“Khô đét thiền sư” -70 tuổi mới… dậy thì

Đào Đức Tuấn Thứ ba, ngày 13/02/2018 06:22 AM (GMT+7)
Bão Con Voi vừa tan, ông Bình SVC ngắn gọn: “Nhà không sao nhưng cây vườn gãy đổ tùm lum. Giờ, đang thuê người dọn dẹp để khởi nghiệp”. A, ông này đâu nghèo mà khởi nghiệp ở… xuân 70?
Bình luận 0

Tên đầy đủ của ông Bình SVC là Phạm Hồng Bình, 70 tuổi, hiện sống tại TP.Tuy Hòa, Phú Yên.

“Khô đét” đình đám

Ở Nam Trung Bộ, ông Bình SVC được nhiều người biết với hàng loạt kỷ lục “Tác phẩm lớn nhất bằng vỏ gáo dừa”, được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam công nhận. Đó là các công trình: Độc bình “Huyền sử đời Hùng” (cao 3,62m; năm 2005), Chiếc đèn bàn “Nguồn sáng Việt” (cao 6,2m; năm 2006), Con chim yến “Biển gọi” (dài 4,5 m; năm 2007, Con cá ngừ đại dương “Bò gù” (dài 6m; năm 2014),…

“Từ năm 2002, tui “nổi điên” thực hiện các tác phẩm kỷ lục “tổ bố” nhằm để quảng bá sản phẩm từ vỏ gáo dừa của Doanh nghiệp Mỹ nghệ Bình SVC. Muốn bán sản phẩm thì phải tìm cách gì đó “la làng”, thu hút sự chú ý của thiên hạ. Ngặt nỗi ngày đó, trong tay không có cắc bạc nào, tui vẫn liều mình vừa làm vừa kêu gọi anh em doanh nghiệp hỗ trợ. May, tạo sự kiện quảng bá xong, các tác phẩm kỷ lục đều có người mua. Tui trích một phần tiền sau lợi nhuận để góp vào các quỹ từ thiện xã hội” - ông Bình nói.

img

 Ông Bình SVC trong xưởng chế tác mỹ nghệ. ảnh: ĐĐT

Ông Đinh Văn Hùng (bạn ông Bình) cho hay, với tính cách năng động, không thích gò bó, ông Bình đã sớm xin nghỉ Nhà nước, ra làm tư nhân. Bôn ba đủ nghề, đến lúc 50 tuổi thì ông lập doanh nghiệp, thu hút hàng trăm lao động. Với các mặt hàng mỹ nghệ dừa bán khắp nơi trong và ngoài nước. “Cái lạ là ông SVC này trông ốm nhách, đủ loại bệnh trong người nhưng sức làm việc rất ghê. Đặc biệt, ông “Khô đét thiền sư” còn vô cùng táo bạo, làm những chuyện ít ai dám nghĩ. Ví như, từ năm 2011, ông đã dùng composite đắt đỏ để tổ chức thi công, hạ thủy du thuyền Lạc Hồng. Mãi sau này, vật liệu composite mới bắt đầu ứng dụng nhiều để làm tàu cá cho ngư dân” - ông Hùng tâm đắc. Chiếc du thuyền Lạc Hồng (dài 25m, rộng 5m, cao 6,5m; gồm 3 tầng có sức chứa khoảng 120 người) hiện neo ở cửa sông Đà Rằng (hạ lưu sông Ba, Tuy Hòa). Nơi đây cũng là địa chỉ thường trực của Đội cứu hộ tư nhân Sông Ba, do ông Bình đứng ra thành lập, điều hành. Bà Ngô Hoàng Lan, vợ ông Bình, thì cười: “Ui, tánh ổng muốn gì là làm cho kỳ được…”.    

Khởi sự cỏ cây

Nghệ nhân Phạm Hồng Bình là một người quyết đoán trong kinh doanh. Sản phẩm từ vỏ gáo dừa của doanh nghiệp này rất độc đáo, góp phần thúc đẩy ngành mỹ nghệ Nam Trung Bộ. Trong ngành sinh vật cảnh, ông là nghệ nhân có tay nghề rất quý .
KTS Nguyễn Trọng Cường - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên

Ngoài biệt danh SVC, ông Bình còn được nhiều người gọi đùa là “Khô đét thiền sư”, bởi vóc dáng “đại da”. Ông Bình cho biết: “Qua tuổi 50, tui nhận ra mình thiếu một điều: sức khỏe. Tui đã trải qua nhiều đận phải vào viện mổ gan, cắt mật, dạ dày,… Tiếp đến là bệnh viêm xương khớp cột sống, phải nằm một chỗ dài ngày, mọi sinh hoạt đều có người hỗ trợ. Tui cay đắng quá, tâm niệm muốn bớt bệnh thì phải đặt ra “kỷ luật thép” luyện tập thể dục. Hai mươi năm qua, sáng sớm nào tôi cũng đi bộ từ chậm đến nhanh, kéo xà đơn, tập tạ, yoga,… Khối lượng tập bài bản theo tuổi tác nhưng tần suất phải nâng dần để tăng độ dẻo dai. Nhờ dzậy mà thấy cũng… có da, có xương!”.

“Cuộc đời nhiều bất ngờ nên khó thể nói trước mình sống được bao lâu. Lạ một điều là ở tuổi 70, tôi vẫn luôn thấy mình như… mới dậy thì. Hầu hết thử thách và thăng trầm đời người, tui đã nếm. Thế nên phải vui vẻ, tùy thuận với mọi hoàn cảnh. Mình kiên trì tập sống hòa hợp thì thấy mọi chuyện nhẹ nhàng, sức khỏe tinh thần tốt lên mỗi ngày” - ông Bình mở lòng.

Mấy năm qua, nhiều ngư dân ở cửa Đà Rằng đã bất ngờ khi thấy một ông già 70 mà “tả xung, hữu đột” trong nước lũ. Ấy là những đận lũ sông Ba đổ về nguy cấp, ông Bình đã lao xuống dòng nước để chèn chống du thuyền Lạc Hồng, hỗ trợ tàu bạn. Trong gió mưa bão bùng, chòm xóm gặp bất trắc là ông mau chóng có mặt. Nhiều người nói “ông già liều”. Ông Bình chỉ cười: “Tui vốn tánh… phản ứng nhanh mà! Cũng tự biết lượng sức chớ, không sao cả…”. 

Vào thất thập, ông Bình giao hết chuyện kinh doanh cho con cái, chuyên tâm sống với hoa-lá-cỏ-cây. Rồi ông lên Facebook tỉ mẩn lập trang giới thiệu hoa viên, với những chậu cây, hoa lạ mắt. “Vui. Vừa dọn sửa vườn tược, mua hàng đống chậu về “dô” cây, vừa lên mạng gõ “chóc chách” để bán hàng… chơi. Cuộc chơi” của ông làm nhiều chuyện “trời ơi” mà độc sầu!”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem