Làm sao để trẻ vùng cao bình đẳng với trẻ đồng bằng, thành thị?

Lê San (thực hiện) Thứ năm, ngày 04/08/2016 06:39 AM (GMT+7)
Mặc dù đã có nhiều chương trình, chính sách quan tâm hỗ trợ nhưng đến nay, trẻ em ở vùng DTTS vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, chưa có nhiều cơ hội để phát triển. Làm sao để các em hưởng quyền lợi một cách bình đẳng với trẻ em đồng bằng, thành thị?
Bình luận 0

img

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ TBLĐXH)

Về điều này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ TBLĐXH) cho rằng, cần giải quyết được gốc rễ của vấn đề là đói nghèo và cơ chế hỗ trợ khu vực miền núi nói chung.

Có nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ông đánh giá thế nào về thực trạng chăm sóc trẻ em ở miền núi, vùng sâu, xa?

-Khẩu hiệu miền núi tiến kịp miền xuôi, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đã được nói từ 30 năm nay. Hô hào nhưng thực hiện ì ạch thì sẽ rất khó thành công, bởi gốc rễ của vấn đề vẫn là sự đói nghèo và hạn chế từ những văn bản quy định của pháp luật và chính sách hỗ trợ cho người DTTS nói chung, trong đó có trẻ em. Trong đó, các cơ quan xây dựng chính sách pháp luật cho người DTTS nói riêng đã làm được gì trong vấn đề này? Hay mới dừng lại ở hô hào là chính?

img

Trẻ em xã Trà Phong, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) bê gạch giúp cha mẹ xây nhà mới. ảnh: CÔNG XUÂN

Bản thân tôi từng tham gia triển khai dự án chăm sóc trẻ em tại 20 xã nghèo biên giới, tôi nhận thấy chỉ cần đầu tư 40 triệu đồng cho một xã nghèo sẽ có một điểm vui chơi giải trí cho các em, nhưng điều này vẫn chưa được quan tâm. Các vùng DTTS mà tôi đã đến như: Đăk Lăk, Lào Cai, một lớp mẫu giáo chỉ cần 5 triệu đồng để láng nền xi măng, để em bé khỏi dẫm lên bùn, địa phương có thể làm được nhưng lúc nào cũng kêu không có kinh phí... Thực tế cho thấy có sự không công bằng về cơ hội phát triển giữa trẻ em miền núi và thành thị. 30-40 năm nay, sự không công bằng đó vẫn chậm được cải thiện.

Vậy làm thế nào để trẻ em miền núi có nhiều cơ hội hơn?

  Theo báo cáo thường niên của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) về tình hình trẻ em thế giới 2016, Việt Nam hiện vẫn có tới 5,5 triệu trẻ em thuộc diện nghèo theo tiêu chí đánh giá đa chiều. Gần 1/4 trẻ em người Mông trong độ tuổi đến trường chưa từng đi học hoặc tham gia bất kỳ hình thức giáo dục chính quy nào.

-Chủ yếu vẫn là chính sách. Để giải quyết sự bất bình đẳng giữa trẻ em miền núi và thành thị, hiện đã có Luật Trẻ em (ký ngày 5.4.2016) 1 năm nữa sẽ có hiệu lực, trong đó có quyền tham gia và quyền vui chơi giải trí của trẻ em.

Theo tôi, có mấy việc cần làm. Thứ nhất, cần hướng dẫn chi tiết thực hiện các điều khoản của Luật Trẻ em và ưu tiên vùng DTTS, miền núi. Thứ hai, phải giải quyết được cái gốc của sự mất cân bằng giữa trẻ em miền núi và thành thị là đói nghèo và cơ sở hạ tầng. Thứ ba, đảm bảo công bằng về phát triển giữa trẻ em miền núi và miền xuôi.

Những dịp hè, tai nạn thương tích (TNTT) luôn là nỗi ám ảnh của các phụ huynh, ông có lời khuyên gì?

- Nhiều năm qua, hoạt động phòng TNTT cho trẻ em chưa nhận được sự đầu tư của Nhà nước. Từ năm 2013, chúng ta có Chương trình quốc gia về phòng chống TNTT trẻ em nhưng không có kinh phí mà tùy điều kiện của mỗi địa phương, nơi nào được lãnh đạo quan tâm và có kinh phí thì tự bỏ ra để thực hiện. Mặc dù số liệu về TNTT ở trẻ em, trong đó có tai nạn đuối nước đã  giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên chúng ta vẫn không thể chấp nhận con số hàng năm có hơn 2.000 trẻ bị cướp đi sinh mạng vì TNTT.

Do đó, theo tôi cần phải xây dựng các cuốn cẩm nang, tài liệu tuyên truyền phòng chống TNTT và đuối nước trẻ em, tăng cường hướng dẫn kỹ năng cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo là phải luôn có ý thức bảo vệ, để mắt tới con trẻ mọi lúc, mọi nơi.

Tiếp đó, phải tạo một môi trường an toàn từ trong gia đình, cộng đồng, trường học đến nơi vui chơi giải trí của trẻ. Ngay trong nhà mình, cần phát hiện, loại bỏ các yếu tố không an toàn, có nguy cơ gây TNTT cho trẻ để có một ngôi nhà an toàn cho trẻ vui chơi, sinh hoạt, tiếp đó là xây dựng một cộng đồng, trường học an toàn.

Xin cảm ơn ông! 

*  ”Sở đã chỉ đạo các Phòng GDĐT, đơn vị trực thuộc tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Phát huy tối đa vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục, phổ biến kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục học sinh trong dịp nghỉ hè. Sở GDĐT cũng đã hướng dẫn các trường, đơn vị tham mưu, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở địa phương tổ chức các sân chơi, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao… để thu hút học sinh, trẻ em tham gia”.

Ông Sầm Văn Du - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Kạn

*  ”Mùa hè của trẻ em địa phương chủ yếu là chăn trâu, làm nương, làm ruộng, thậm chí có em còn theo bố mẹ đi Trung Quốc làm thuê hay ở nhà mấy anh em tự trông nom lẫn nhau. Chúng tôi mong rằng, trẻ em nông thôn, miền núi sẽ được gia đình, xã hội quan tâm hơn nữa để các em không còn “đói, khát” các hoạt động vui chơi, giải trí!

Ông Nguyễn Văn Hoạt - Hiệu trưởng Trường THCS Thượng Hà, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai)

* “Ban thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập các đội hình chung của tỉnh và sẽ chi viện cho 19 xã với 30 thôn buôn để tăng cường, hướng dẫn các hoạt động dành cho thiếu nhi và đoàn trực thuộc như đoàn khối cơ quan, đoàn khối doanh nghiệp và lực lượng vũ trang. Trước mắt sẽ chọn những địa chỉ cụ thể  từ 2 - 3 xã và chú ý những buôn nếu có đơn vị kết nghĩa thì phải tăng cường các buổi sinh hoạt nhằm tập trung, thu hút thiếu nhi tham gia rộng rãi.

Anh Y Nhuân Bya - Bí thư Tỉnh đoàn Đăk Lăk

Nhóm P.V (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem