Hành trình đòi lại quyền khai sinh cho trẻ em

Hoàng Thắng Thứ ba, ngày 24/01/2017 06:25 AM (GMT+7)
Sau gần nửa năm theo đuổi, sự việc các gia đình sinh con thứ ba, thứ tư ở hai xã Bình Dương, Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) phải nộp từ 2 tới 4 triệu đồng vào Quỹ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) của xã mới làm được giấy khai sinh cho con, đã kết thúc với lẽ phải đã thuộc về người dân.
Bình luận 0

Nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, thứ 4 trên địa bàn huyện, năm 2013, UBND huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã ban hành chính sách  DS - KHHGĐ. Theo đó, các gia đình nếu đã ký vào bản cam kết không sinh con thứ ba, thứ tư mà vẫn sinh sẽ phải đóng vào Quỹ DS - KHHGĐ xã từ 2 - 4 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách này tại một số xã đã dẫn tới tình trạng cán bộ xã lạm quyền, ép người dân phải đóng tiền, nếu không đóng sẽ không cấp giấy khai sinh cho trẻ em thuộc diện sinh con thứ 3 trở lên.

img

Gia đình anh Nguyễn Mạnh Cường trong lần gặp đầu tiên với phóng viên Báo NTNN. Ảnh: Hoàng Thắng

Giấy khai sinh có giá 2 triệu?

Mọi việc được bắt đầu từ cuộc gặp giữa phóng viên Báo NTNN và gia đình anh Nguyễn Mạnh Cường (tại thôn Lạc Trung, xã Bình Dương). Anh Cường cho biết, cũng như nhiều gia đình đã sinh con thứ ba, thứ tư trước đó trong thôn, anh đã tới UBND xã để nộp số tiền 2 triệu theo yêu cầu của cán bộ xã, rồi làm giấy khai sinh cho người con thứ ba của mình vào cuối tháng 1.2016. Sau đó, khi biết quy định của Nhà nước không xử phạt đối với các gia đình, cá nhân sinh con thứ ba, anh Cường xuống UBND xã để hỏi và được các cán bộ ở đây giải thích rằng số tiền anh nộp là để ủng hộ “Quỹ DS- KHHGĐ”.

Anh Cường đã cung cấp cho phóng viên một tờ phiếu thu để chứng minh việc mình đã nộp tiền cho UBND xã. Qua quan sát, tờ phiếu thu do cán bộ UBND xã lập thiếu khá nhiều thông tin như: Tên đơn vị thu tiền, bộ phận thu tiền, chữ ký của thủ trưởng đơn vị, dấu xác nhận của UBND xã... Từ câu chuyện bức xúc của anh Cường, nhóm phóng viên đã trở lại thôn Lạc Trung để gặp gia đình bà Lê Thị Đại và được biết câu chuyện “kỳ lạ” của gia đình bà. Dù gia đình thuộc diện hộ nghèo, bản thân chị Trần Thị Liên (con gái bà Đại) lại mắc bệnh tâm thần, song gia đình bà vẫn phải vay lãi số tiền 2 triệu đồng để có tiền đóng góp vào Quỹ DS - KHHGĐ xã sau khi chị Liên sinh con thứ ba - cháu A.D vào tháng 9.2014. 

img

Cùng sinh con thứ ba, nhưng có gia đình phải nộp 2 triệu, trong khi gia đình khác chỉ nộp 50.000 đồng. Ảnh:  Hoàng Thắng

Bà Đại nói: “Tôi đã trình bày hoàn cảnh của gia đình mình và tình trạng bệnh cháu Liên với ông Trần Văn Vệ - Phó Chủ tịch xã, ông Nguyễn Văn Nghiệp - cán bộ tư pháp nhưng họ không đồng ý và thuyết phục tôi nộp tiền để lấy giấy khai sinh, làm thẻ bảo hiểm cho cháu bé. Sau này, họ sẽ đề đạt trường hợp của gia đình tôi lên cấp trên, nếu được giải quyết họ sẽ trả lại tiền. Ngoài ra, tôi cũng thắc mắc vì sao nộp tiền nhưng không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh thì họ nói rằng mọi thông tin họ đã ghi vào sổ”.

Tiếp tục trình bày hoàn cảnh của mình với ông Phan Văn Nghê - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương, bà Đại được giải thích rằng đây là quy định của huyện, người dân phải chấp hành chứ không còn cách nào khác.

Khi tiếp tục tìm hiểu sự việc, phóng viên được biết thêm, sự việc này cũng xảy ra ở xã Lũng Hòa (thuộc huyện Vĩnh Tường).

Trả lại tiền cho dân

Sau những bài viết phản ánh của Báo NTNN và một số báo, cùng những lá đơn phản ánh của người dân hai xã Lũng Hòa và Bình Dương, UBND huyện Vĩnh Tường đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách DS - KHHGĐ tại 2 xã nêu trên trong tháng 6 và 7.2016.

Ông Lê Chí Thái -Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, huyện đã họp và thống nhất những hộ và cá nhân đã ký cam kết tự nguyện đóng góp vào Quỹ DS - KHHGĐ của xã thì vẫn thu tiền. Còn các trường hợp không ký cam kết mà đã thu tiền sẽ trả lại tiền, chưa thu sẽ không thu nữa. 

Sau khi kiểm tra xác minh, UBND huyện Vĩnh Tường đã kết luận, việc UBND xã Lũng Hòa và Bình Dương thu tiền của các trường hợp chưa ký cam kết và không tự nguyện thực hiện quy định về một số cơ chế chính sách DS - KHHGĐ là không đúng quy định và hướng dẫn của huyện. UBND huyện yêu cầu UBND xã Lũng Hòa và Bình Dương hoàn trả lại số tiền thu của các hộ dân không đúng quy định.

Ngoài ra, việc UBND xã Lũng Hòa yêu cầu các cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên nhưng chưa ký cam kết, nộp tiền vào Quỹ DS- KHHGĐ và lấy xác nhận của trạm y tế xã vào giấy chứng minh làm cơ sở để đăng ký khai sinh, làm công dân phải đi lại nhiều lần, kéo dài thời gian đăng ký khai sinh là chưa đúng quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

Anh Nguyễn Mạnh Cường (xã Bình Dương) và chị Lê Thị Bình (xã Lũng Hòa) đều cho biết, họ và hàng chục gia đình, cá nhân khác đã nhận lại số tiền từng đóng trước đây, khi làm giấy khai sinh cho con thứ ba, thứ tư từ UBND xã Bình Dương và Lũng Hòa. Còn bà Lê Thị Đại (xã Bình Dương) kể, bà phải mất 3 lần tới UBND xã mới nhận lại được số tiền 2 triệu đồng từng đóng khi làm giấy khai sinh cho cháu A.D.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem