Hạn, mặn đe dọa vùng bán đảo Cà Mau

Hoàng Hạnh Thứ tư, ngày 27/01/2016 10:12 AM (GMT+7)
Hiện tượng El Nino diễn biến phức tạp và được đánh giá là mạnh như El Nino năm 1997 - 1998, trong khi mùa mưa ở khu vực bán đảo Cà Mau kết thúc sớm đang gây ra tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản.
Bình luận 0

Hiện tượng El Nino diễn biến phức tạp và được đánh giá là mạnh như El Nino năm 1997 - 1998, trong khi mùa mưa ở khu vực bán đảo Cà Mau kết thúc sớm đang gây ra tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản.

Theo ngành nông nghiệp Bạc Liêu, diện tích nuôi trồng thủy sản ở khu vực là 67.134ha. Do mặn xâm nhập sớm nên trong mùa khô năm 2015-2016, việc nuôi trồng thủy sản ở các tiểu vùng chuyển đổi sản xuất sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung, độ mặn trên các ao nuôi có khả năng tăng cao; vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm. Nhiệt độ trung bình trong các tháng mùa khô đầu năm 2016 có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C cũng gây bất lợi cho tôm nuôi.

Ông Phạm Hoàng Giang – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hiện nay ở các vùng phía Bắc của tỉnh gồm huyện Phước Long, Hồng Dân và một phần của thị xã Giá Rai bị ảnh hưởng do thiếu nước mặn cục bộ phục vụ cho nuôi tôm (khoảng vài trăm ha bị ảnh hưởng trên tổng diện tích của vùng hơn 60.000ha – PV).

img

Xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn ở vùng sản xuất lúa, tôm ở bán đảo Cà Mau. H. H

“Dự kiến trong vài tháng tới sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước, hay độ mặn tăng cao gây thiệt hại diện tích nuôi tôm, nhất là vào khoảng tháng 2, 3. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài sẽ làm tăng độ mặn ở vùng phía Bắc gây bất lợi cho ngành nuôi tôm” – ông Giang cảnh báo.

Ông Lê Văn Tuấn ngụ huyện Thới Bình, Cà Mau cho biết, hơn 2ha đất sản xuất lúa – tôm của gia đình ông bị thiệt hại do thiếu nước và xâm nhập mặn tăng cao. Ở đây không phải riêng gia đình ông bị thiệt hại, mà còn nhiều hộ dân khác cũng lâm cảnh trắng tay.

Còn tại Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết: “Ở 2 tiểu vùng II và III nằm ở phía Bắc Cà Mau (gồm hai huyện là Trần Văn Thời và U Minh, với diện tích khoảng 120.000ha) do được khép kín, nên nước mặn không thể xâm nhập, nhưng lại thiếu nước ngọt cho sản xuất. Riêng diện tích tự nhiên còn lại trên 400.000ha có hệ thống thủy lợi hở, nên rất khó quản lý và điều tiết nguồn nước cho nuôi trồng thủy sản.

“Nếu nắng hạn kéo dài trong mùa khô năm nay, độ mặn sẽ tăng cao và xâm nhập sâu vào các vùng sản xuất. Hiện khu vực sản xuất lúa – tôm ở U Minh, Thới Bình, có diện tích vài trăm ha đang bị ảnh hưởng do thiếu nước và nước mặn xâm nhập sớm” – ông Hoai thông tin thêm.

Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết thêm, ngành đang điều chỉnh lịch thời vụ, khuyến cáo người dân tránh thả tôm ở các tháng nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem