Đi tìm nguồn cơn vụ hàng loạt cán bộ ở Sơn La bị khởi tố, bắt giam

Văn Chiến Thứ tư, ngày 22/11/2017 10:17 AM (GMT+7)
Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La (DADD) tại tỉnh Sơn La được triển khai thực hiện từ năm 2003 đến 2015. Tuy nhiên, những ngày gần đây, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ vì những dấu hiệu sai phạm trong thực hiện DADD. Vậy nguyên nhân do đâu?
Bình luận 0

img

Gần 20 cán bộ ở Sơn La bị bắt vì những sai phạm trong đo đạc, thống kê, kiểm đếm khu vực công trường xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. (Ảnh: Văn Chiến)

Nảy sinh bất cập trong đền bù

Quá trình điều tra về vụ việc gần 20 cán bộ bị khởi tố, bắt giữ ở Sơn La từ ngày 16 - 20.11, phóng viên Dân việt được biết: DADD được chia làm 2 giai đoạn với những chính sách bồi thường, hỗ trợ khác nhau. Giai đoạn I là giải phóng mặt bằng, giao đất cho Công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, bắt đầu từ năm 2003 và kết thúc vào năm 2005 (đây là giai đoạn thực hiện di chuyển thí điểm các hộ dân thuộc khu vực mặt bằng công trường đến xã Tân Lập (huyện Mộc Châu).

Giai đoạn II được thực hiện từ năm 2003 – 2015. Tổng số hộ phải di dời đến các khu, điểm TĐC của cả 2 giai đoạn là hơn 12.500 hộ dân và gần 16.000 hộ dân sở tại bị ảnh hưởng. Tổng giá trị quyết toán của toàn Dự án hơn 15 nghìn tỷ đồng; trong đó giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 5.400 tỷ đồng; còn lại là giá trị đầu tư cho cơ sở hạ tầng các khu, điểm TĐC đồng bộ như: Điện, nước sinh hoạt, trường học, đường giao thông... Trước khi quyết toán dự án, toàn dự án đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện vào các năm: 2009, 2011, 2013, 2015.

Giai đoạn I chỉ liên quan đến 1 số bản, mấy trăm hộ dân, nằm gọn trong địa bàn 2 xã Ít Ong và Tạ Bú của huyện Mường La. Nhưng chính từ Giai đoạn I, tưởng như đã xong xuôi đâu vào đấy từ hơn chục năm nay với phần kinh phí đầu tư rất nhỏ bé so với tổng kinh phí thực hiện toàn Dự án, lại là nơi phát sinh ra những sai phạm, dẫn tới gần 20 cán bộ; trong đó có tới 15 đảng viên, bị khởi tố và bắt giam.

img

Nhà máy Thủy điện Sơn La nằm trên địa bàn thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. (Ảnh: CTV)

Trở về với những ngày đầu thực hiện DADD, qua tìm hiểu, PV Dân Việt được biết: Trong suốt quá trình hơn chục năm thực hiện DADD, để đảm bảo tính công bằng, ổn định tư tưởng người dân và đẩy nhanh tiến độ di dân theo kế hoạch của Nhà nước, UBND tỉnh Sơn La đã duy trì chỉ 1 khung giá đất nhằm đảm bảo tính công bằng giữa người chấp hành tốt việc di chuyển trước và người di chuyển sau.

Việc này tuy giúp cho công tác đền bù, bồi thường, hỗ trợ thuận lợi, nhanh gọn nhưng lại gây cho người dân những thiệt thòi trong việc áp giá đền bù, hỗ trợ đối với diện tích đất sản xuất.

Cũng vì hiểu những thiệt thòi người dân trong vùng DADD Sơn La đang phải gánh chịu, năm 2013 và 2014, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tỉnh Sơn La được hỗ trợ thêm (bù chênh lệch giá đất) cho hộ dân bị thu hồi đất sản xuất thực hiện DADD TĐC thủy điện Sơn La, với mức hỗ trợ bình quân là 48 triệu đồng/ha; tổng mức kinh phí hỗ trợ là 1.300 tỷ đồng, tại các văn bản số 883/TTg-KTN ngày 20.6.2013, số 1754?TTg-KTN ngày 15.9.2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ di dân TĐC thủy điện Sơn La luôn được các cấp của tỉnh Sơn La thực hiện chặt chẽ, minh bạch theo quy trình công khai các bước...

Sai phạm do đâu?

img

Hàng ngày có nhiều khách đến tham quan Nhà máy thủy điện Sơn La. (Ảnh: Văn Chiến)

Vậy nguyên nhân do đâu lại dẫn đến những sai phạm tại DADD tái định cư thủy điện Sơn La? Theo tìm hiểu, văn bản số 883 của Thủ tướng không đề cập đến đối tượng người dân được hưởng lợi nằm trong Giai đoạn I của DADD. Nhưng sau khi xem xét, UBND tỉnh Sơn La nhận thấy các hộ thực hiện di dân trong Giai đoạn I của DADD quá thiệt thòi so với các hộ nằm trong Giai đoạn II.

Mặc dù chính các hộ di dời ở giai đoạn I là những người tiên phong trong việc di dời khỏi quê hương, lấy đất cho công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La nhưng giai đoạn I lại là giai đoạn mang tính đặc thù: Các hộ dân khi di dời không được bồi thường hỗ trợ đất sản xuất mà mang tính hoán đổi: Những hộ dân này được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố, vườn cây công nghiệp cùng các cơ sở hạ tầng trước khi họ chuyển đến (Khu tái định cư Tân Lập, huyện Mộc Châu).

So với người dân thuộc Giai đoạn II thì các hộ này bị thiệt thòi hơn là 96 triệu đồng/ha đất sản xuất. Do đó, tỉnh Sơn La tiếp tục đề nghị Thủ tưởng Chính phủ cho phép thực hiện hỗ trợ với số hộ dân Giai đoạn I số tiền 96 triệu đồng/ha đất sản xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ xung...

Theo tinh thần công văn số 617 của UBND tỉnh Sơn La ban hành ngày 18.3.2014, UBND tỉnh Sơn La giao cho UBND huyện Mường La tổ chức đo đạc, lập bản đồ địa chính. Căn cứ vào kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính, huyện Mường La thống kê diện tích đất của từng hộ và phân theo từng đối tượng (hộ tái định cư di chuyển đi xã Tân Lập (huyện Mộc Châu); hộ tái định cư tự nguyện; hộ sở tại), trong đó xác định rõ diện tích đất đã được bồi thường hỗ trợ và chưa được bồi thường hỗ trợ...

Nhưng khi triển khai thực hiện mức hỗ trợ cho các hộ dân trong Giai đoạn I thì phía UBND huyện Mường La (tỉnh Sơn La) không thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của tỉnh Sơn La và các ngành chức năng về việc đo đạc, kiểm đếm, vẽ bản đồ, công khai mức hỗ trợ... nên đã dẫn đến nhiều sai phạm.

img

Nhiều công trình xây dựng tại công trường Nhà máy Thủy điện Sơn La trước đây, giờ vắng bóng người. (Ảnh: Văn Chiến)

Bên cạnh đó, 1 số đối tượng dân cư nằm trong diện Giai đoạn I đã tranh thủ lợi dụng tỉnh hình diện tích đất có thực đã ngập trong nước, không thể kiểm đếm chính xác để khai man, hưởng lợi. Điển hình trong vụ này là đối tượng Đèo Văn Ban, diện tích đã khai để hưởng đền bù của gia đình ông Ban năm 2005 là 4,5ha và đã nhận đủ chế độ từ năm 2005. Nhưng đến 2013-2014, ông Ban với sự tiếp tay của 1 số cán bộ đã khống diện tích của gia đình ông ta lên tới 17 ha.

Đồng thời, theo cách làm như của ông Ban, nhiều hộ dân khác trong địa bàn cũng kê khai và đòi hỏi số diện tích đất sản xuất cần được hỗ trợ tăng rất cao, dẫn tới con số cần chi trả (theo Quyết định 883 của Thủ tướng Chính phủ) tăng vọt lên hàng chục tỷ đồng và gây nên những vụ kiện cáo tập thể kéo dài, vượt cấp, khiếu kiện đông người; tạo bức xúc xã hội.

Đó là thời điểm ông Trương Tuấn Dũng (trước khi bị khởi tố là Phó giám đốc sở Tài chính Sơn La) làm Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mường La; ông Phan Tiến Diện (trước khi bị khởi tố là Phó giám đốc sở Tài nguyên - Môi trường Sơn La) đang giữ chức vụ Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mường La rồi được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La. Theo cơ quan điều tra, hai ông này đã ký nhiều văn bản thực hiện số liệu đo đạc, kiểm đến, hỗ trợ… không chính xác.  

Những khuất tất của một số hộ dân và cán bộ nói trên là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt cán bộ, đảng viên của tỉnh Sơn La bị bắt trong mấy ngày vừa qua. Sự kiện này làm dư luận đặt nhiều câu hỏi xấu về kết quả thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

Chính vì thế, trong quá trình điều tra vụ việc, khi tiếp xúc với nhiều cán bộ làm công tác di dân TĐC thủy điện Sơn La, chúng tôi đều nhận được lời khẩn cầu: Mong cơ quan công an sớm làm sảng tỏ vụ việc, loại bỏ những con sâu đang làm rầu nồi canh !

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem