Di dân tái định cư thủy điện Sơn La: “Ghi điểm” trong lòng dân

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 26/03/2017 06:35 AM (GMT+7)
Sau hơn 15 năm thực hiện, đến nay Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La đã cơ bản hoàn thành, góp phần đưa nhà máy vào hoạt động vượt tiến độ 3 năm so với nghị quyết của Quốc hội, nâng công suất cung cấp điện năng cho đất nước, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc, nhất là 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Bình luận 0

Vượt qua thách thức

 Dự án di dân tái định cư (TĐC) Thủy điện Sơn La liên quan tới 3 tỉnh vùng Tây Bắc là: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu với tổng số hộ dân cần di chuyển lên tới 20.340 hộ, hơn 93.200 nhân khẩu thuộc 248 bản, 31 xã. Từ đó, hình thành nên 78 khu, 285 điểm tái định cư tập trung, 17 điểm xen ghép và 918 hộ tái định cư tự nguyện. Đối với các tỉnh đặc biệt khó khăn như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thì đây là nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng là thách thức lớn; nhất là từ trước đến nay, việc di dân lớn gắn với tái định cư chưa có tiền lệ trong cả nước.

img

Bà con các dân tộc vùng tái định cư Thủy điện Sơn La được hưởng chính sách khám chữa bệnh ưu đãi của Nhà nước. Ảnh: K.T

Với quyết tâm “Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, 3 tỉnh trong vùng dự án đã dốc sức thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: Vận động, di dời, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng dân chuyển đến, đón dân, sắp xếp ổn định đời sống và sản xuất theo phương châm “Nơi ở mới có những điều kiện thuận lợi hơn nơi ở cũ”… Để hoàn thành được những mục tiêu ấy, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, sự chung tay của cả nước thì nỗ lực của 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu là rất lớn. Những năm tháng thực hiện nhiệm vụ này là nhiều đêm không ngủ. Không chỉ các công sở sáng ánh đèn mà ngay cả ở những địa bàn chuẩn bị di dân, chuẩn bị đón dân, xây dựng nhà máy thủy điện, tốc độ làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc; nhiều nơi phải chia ca, chia kíp làm việc 24/24h và 7 ngày/tuần.

Những địa bàn di dân, đón dân lúc đó như 1 đại công trường.

Những nỗ lực ấy đã mang lại kết quả hết sức to lớn: Hoàn thành việc di dân tái định cư sớm hơn kế hoạch; góp phần đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La vào sản xuất trước 2 năm, làm lợi cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng và thêm những điều kiện tốt hơn cho sinh hoạt, sản xuất và đời sống của cả nước; góp phần tích cực vào quá trình phát triển của đất nước nói chung và 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng.

“Ghi điểm”

Đến với những điểm tái định cư Thủy điện Sơn La tại Lai Châu, Điện Biên, tuy vẫn còn đó những khó khăn nhưng nét khởi sắc “hơn nơi ở cũ” đã rõ. Ánh điện chan hòa trên các bản làng. Tất cả các hộ dân đều không còn nhà tạm; trẻ được học hành gần nhà; điều kiện sinh hoạt và sản xuất thuận lợi hơn. Các bản đều có nhà văn hóa, có đường giao thông cứng hóa…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án di dân Thủy điện Sơn La, để đảm bảo được những yếu tố thuận lợi cho người dân tái định cư,  ngay từ buổi đầu chuyển đến, ngoài sự trợ giúp đầy tính nhân văn của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân sở tại; các địa phương này đã lập và được Chính phủ phê duyệt 3.357 dự án thành phần với tổng mức đầu tư hơn 17.600 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng.  

Từ những con số đầu tư ấy, trên nhiều vùng miền đã hình thành nên những bản mới đầu tiên mướt xanh cây cỏ, những mùa vàng bội thu, những đàn gia súc, gia cầm với số lượng lớn, những mái nhà vững chãi lợp tôn, ngói đỏ… Chất lượng cuộc sống của người dân trong những bản tái định cư có sự thay đổi đột biến. Hầu hết các gia đình đều có tivi, tủ lạnh, xe máy, máy nông cụ, nhà tắm, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt dẫn về tận nhà. Ông Điêu Văn Thuyết, dân bản C4, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, tâm sự: Rời quê cũ thì cũng nhớ lắm. Nhưng cuộc sống ở nơi đây thuận lợi hơn rất nhiều cho sinh hoạt, sản xuất và cả việc học hành của con trẻ. Chúng tôi được chia đủ đất ở, đất sản xuất, được nhận các khoản bồi thường, hỗ trợ và luôn được cán bộ các cấp quan tâm. Đặc biệt trong sản xuất, cán bộ khuyến nông từ huyện, xã tới bản luôn bám bà con ngay từ những vụ sản xuất đầu tiên; vừa hỗ trợ kỹ thuật, định hướng làm ăn; vừa hỗ trợ con giống, cây giống, phân bón và cả định hướng tiêu thụ hàng hóa. Vì thế thu nhập của người dân cao hơn, ổn định hơn.

Còn ông Cà Văn Liên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La thì khẳng định: Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp và những đầu tư của Dự án, vùng di dân TĐC Thủy điện Sơn La ngay từ những năm 2002 -2005 đã được hình thành theo hướng tiến bộ rất nhiều. Trong đó có những bước đầu tư mà rất hợp với các mục tiêu, tiêu chí của nông thôn mới hiện nay như: Kiện toàn số lượng và chất lượng hệ thống cán bộ cơ sở; quy hoạch chi tiết từng bản; cứng hóa giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế; xóa nhà tạm, xóa đói nghèo, 100% học sinh đến tuổi đều đi học… Cũng nhờ có di dân tái định cư Thủy điện Sơn La nên Chiềng Đen là xã nhiều khó khăn của thành phố Sơn La nhưng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM và phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2017 này.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, đời sống của người dân tái định cư được đảm bảo tốt với nhiều chỉ số tích cực. Thu nhập bình quân đầu người nơi đi (năm 2005) là 311.000 đồng/người/tháng thì chỉ số này tại các khu, điểm tái định cư năm 2015 là 1,218 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 3,92 lần so với thời điểm trước khi di chuyển.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem