Hệ lụy khôn lường từ thông tin xấu trên mạng

Hòa Nguyễn-Diệu Linh Thứ năm, ngày 22/03/2018 06:20 AM (GMT+7)
Hàng loạt những thông tin sai lệch, không đúng sự thật được đăng tải liên tục trên các trang mạng khiến cho dư luận xã hội nhiều phen xôn xao. Có những thông tin rất tiêu cực, nhằm bôi nhọ cá nhân hay tổ chức đã khiến cho những người trong cuộc khổ sở...
Bình luận 0

Lại tin đồn “bồ nhí”

Mấy ngày nay, tràn lan trên mạng xã hội tin đồn ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa có “bồ nhí” khiến dư luận xôn xao. Sự việc bắt đầu vào tối 19.3, một tài khoản Facebook có tên là Son Thai đăng tải một status với nhiều hình ảnh nóng bỏng của một cô gái trẻ tên Tr, cùng với đó là nhiều hình ảnh của ông Hưng và các tin nhắn được cho là giữa hai người này liên lạc với nhau. Facebook Son Thai tự nhận là bạn trai của cô gái tên Trang và cho rằng ông Hưng đã có quan hệ không đúng với bạn gái mình. Sự việc ngay lập tức được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội, với nhiều ý kiến khác nhau. Đến 22 giờ cùng ngày, tài khoản Facebook trên đã gỡ bỏ hết những thông tin đăng tải trên.

img

Nguyễn Minh Chánh (bìa phải ảnh) ở Bến Tre vừa bị xử phạt 10 triệu đồng về hành vi đăng tin thất thiệt có vụ chặt đầu em bé 4 tuổi. Ảnh: T.L

Liên quan đến sự việc này, chiều 20.3, chị Lê Thị Tr (26 tuổi, nhân viên trang điểm của Đài Phát thanh Truyền hình Thanh Hóa) - người bị cho là "bồ nhí" của ông Hưng - đã gửi đơn đề nghị cơ quan công an xác minh kẻ tung tin thất thiệt, xúc phạm đến danh dự, uy tín cá nhân mình. "Tôi thực sự choáng váng, không hiểu vì động cơ gì họ lại có thể dựng chuyện, vu khống tôi một cách trắng trợn như thế" - chị Tr cho biết.

Chị Tr cho rằng kẻ xấu đã lấy ảnh của mình trên Facebook cá nhân, sau đó lồng ghép với nội dung tin nhắn mà họ tự tạo ra để vu khống chị. "Tôi chưa từng gặp vị lãnh đạo tỉnh kia bao giờ, chỉ biết qua thông tin đại chúng" - chị Tr khẳng định. Chị cho biết bản thân đã có người yêu và chưa từng lập gia đình, nên không thể là vợ của người có tên là Son Thai trên Facebook được. Cô gái trẻ quê ở huyện Thọ Xuân, hiện sinh sống cùng bác ruột ở thành phố Thanh Hóa.

Xem xét những hình ảnh trên mạng xã hội, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa nhận định đây là "bịa đặt, nhảm nhí". "Nhiều khả năng thông tin này do ai đó ngụy tạo nhằm mục đích bôi nhọ lãnh đạo, gây ra bất ổn nội bộ và khiến người dân hoang mang" - vị này nhận định và cho hay các cơ quan chức năng đang theo dõi chặt chẽ sự việc.

Đáng chú ý, trước đó cũng có tin đồn về một lãnh đạo của tỉnh Thanh Hóa có “bồ nhí” được lan truyền trên các trang mạng xã hội. Cơ quan chức năng tỉnh này ngay lập tức đã vào cuộc xác minh và khẳng định thông tin đó hoàn toàn sai lệch.

Mặt trái khôn lường của mạng xã hội

Trước thực trạng ngày càng nhiều thông tin tiêu cực bị phát tán trên mạng xã hội khiến cho người trong cuộc bị ảnh hưởng nặng nề, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu - trung tá, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an) nói, không thể phủ nhận những tính năng tuyệt vời của mạng xã hội trong cập nhật thông tin, liên kết xã hội, nhưng mặt trái của nó lại chính là việc phát tán, lây lan không thể kiểm soát. Trường hợp thông tin đăng tải có tính chất riêng tư, nhạy cảm hoặc bất lợi thực sự là một hiểm họa đối với uy tín, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Đáng lo ngại, những thông tin, hình ảnh nhạy cảm, riêng tư của người khác lại có xu hướng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Trên thế giới ảo, người dùng thường vô trách nhiệm trước những phát ngôn của mình, vô tư đưa ra nhận xét theo ý thích, không cần biết điều ấy tác động thế nào đến chủ nhân của hình ảnh đó.

"Dùng mạng xã hội bêu xấu người khác chủ yếu là xuất phát từ lòng vị kỷ, tranh giành, đấu đá giữa các cá nhân với nhau. Khi đó, người ta sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh Facebook đang phát triển rầm rộ thì con người lại càng vin vào đó, xem nó như là một "vũ khí" để tiêu diệt kẻ mình thù ghét"


TS Trịnh Hòa Bình

Trung tá Hiếu khẳng định, phản ứng của cộng đồng mạng tất yếu sẽ gây ra những sang chấn tâm lý cho người có hình ảnh nhạy cảm bị phát tán. Tùy thuộc đặc điểm tâm lý cá nhân, khí chất, kinh nghiệm sống, ý thức, trình độ nhận thức, nghề nghiệp… của từng người mà những biểu hiện tâm lý này có sự khác nhau về mức độ. “Trường hợp nữ sinh L ở Nghệ An khi bị đăng clip nhạy cảm dẫn đến không chịu được áp lực đã tự tử là điển hình” - ông Hiếu dẫn chứng.

Ông Hiếu cũng đưa ra lời khuyên, những người sử dụng mạng xã hội cần có trách nhiệm cộng đồng, không nên lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng một cách vô ý thức. Một hành động vô tình để thỏa mãn nhất thời có thể gây ra tác hại cực kỳ lớn khiến người trong cuộc đi đến cùng quẫn.

Còn TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) thì khuyến cáo, để tránh sa vào "bẫy" thông tin không chuẩn, người đọc cần tỉnh giác, không thể cái gì cũng tin. Đặc biệt khi bình luận, nói xấu hoặc chia sẻ trạng thái, thông tin nào đó thì cần có sự kiểm chứng.

Theo luật sư Lại Xuân Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội: Trong thời đại công nghệ thông tin bùng phát hiện nay, các trang mạng xã hội, trang mạng cá nhân rất phổ biến nên việc cá nhân nêu quan điểm của mình trên các trang mạng về một vấn đề cũng thường có những quan điểm trái chiều. Với những trường hợp "nói xấu", tung tin đồn nhảm thì cần xử lý nghiêm.

Đăng nội dung xuyên tạc có thể bị xử lý hình sự

Gần đây, nhiều người đưa những thông tin thất thiệt, sai lệch lên mạng nhằm hạ uy tín và nhân phẩm của người khác và gây hoang mang dư luận. Trước sự việc này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, nếu như đăng thông tin không chính xác nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác liệu có bị xử lý?

img

Theo các luật sư, hành vi tung tin xuyên tạc lên mạng nhằm hạ uy tín, danh dự người khác có thể bị xử lý hình sự. Ảnh: T.L

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, nếu qua xác minh mà xác định được thông tin mà người dùng Facebook đăng lên là giả mạo, người đăng tải có thể sẽ bị xử lý (tùy mức độ nghiêm trọng của vấn đề). Bởi, người đăng thông tin trên mạng xã hội cũng phải chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình đưa ra. Nếu thông tin được đưa ra không đúng sự thật, gây ảnh hưởng tới dư luận, vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ phải đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự.
Luật sư Hòe trích dẫn, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng (điểm a, khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP). Còn tại điểm g, khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP: “Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin” cũng quy định: Xử phạt từ 10 - 13 đến triệu đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Đồng quan điểm với luật sư Hòe, luật sư Trần Mai Hạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng nhận định, nếu người nào đăng tin vu khống nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể xử lý hình sự về tội "Vu khống" theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội có thể bị phạt từ 1-3 năm tù, thuộc các trường hợp cụ thể.

Đình Việt

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem