Hà Nội: Có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng không xác định nguồn nhiễm

Thành An Thứ hai, ngày 06/04/2020 15:45 PM (GMT+7)
Nhắc đến ca bệnh Covid -19 thứ 237, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ lo ngại, có có những ca nhiễm ở cộng đồng không xác định được F0, không phát hiện được tiếp xúc từ nguồn lây nhiễm nào.
Bình luận 0

Không chần chừ, lừng khừng

Ngày 6/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chủ trì họp giao ban Quý I và Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19. Phát biểu tại cuộc họp, ông Chung yêu cầu các sở ban ngành phải làm tốt công tác phòng chống dịch.

“Công chức, viên chức đi làm nếu không cẩn thận thì cũng bị lây. Thực tế đã có nhân viên của Cục Sở hữu trí tuệ, rồi nhân viên của Bảo Việt. Các cháu nhỏ cũng có rồi. Vì vậy, cần làm tốt công tác phòng chống dịch ở từng cơ quan, đơn vị, làm tốt công tác tuyên truyền để từng gia đình cũng làm công tác này tốt” - ông Chung nói.

img

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp ngày 6/4.

Tại cuộc họp, nhiều lần Chủ tịch Hà Nội nhắc đi nhắc lại việc “chúng ta phải xác định thứ quan trọng nhất trong lúc này là thời gian”.

“Các đồng chí nhớ là chúng ta có thời gian để chuẩn bị và thời gian để học hỏi, rút kinh nghiệm từ các nước. Dịch bệnh ở đây là quá lớn, chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm, không được bảo thủ” – ông Chung nói và cho nhấn mạnh: “Trước đây chúng ta có thói quen làm việc theo quy trình, theo suy nghĩ,… nhưng trong dịch bệnh không cho phép chúng ta như vậy mà phải hành động theo tinh thần khẩn trương, không chần chừ”.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Chung chia sẻ, việc ứng phó với Covid-19 hiện nay trên thế giới chủ yếu áp dụng hai giải pháp. Đó là nhóm các nước chần chừ, lừng khừng, không quyết liệt ngay từ đầu và nhóm quyết liệt ngay từ đầu. Với nhóm nước không quyết liệt, thì hệ thống y tế rất dễ bị sụp đổ, phải gánh chịu hậu quả rất lớn của đại dịch, ảnh hưởng đến nhiều người dân và khó có thể ngăn chặm được dịch bệnh.

“Việt Nam chúng ta thuộc nhóm quyết liệt ngay từ đầu, nên kiềm chế được lây nhiễm của dịch bệnh, kiềm chế được hậu quả của dịch bệnh, đến nay chưa có người tử vong. Từ đó giảm gánh nặng cho ngành y tế và có thời gian để học hỏi, rút kinh nghiệm từ các nước. Chúng ta cũng có thời gian để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, chuẩn bị hàng hóa, trang thiết bị vật tư thiết yếu” - ông Chung cho hay.

img

Quang cảnh cuộc họp ngày 6/4.

Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cũng nêu ra lo ngại nếu ngành y tế TP không chuẩn bị tốt thì rất dễ thiếu trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trong thời gian tới. Bởi nhiều nước phát triển hiện nay có những trang thiết bị trước đây chỉ dùng một lần như dao mổ, thì nay phải dùng lại.

“Nếu như chúng ta không lường trước được cái này, thì ngành y tế rất dễ lún sâu vào khủng hoảng. Bởi có những trang thiết bị chúng ta lên kế hoạch mua từ đầu năm, chưa kịp mua thì đã tăng giá lên gấp đôi” - ông Chung nói và yêu cầu các sở ngành khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất trang thiếu bị y tế như máy thở, khẩu trang…

"Cần kéo dài thời gian cách ly"

Liên quan đến các “chốt” phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch Hà Nội lưu ý, các lực lượng phải tổ chức đo nhiệt độ, phun khử khuẩn cho tất cả các lái xe và phương tiện lưu thông. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. “Tôi lưu ý, tất cả các trường hợp ra ngoài mà không đeo khẩu trang là phải xử phạt nghiêm” – ông Chung nói.

img

Người dân trên địa bàn Hà Nội được yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội.

Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu thực hiện tốt việc cách ly xã hội đến ngày 15/4, bởi đây là một trong những biện pháp quyết định đến việc ngăn chặn lây lan của dịch bệnh.

Theo ông Chung, từ khi bắt đầu giai đoạn 2 đến nay (từ 6/3), đến nay, Hà Nội là địa phương có nhiều bệnh nhân nhất, kể cả trừ đi các ca bay về từ nước ngoài thì vẫn có số ca lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất.

“Và đã có những ca nhiễm ở cộng đồng không xác định được F0. Ví dụ như ca số 237 bởi hiện nay không phát hiện được tiếp xúc được từ nguồn nhiễm nào. Cho nên nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng là rất cao. Vì vậy phải làm tốt công tác cách ly xã hội. Các cơ quan đơn vị hành chính, từ hội họp, đi lại phải nghiêm túc. Bắt buộc phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay” - ông Chung nói và cho biết, mọi người cần hình thành thói quen rửa tay, đeo khẩu trang…

Do đó, ông Chung nhấn mạnh, biện pháp Thủ tướng đề ra là phương án giãn cách xã hội, cách ly xã hội là phương án tối ưu, duy nhất.

“Từ đây để thấy nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng của chúng ta đang rất cao, cho nên cần phải làm tốt. Tôi đã từng cảnh báo, chúng ta đã làm rất dài, rất lâu, đến hơn 60 ngày. Những người làm đường dài, nếu không chuẩn bị tốt tinh thần, vật chất thì khi bùng phát rất dễ thất bại trong trận đầu. Do vậy đây là thời gian phải tổng lực rà soát lại và chuẩn bị”- ông Chung lưu ý.

Đề cập đến ca nhiễm mới, ông Chung cho biết, sáng nay (6/4) Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm hành khách trên một chuyến bay từ Nga về Việt Nam, đang được cách ly ở khu cách ly tại trường Đại học FPT. Theo đó, CDC Hà Nội phát hiện thêm một bệnh nhân 35 tuổi (ở Hà Tĩnh) nhập cảnh từ 25/3, lần đầu xét nghiệm âm tính nhưng lần 2 dương tính.

img

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục mở rộng test nhan Covid-19 trên địa bàn TP.

Chủ tịch Hà Nội cũng thông tin 1 bệnh nhân (47 tuổi) ở Mê Linh (đi khám tại Khoa Miễn dịch dị ứng Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3 tại khoa miễn dịch dị ứng), cho kết quả dương tính với Covid-19. Cụ thể, ngày 4/4, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, đến tối 5/4 cho kết quả xét nghiệm cho dương tính Covid-19.

“Như vậy, ca này là 23 ngày mới phát hiện dương tính với Covid-19. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận rõ, không được chủ quan với các trường hợp như vậy”- ông Chung nói và yêu cầu phải rà soát, cách ly ngay tất cả các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai như đã đến khám, thăm, đến liên hệ công tác… “Vì đây vẫn là ổ dịch tiềm tàng nguy cơ lớn nhất”.

Theo Chủ tịch Hà Nội, cần phải kéo dài thời gian cách ly, không dừng lại ở 14 ngày. “Trước mắt phải yêu cầu những người liên quan đến “yếu tố Bạch Mai”, liên quan đến bệnh nhân 237… cách ly thêm 14 ngày nữa”.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu các các trường hợp đã cách ly 14 ngày ở nơi cách ly tập trung phải tiếp tục yêu cầu có quyết định 14 ngày nữa cách ly tại nhà.

“Chúng ta có 2 trường hợp xét nghiệm âm tính nhưng sau đó lại dương tính. Cho nên tất cả các trường hợp phải kéo dài thời gian cách ly. Đặc biệt, các trường hợp liên quan đến bệnh nhân 237 và yếu tố Bạch Mai có thể kéo dài đến 25/4” – Chủ tịch Hà Nội nói.
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem