Kỹ năng lao động sẽ quyết định sự phát triển của đất nước

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 16/11/2019 13:48 PM (GMT+7)
Tại diễn đàn nhiều chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng. Đây là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bình luận 0

Sáng 16/11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. Đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham gia, chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Đức Đam, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban kinh tế Trung ương.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong việc nâng tầm kỹ năng lao động Việt, qua đó góp phần xây dựng phát triển đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Nâng cao kỹ năng nghề là vấn đề toàn cầu, nhất là với các quốc gia đang phát triển có trình độ tay nghề thấp như Việt Nam. Kinh nghiệm đúc rút cho thấy, khi nhiều điều kiện khác không thay đổi thì tay nghề lao động sẽ góp phần quyết định sự phát triển của đất nước”.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan triển lãm kỹ năng nghề trong khuôn khổ sự kiện. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mặc dù thứ hạng giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đã tăng 13 bậc (hiện xếp thứ 102 trên thế giới), nhưng đây chưa phải là thứ hạng cao, Việt Nam cần phải nỗ lực để được xếp vào top 50 quốc gia có nền giáo dục nghề nghiệp tốt nhất.

Muốn vậy, Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần làm tốt 3 công việc. Đầu tiên chính là xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp thông qua việc huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo. Thứ hai là nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục, trường nghề, theo đó, để giáo dục nghề nghiệp tốt, các đơn vị cần có tư duy mới trong đào tạo. Thứ ba là Chính phủ có cơ chế ưu đãi thích hợp với doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này và đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cần phải xây dựng được những mô hình giáo dục nghề nghiệp tiên tiến, bắt kịp chuẩn đào tạo nghề nghiệp của quốc tế, từ đó nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề cho lao động, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Trước đó, phát biểu trong phiên khai mạc, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, diễn đàn mang thông điệp “Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành với nhà trường tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tâm kỹ năng lao động Việt Nam”.

img

Tổng cục giáo dục nghề nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp. Ảnh: Mạnh Dũng 

Dẫn một nghiên cứu gần đây, ông Đào Ngọc Dung cho biết, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của cuộc cách mạng 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người. “Do đó, công việc của chúng ta phải thay đổi, nhất là ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí điện tử…”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Bà Valentinan Barcucci - Phó Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho rằng, ngoài việc xây dựng chiến lược con người nhằm nâng tầm kỹ năng tay nghề cho lao động Việt Nam, cần phải có sự tham chiếu cung - cầu lao động. Theo đó, cần phải xem kỹ năng lao động có và kỹ năng thị trường lao động cần. Chừng nào cung - cầu chưa gặp nhau, kỹ năng tay nghề lao động có cao cũng không có ý nghĩa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem