Hàng nghìn người "chờ chực" xuất cảnh sang Trung Quốc tìm việc

Tuấn Minh Thứ sáu, ngày 06/12/2019 13:00 PM (GMT+7)
Vào thời cuối tháng 11, đầu tháng 12, mỗi ngày có tới hàng nghìn người "chờ chực" xuất cảnh ở Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) để sang Trung Quốc tìm việc làm thuê.
Bình luận 0

Do thiếu việc làm tại địa phương trong thời gian nông nhàn, trong khi công việc lao động phổ thông ở Trung Quốc không đòi hỏi trình độ, lương lại cao hơn Việt Nam, nên người dân ở các tỉnh như Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn… ùn ùn kéo nhau đi làm giấy thông hành sang Trung Quốc.

Đa số người Việt Nam xuất cảnh sang khu vực Quảng Tây - nơi sản xuất mía đường lớn nhất Trung Quốc vào thời điểm này để làm công việc chặt mía theo thời vụ.

img

Người dân xếp hàng đợi để được thông hành qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh bạn đọc

Những ngày cuối tháng 11, 12 là thời điểm công việc đồng áng đã hoàn tất. Đây là thời gian nông nhàn, cùng với lợi thế ngay giáp biên giới, nên nhiều người dân Lạng Sơn và các tỉnh lân cận có nhu cầu sang Trung Quốc tìm việc làm, kiếm thêm thu nhập chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

Trước đây, tình trạng người dân sang Trung Quốc lao động "chui" rất phổ biến. Tuy nhiên gần đây, việc người dân lao động "chui" đã giảm do người dân được tuyên truyền, cũng như nhận thức được những nguy hiểm của việc này.

Bà H.T.S (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: "Trước đây, tôi cũng từng đi "chui" sang Trung Quốc để chặt mía thuê. Năm nay, sức khỏe không đảm bảo nên tôi cũng sợ, không dám đi làm tiếp nữa. Trong làng năm nay, nam nữ tầm 28 - 40 đi chặt mía cũng khá nhiều, tuy nhiên, họ đều đi làm sổ thông hành, không đi trái phép như trước đây".

img

Mặc dù đã có sổ thông hành nhưng nếu phía Trung Quốc không có người đón (bảo lãnh), lao động Việt Nam vẫn không thể qua cửa khẩu. Ảnh bạn đọc

"Giờ có sổ thông hành, đi qua cửa khẩu đàng hoàng rồi, nhưng chủ không đón, bảo lãnh thì cũng không đi được. Nhiều người đi chờ chực ở cửa khẩu xong lại thấy về vì bên kia (Trung Quốc) không đón", bà S nói.

Tình trạng lao động Việt Nam qua Trung Quốc làm thuê đã không còn là điều gì lạ lẫm. Trước đây, tình trạng người dân vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhận thức của người dân đã dần thay đổi, tỷ lệ lao động làm sổ thông hành tăng lên.

Thời gian qua, Công an tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý xuất nhập cảnh. Thông qua công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh (cấp thông hành, hộ chiếu, kiểm tra, hướng dẫn XLVPHC…) để tuyên truyền, giáo dục vận động công dân Việt Nam và người nước ngoài chấp hành các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh.

Đến nay, đã tổ chức tuyên truyền đến 79 hộ dân, vận động cá biệt đối với 153.972 lượt công dân; tổ chức 5 buổi tuyên truyền các quy định về quản lý xuất nhập cảnh cho quần chúng nhân dân lồng ghép trong chương trình phát động phong trào bảo vệ ANTQ; kết hợp các hoạt động thiện nguyện nhân đạo tại địa bàn xã Tân Đoàn (Văn Quan), xã Hưng Đạo (Bình Gia), xã Xuân Long (Cao Lộc), xã Đại Đồng (Tràng Định), xã Bình La (Bình Gia) phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh trái phép.

img

Người dân ngồi đợi xuất cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh bạn đọc

Trước đó, ông Trần Văn Quý - Trưởng phòng Phòng việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Do nhu cầu sử dụng lao động phía bên Trung Quốc quá lớn nên rất nhiều công dân Lạng Sơn và một số tỉnh lân cận dịch chuyển sang lao động thuê”.

Ông Quý cho biết thêm, người lao động sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, tự phát xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Do vậy, nhiều trường hợp đã bị Công an Trung Quốc bắt, giam giữ, phạt tiền, bị cải tạo hoặc lao dộng công ích một thời gian rồi bí mật đẩy đuổi qua đường mòn về nước. Một số lao động đã bị các đối tượng xấu, tổ chức môi giới, dẫn đường đưa người xuất cảnh trái phép sang biên giới lợi dụng để trục lợi và thực hiện các hoạt động tội phạm khác…

"Việc người lao động đi làm việc tự thỏa thuận với chủ sử dụng lao động Trung Quốc, không có hợp đồng lao động, không có tổ chức trung gian bảo vệ, do đó quyền lợi chính đáng của người lao động không được đảm bảo. Chủ sử dụng không trả tiền công hoặc trả tiền công không đúng thỏa thuận hoặc bị chiếm đoạt tiền công bằng nhiều thủ đoạn”, ông Quý nhấn mạnh.

Qua số liệu thống kê từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 24.000 lượt người sang Trung Quốc làm thuê. Năm 2016 có khoảng 32.000 người, trong đó có gần 100 người bị rủi ro, tai nạn và 9 người bị tử vong. Riêng 2 tháng đầu năm 2017 đã có 15.800 người, trong đó có 8 người bị tai nạn.

Đây là những con số thống kê lượt người đi qua cửa khẩu, nhưng thực tế, con số này lớn hơn rất nhiều do nhiều người vượt đường mòn trái phép qua biên giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem