Dự án tháp truyền hình VTV: Không đạt hiệu quả sẽ không phê duyệt

Hải Phong Thứ hai, ngày 29/02/2016 20:11 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của người phát ngôn Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2, diễn ra vào chiều nay (29.2).
Bình luận 0

img

Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về quan điểm của Chính phủ trước việc Đài truyền hình Việt Nam trình dự án xây dựng tháp truyền hình cao hơn 600m tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định, người phát ngôn của Chính phủ (thay cho Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhận nhiệm vụ mới) cho biết: Chủ trương xây dựng tháp truyền hình đã có từ Nghị quyết của Đại hội Đảng VIII năm 1995, và trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thời đó đã phê duyệt quy hoạch phát thanh – truyền hình, có nói phải xây dựng tháp truyền hình đa mục tiêu, không chỉ sử dụng cho kỹ thuật truyền hình mà còn là điểm nhấn về du lịch, thương mại, bưu điện…

“Đến năm 1997, Đài THVN đã trình dự án xây tháp truyền hình cao 350m, nhưng lúc bấy giờ ngân sách khó khăn nên Chính phủ chưa đồng ý”, ông Định cho biết.

Năm 2013, Đài THVN lại trình chủ trương xây dựng tháp truyền hình cao hơn 600m đa mục tiêu, như trong quy hoạch về phát thanh truyền hình 1995 theo quy hoạch phát triển chiến lược VTV.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, Thủ tướng đã yêu cầu nhiều Bộ như Quốc phòng, Tài chính, Xây dựng, Văn hóa – Thể thao – Du lịch… và UBND TP Hà Nội cùng thống nhất với Chính phủ về chủ trương xây dựng tháp truyền hình đa mục tiêu, không sử dụng ngân sách Nhà nước, làm sao tạo điểm nhấn cho Hà Nội nhưng phải đảm bảo lợi ích của nhân dân, thu hút lao động, du lịch, tạo động lực phát triển cho Thủ đô.

Thủ tướng cũng giao cho VTV chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia, mời tư vấn nước ngoài có uy tín xây dựng dự án. VTV cũng đã đề xuất một số cơ chế chính sách ưu đãi. “Hiện nay Thủ tướng chỉ đạo và VTV cùng với các bộ ngành liên quan xây dựng dự án tiền khả thi. Tất cả các vấn đề dư luận quan tâm sẽ được đưa vào dự án tiền khả thi để Thủ tướng xem xét, cân nhắc. Khi thấy ổn mới yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục quy trình để xây dựng dự án”, Phó chủ nhiệm VPCP khẳng định.

“Chỉ khi nào dự án tiền khả thi đảm bảo các vấn đề liên quan tới lợi ích tổng thể mà chúng ta đã đề ra, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật thì Thủ tướng mới phê duyệt. Còn nếu không đạt mục đích, không có hiệu quả thì Thủ tướng chắc chắn sẽ không phê duyệt”, người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.

Về vấn đề Chính phủ tiếp tục xin hoãn trình dự án Luật Biểu tình, trả lời báo chí chiều nay, người phát ngôn của Chính phủ cũng đã xác nhận thông tin này.

Tại phiên họp ngày 17.2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ đã xin rút dự án Luật Biểu tình ra khỏi chương trình kỳ họp tới của Quốc hội, tuy nhiên UBTVQH đã không đồng ý, yêu cầu Chính phủ vẫn phải trình dự luật ra kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.

Tuy nhiên, trả lời báo chí chiều nay, 29.2, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết: Ngay sau khi có ý kiến của UBTVQH, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đề nghị UBTVQH chưa đưa nội dung cho ý kiến đối với dự án Luật Biểu tình vào chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIII. Lý do đề nghị lùi là do "cơ quan chủ trì dự án Luật chưa chuẩn bị kịp để trình Chính phủ xem xét tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2016", ông Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2016, trong thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau về một số vấn đề quan trọng. Do vậy Chính phủ chưa thông qua và đề nghị UBTVQH cho phép chưa trình dự án Luật này tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIII.

Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định: Dự án Luật Biểu tình là một dự án luật quan trọng, phức tạp và nhạy cảm. Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ. Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã họp cho ý kiến chỉ đạo về tư tưởng, quan điểm, nội dung cơ bản của dự án Luật để định hướng cho việc soạn thảo.

Trả lời về việc một số lãnh đạo cấp cao (trong đó có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng) vừa được Bộ Chính trị phân công đảm nhận công tác mới trong khi vẫn giữ các chức danh trong hệ thống hành chính Nhà nước thì có phải chịu trách nhiệm về những công việc theo các chức danh này hay không, người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết: Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ, nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, theo Quyết định số 67-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, các  Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng thuộc diện Bộ Chính trị quản lý và phân công công tác.

“Về mặt pháp lý, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng được Bộ Chính trị phân công công tác mới vẫn là thành viên Chính phủ, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý chỉ đạo, điều hành các công việc vẫn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã điều chỉnh phân công công tác của thành viên Chính phủ. Công việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đảm nhiệm; của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường; của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên được giao cho ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ”, người phát ngôn mới của Chính phủ cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem