Lạ lùng dị nhân cụt tay, bốc thuốc làm thơ

Thứ tư, ngày 10/10/2012 11:53 AM (GMT+7)
Tai nạn bất ngờ cướp đi cả hai cánh tay nhưng người đàn ông với nghị lực phi thường đã trở thành nhà thơ và thầy lang bốc thuốc giúp người nghèo.
Bình luận 0

Ngày định mệnh

Ông Trần Đức Mô sinh năm 1945 ở xóm 2 xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam là một minh chứng cho điều này. Mặc dù bị cụt hay tay nhưng ông vẫn có thể bốc thuốc làm được cả thơ, rồi chữa bệnh từ thiện.

img
Với suy nghĩ "tàn nhưng không phế", ông Mô có nghị lực phi thường vượt qua nhiều khó khăn

Ông Mô là người con trai thứ 3 sinh ra trong gia đình có đông anh em, hiếu học và giàu truyền thống cách mạng. Thuở thiếu thời, cậu bé Mô sớm đã bộc lộ rõ sự khéo léo, chăm chỉ, tính lanh lợi thông minh nổi trội trong đám bạn làng.

Khi trưởng thành, theo tiếng gọi của tổ quốc, ông gia nhập vào hàng ngũ quân đội chiến đấu và lập được nhiều chiến công hiển hách. Đến năm 1970, ông xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình với bà Trần Thị Nguyệt.

Năm 1973, ông theo học tại trường Trung Cấp xây dựng Nam Định, ở đó được 4 năm nhờ học giỏi nên khi ra trường, ông được giữ lại làm giảng viên, trước khi chuyển công tác về công ty thực phẩm quê nhà.

Ông sinh được 3 người con, 2 trai và 1 gái. Tổ ấm gia đình ngày nào cũng đầy ắp tiếng cười cho đến một ngày định mệnh. Ngày 7.4.1985, trong một lần giúp người bạn thân chí cốt cất lại ngôi nhà, không may ông bị điện giật nên phải cắt cụt cả 2 cánh tay.

“Bình thường tôi làm việc rất cẩn trọng, khó để rơi vật gì, dù chỉ là một viên gạch nhỏ. Hôm đó, đứa con út bị ốm mà phải ở nhà một mình nên mải nghĩ đến nó mà không chú ý công việc đang làm. Lúc tiếp xúc gần điện cao thế tôi đã bị hút sống đi mất hai cánh tay. May sao mà chưa lao xuống thùng vôi nóng đang sôi sùng sục, không đã thiệt mạng”- Ông nhớ lại.

Khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trong bệnh viện từ bao giờ. Đôi mắt lờ đờ khẽ nhìn xuống đôi cánh tay bị cháy sém, lòng ông không khỏi bàng hoàng xót xa. Lúc ấy, ông chỉ muốn chết quách đi cho rảnh nợ, bởi không muốn là gánh nặng cho vợ, con. Ở viện 1 - Nam Định được 16 ngày, hai cánh tay của ông dần bị thối rữa. Thấy tình hình nguy nan, các bác sĩ cho ông chuyển lên viện 103 để điều trị. Và để bảo toàn tính mạng, các bác sĩ buộc phải cắt một phần 2 cánh tay bị hoại tử.

Xuất viện trở về nhà, ông trở nên trầm cảm, ít tiếp xúc với mọi người. Vết thương ngày đêm tấy phát, sưng phù đau buốt khiến ông nhiều lần muốn buông xuôi theo số phận. Nhiều năm ông chỉ nằm vật vờ, ngao ngán và thở dài.Thấy chồng buồn bã, bà Nguyệt cũng héo hon gầy guộc đi nhiều, kinh tế gia đình ngày một khó khăn, cạn kiệt. Căn nhà ở lúc đó để trú nắng trú mưa cũng đã phải rao bán cho người ta.

Ông Mô tâm sự, thấy vợ con như thế tôi có chết cũng không đành lòng. Nhà đã phải bán để trả nợ, cả nhà phải chuyển ra túp lều rách ở chân đê để ở. Sau nhiều đêm nằm nghĩ, nước mắt cay xè, rồi bản năng sống đã trỗi dậy, tôi thèm được sống và tự nhủ với lòng mình sẽ tàn nhưng không phế.

Sau suy nghĩ đó, ông an tâm dưỡng bệnh đến khi khỏi hẳn. Thời gian đầu rất khó khăn để ông tập làm việc cho đôi cánh tay cụt. Nhưng sau dần cũng quen dần, ông có thể tự mình dùng xẻng để đào đất trồng hoa màu, dùng hai cánh tay “tàn không phế”, bàn chân “kiên trì” để đập đá, ông lăn lưng làm lụng vất vả để xây dựng lên được căn nhà cấp bốn.

Ông lão cụt tay sáng tác thơ, bốc thuốc làm phúc cho đời

img
Không chỉ bốc thuốc giúp đỡ người nghèo, ông Mô còn là một nhà thơ, nhà văn được nhiều người yêu mến

Năm 1986, tình cờ ông đến với nghề “bốc thuốc” qua người em trai từ trong Miền Nam ra chơi biếu ông một bộ sách đông y. Có được bộ sách quý đó trên tay, đêm tối ông thức khuya nằm nghiền ngẫm, chắt lọc từng kiến thức hay, bắt đầu chuyên sâu hơn về những loại thảo dược tốt, điều trị cho bệnh nhân người nghèo.

Thời gian đầu ông chữa chủ yếu là dân địa phương, chủ yếu các loại bệnh như : Cảm cúm, hen xoang, kiết lỵ, ho lâu ngày tức ngực khó thở…Sau khi hiểu biết sâu rộng hơn, ông bắt đầu bào chế các loại thuốc khó hơn..dạ dày, viêm gan, thận…Nhiều trường hợp sau khi qua tay ông đều khỏi bệnh. Tiếng lành đồn xa, người dân tứ xứ đổ xô, đánh xe con về làng nhờ ông bắt bệnh. Đặc biệt, người nghèo đến chữa bệnh, ông không lấy tiền, có lấy cũng chỉ là tiền thuốc, thù lao ông giúp.

Ông tâm niệm rằng “ Làm thuốc mà nghèo thì không phải là người tài, kẻ làm thuốc tham lam vơ vét cho mau đầy túi mới là phường gian ác”.

Gần 30 năm gắn bó với nghề thuốc, ông Mô có rất nhiều kỷ niệm đẹp nhưng nhớ nhất lần một cụ bà gần 80 tuổi ở huyện Bình Lục đã không quản đường xá xa xôi đến nhờ ông chữa bệnh thấp khớp. Sau khi đã kê đơn, bốc thuốc xong, cụ bà đó cứ nằng nặc đòi ở nhà ông Mô và đòi theo học nghề, nói thế nào cũng không nghe. Chiều ý cụ, ông Mô đồng ý và cho cụ ở lại chơi với gia đình vài ngày, và báo lại với con cái của cụ đến đón về.

Không chỉ giỏi về nghề thuốc mà nhiều người phải nể phục, tấm tắc ca ngợi những tập thơ ông sáng tác. Trong đó có nhiều tập thơ, truyện ký của ông được xuất bản, đăng báo, như tác phẩm “ Tôi là công nhân” đạt giải nhất trong cuộc thi viết văn xuôi về đề tài công nhân do hội văn hóa nghệ thuật Hà Nam tổ chức năm 2000, truyện ngắn “ Bến lỡ” đạt giải khuyến khích cùng năm và một số tập thơ , truyện ngắn “Miền quê trăn trở” (2004). “ Dòng đời rong ruổi” (2008) “ Hương đất” (2009)… Hiện ông là hội viên hội văn học nghệ thuật Hà Nam.

img
Giải thưởng ông được Hội văn hóa nghệ thuật Hà Nam trao tặng

Giở những bài thơ của ông sáng tác ra đọc có lẽ tôi ấn tượng nhất câu thơ:

Tôi đào đất làm rung trái đất

Trái đất bền cứ vật tôi êm

Tôi lấy sức dấn thêm sức nữa

Trái đất giòn vỡ vụn tung lên…

Trong những vần thơ này của ông sáng tác chúng ta dễ cảm nhận được tình yêu quê hương, những trải nghiệm cuộc sống, công việc hòa quyện vào những vần thơ đầy lãng mạn.

Theo VOVGT
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem