
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu tại Quốc hội sáng 2.11.

Ông cũng chỉ ra những khó khăn trong cuộc đấu tranh với tội phạm tham nhũng “Khi phát hiện có vụ tham nhũng thì thường bị tác động từ các cấp lãnh đạo cũng như chỉ huy, làm cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp điều tra thấy khó xử lý. Đây là một vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình chúng ta thực hiện Nghị quyết T.Ư 4”.

Đại biểu (ĐB) Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, nên áp dụng hình thức điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng. Bà Nga cho biết, Bộ trưởng Bộ Công an tại kỳ họp trước cũng đã đưa ra đề nghị này.

Với Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, mọi hoạt động điều tra chỉ được tiến hành khi có quyết định khởi tố vụ án. Chỉ có tội phạm ma túy và xâm phạm an ninh quốc gia mới tiến hành điều tra bí mật. Nhưng thực tế, người tham nhũng là người có quyền hạn nên có khả năng họ sử dụng chính nội dung đó để chống lại việc điều tra.

“Nếu việc điều tra tiến hành như bình thường thì khả năng lộ lọt thông tin là rất lớn, đối tượng có thể xóa bỏ dấu vết, tiêu hủy vật chứng, ngăn chặn điều tra hoặc là biến mất sau khi bị xác nhận hành vi phạm tội như trường hợp Dương Chí Dũng là hoàn toàn có thể tái diễn” - bà Nga bày tỏ.

Số phận pháp lý bị “treo”

Về công tác xét xử, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho biết, theo báo cáo của ngành kiểm sát, năm 2012 cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra 7.841 vụ với 3.661 bị can do chưa xác định được người phạm tội hoặc không biết rõ địa chỉ của bị can. Đình chỉ điều tra 1.709 vụ với 1.949 bị can do hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra, không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội hoặc bị can được miễn trách nhiệm hình sự….

“Các ngành tố tụng đã đình chỉ, tạm đình chỉ trên 7.000 bị can, trong đó có gần 4.000 bị can tạm đình chỉ điều tra. Nghĩa là số phận pháp lý của họ bị treo lơ lửng từ ngày này qua tháng khác, không biết đến khi nào được cơ quan có thẩm quyền thông báo là họ có hành vi phạm tội hay không. Điều này không những làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của họ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín gia đình và người thân của họ” - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên – Huế), đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng, nếu không điều tra tất cả thì cũng tập trung vào 3 tội danh là tham ô, hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Cơ quan này được điều động hoặc nhận biệt phái những điều tra viên, trinh sát xuất sắc, có bản lĩnh nhất từ các cơ quan điều tra... và phải có thực quyền, được độc lập trong điều tra tham nhũng.

ĐB Lê Thị Nga cho rằng không thể chấp nhận được cơ quan điều tra cấp T.Ư mà phạm phải những lỗi hết sức sơ đẳng mà ngay cả điều tra viên cấp huyện cũng ít khi mắc. Bà dẫn chứng vụ Võ Nhật Huy (Công ty Cao su Sơn La) bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng, nhưng do sơ suất nên điều tra viên lập biên bản phạm tội quả tang không đủ căn cứ pháp lý. “Tình trạng này nói lên điều gì? Đó chính là dấu hiệu tham nhũng trong lực lượng có chức năng đấu tranh chống tham nhũng” -bà Nga khẳng định.

Giải đáp những vấn đề nóng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình dẫn ra hoàng loạt con số để chứng minh chất lượng xét xử đang tốt dần lên. Cụ thể như năm 2010, tổng số vụ án hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là 0,44 - 0,45%; năm 2011 là 0,4-0,4%; năm 2012 là 0,3-0,3%.

Liên quan tới tỷ lệ án giám đốc thẩm bị sửa và kháng nghị, ông Bình cũng cho rằng, tỷ lệ bản án, quyết định giám đốc thẩm bị kháng nghị giảm dần qua từng năm, nếu như năm 2011 hơn 1.100 bản án, quyết định bị kháng nghị thì năm 2012, con số này chỉ còn trên 730.

“Ngành tòa án đã có nhiều nỗ lực để đạt được những con số ấn tượng, kết quả khả quan. Tuy nhiên, so với yêu cầu xã hội, của nhân dân thì việc kháng nghị và sửa bản án vẫn ở mức độ cao. Nguyên nhân chủ quan một phần cũng do trình độ một bộ phận thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa còn kém, một bộ phận khác có dấu hiệu tiêu cực trong thi hành công vụ” - ông Bình thừa nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem