Giải mã những trận đấu nảy lửa tại hội chọi trâu: Khi bản năng trỗi dậy...

Đình Thắng Thứ tư, ngày 04/03/2015 07:04 AM (GMT+7)
Trái với vẻ hiền lành, thong dong trên bãi cỏ, nhiều “ông trâu” trên sàn đấu tại Hội Chọi trâu NTNN - Phú Sơn, Bắc Ninh 2015 đã thể hiện sự  ăn miếng trả miếng rất máu lửa khi gặp đối thủ. Vì sao như vậy?
Bình luận 0

img

Trâu số 1 và trâu số 24  trong trận đấu mở màn Hội chọi trâu NTNN - Phú Sơn, Bắc Ninh.       LHT

Trong 2 ngày diễn ra hội chọi trâu, hàng vạn khán giả đã được chứng kiến những trận đấu rất gay cấn, nảy lửa. Có trận, một “ông trâu” chỉ mất 28 giây để kết thúc cuộc chiến với đối thủ trong tiếng vỗ tay vang rền của khán giả. Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Mai Văn Sánh- nguyên Trưởng bộ môn Nghiên cứu trâu, thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), người đã có gần 40 năm nghiên cứu về loài trâu cho rằng: “Trâu Việt Nam được xếp vào nhóm trâu đầm lầy, nên sức khỏe rất tốt. Ngoài ra, trâu được con người thuần hóa muộn hơn so với các loài vật khác nên chúng vẫn giữ được nhiều nét hoang dã nguyên thủy của tổ tiên. Bản năng gốc của trâu chính vì thế vẫn tồn tại và chưa mai một đi dù có sự thuần dưỡng của con người. “Vậy bản năng gốc của trâu là gì?” Ông Sánh cho biết, đó là khi tranh đấu để tranh giành thức ăn, “bạn gái”, hoặc bị kích động (tiếng hò reo, tiếng trống...). Những lúc này, trâu thường đọ sừng rất chí mạng và tận lực, đổ máu sống chết với nhau. “Chính vì bản năng của con trâu còn giữ được nhiều nên người ta sử dụng nó trên các sàn đấu. Và khi lên sàn đấu thì bản năng của nó trỗi dậy”- ông Sánh nói.

Lý giải việc lên trên sàn đấu chỉ có trâu đực, PGS-TS Đinh Văn Cải- Phó Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, thuộc Viện Chăn nuôi cho rằng: “Vì con đực hung dữ hơn, tính cạnh tranh lớn hơn, bản năng mạnh hơn. Con đực bao giờ cũng đi gây chiến, bao giờ cũng muốn làm chủ một đàn, muốn đứng đầu một quần thể, đấy là bản năng”. PGS-TS Đinh Văn Cải cho biết thêm: “Loài trâu tuy rất hiền lành nhưng đến mùa giao phối, con trâu đực luôn muốn thể hiện sức mạnh để giành quyền giao phối với con cái. Chính vì thế để thể hiện sự chiếm hữu của mình, các con đực sẽ giao chiến với nhau. Khi giao chiến, chúng sẽ chọi nhau cho đến lúc 1 trong 2 con phải đầu hàng và bỏ chạy, thậm chí có những con trâu phải bỏ mạng ngay tại trận.”

Theo các chuyên gia về trâu, để có những chú trâu chọi hay, để có những trận đánh hấp dẫn, để có được những miếng đánh hiểm hóc thì trâu còn phải được rèn giũa, huấn luyện bởi các chủ trâu. “Sở dĩ trâu chọi ở Hội chọi trâu NTNN- Phú Sơn Bắc Ninh có các trậu đấu hay chính là nhờ những điều kiện như thế ”- ông Mai Văn Sánh nói.

Theo tôi, trâu chọi mạnh mẽ khi thi đấu đòi hỏi  3 yếu tố. Yếu tố quan trọng đầu tiên là nguồn gen tốt. Tiếp đó là quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, huấn luyện đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Cuối cùng là tình yêu, sự đam mê của chủ trâu.
Anh Đinh Văn Tư (Phúc Thọ, Hà Nội), chủ trâu số 24

Để có được trâu chọi tốt, việc bỏ công sức tìm tòi, phát hiện trâu có năng lực bẩm sinh mang tính then chốt. Bên cạnh đó, việc tìm thức ăn, dạy cách đấu phù hợp với vóc dáng là cực kỳ quan trọng.
Anh Nguyễn Văn Hồng (Hà Nội), chủ trâu 12

Để trâu thực sự “máu” khi lâm trận, mọi chủ trâu phải tuân thủ đầy đủ mọi nguyên tắc như không để trâu “đánh hơi” được đối thủ khi đang huấn luyện, không phối giống. Khi đó, trâu sẽ rất hăng và mạnh mẽ lúc giáp chiến.
Anh Phạm Đức Trường (Tuyên Quang), chủ trâu số 16

Long Nguyên (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem