Lạng Sơn: "Đuổi" tiểu thương khỏi chợ lấy chỗ làm trụ sở trạm Kiểm soát liên hợp?

Tuấn Minh Thứ sáu, ngày 30/08/2019 09:59 AM (GMT+7)
Người dân ở khu trung tâm xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) bức xúc vì có chợ mà không được vào bán hàng. Mặc người dân đang kinh doanh dần có hiệu quả, chính quyền đã yêu cầu người dân dọn ra ngoài, tiến hành cưỡng chế để thu hồi khu chợ làm trụ sở làm việc cho các cơ quan nhà nước.
Bình luận 0

Theo người dân cho biết: Chợ này xây xong khoảng năm 1997. Tuy nhiên, thời điểm đó, chợ chỉ là địa điểm thường diễn ra các lễ hội để người dân vui hội, bán hàng chơi xuân vào các ngày Tết. Ngày đó hội diễn ra đông vui vì có người dân Trung Quốc phía bên kia biên giới qua giao lưu, hàng hóa thì thông thương. Về sau khu chợ này dần dần vắng bóng người. Đến khoảng năm 2001 - 2002, do người dân có nhu cầu buôn bán nhiều hơn nên đã dọn hàng vào chợ bày bán, phục vụ việc mua sắm của bà con quanh vùng. 

img

Khu chợ giờ đây chính là Trạm kiểm soát liên hợp Co Sâu

“Nhà tôi cũng vào bán hàng tạp hóa tại 1 ô quầy trong chợ. Tôi có đóng đầy đủ thuế theo quy định nhưng không hiểu sao năm 2011, tôi cùng nhiều hộ kinh doanh trong khu chợ nhận được giấy báo thu hồi khu chợ và chính quyền yêu cầu chúng tôi phải dọn hết ra ngoài. Năm 2012 Hải quan vào và sửa sang lại khu chợ để làm địa điểm làm việc.

Ở khu vực biên giới này, cách trung tâm huyện gần 30km nên người dân chúng tôi cũng có mong muốn giữ lại chợ để nơi này thành nơi giao lưu buôn bán của cả các xã lân cận. Có chợ, có buôn bán thì mới đông dân, mới có kinh doanh buôn bán các mặt hàng, phát triển các dịch vụ để người dân không phải vất vả di chuyển xa xôi ra thị trấn huyện để mua bán, sắm sửa máy móc, đồ dùng… Người dân chúng tôi cũng có mong muốn được bán hàng tiếp trong chợ nhưng chính quyền yêu cầu thu dọn nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế nên dân chúng tôi lúc đó cũng rất bức xúc nhưng bất lực,” chị Lý Thị Hiền (xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc) cho biết.

img

3 năm trở lại đây, không còn hàng hóa qua cửa khẩu này vì vậy nơi đây trở nên vắng vẻ. Tòa nhà của Trạm kiểm soát liên hợp này cũng lặng như tờ.

Chi Hiền cho biết thêm: Hiện tại người dân chúng tôi phải buôn bán lẻ tẻ dọc đường, nhà nào có nông sản gì bán thì phải ngồi bán dọc đường hoặc chở bán rong. Điều này làm tăng khả năng mất an toàn giao thông. “Giờ trong này thành nghèo hơn ngày xưa”, chị Hiền buồn bã nói.

Nhiều người dân khác cho biết: Khu này cũng đông dân nhưng không có chợ, không có điểm trao đổi buôn bán cố định. Muốn sắm sửa máy móc hoặc những vật dụng có giá trị là phải ra ngoài thành phố nên rất vất vả và tốn thêm chi phí vận chuyển. Trong khi nhiều hộ dân kinh doanh trong chợ đang dần ổn định thì chính quyền lại cưỡng chế và yêu cầu người dân dọn khỏi chợ để lấy địa điểm làm nơi làm việc của Trạm Kiểm soát liên hợp. Thời điểm đó, các hộ kinh doanh đã mở quầy bán phở, tạp hóa, thịt, rau quả… nên khu chợ cũng khá đông vui.

img

Tòa nhà xây dựng cũng đã lâu, qua thời gian cũng dần xưa cũ, xuống cấp.

Được biết, chợ này trước đây được xây dựng là cụm chợ thuộc Chương trình 135 kinh phí từ ngân sách Trung ương. Sau khi Trạm kiểm soát liên hợp Co Sâu đến sử dụng thì mới xây kín lại và phân thành từng phòng với các chức năng khác nhau. Khu chợ này là khu trung tâm của 3 xã Cao Lâu, Xuất Lễ (huyện Cao Lộc) và xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình).

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Điều, Chủ tịch UBND xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc cho biết: Khu nhà này được gọi là khu chợ Ba Sơn đã được xây dựng từ rất lâu với kết cấu gồm mái che và chia thành có ô quầy để người dân họp chợ. Sau khi xây dựng xong thì có tiến hành họp chợ nhưng không thành nên từ đó chợ này bỏ không. Nhiều hộ dân thấy vậy đã quây thành gian vừa để ở, vừa bán hàng như bán nước, xưởng mộc, bán phở… trong chợ.

img

Ông Hoàng Văn Điều, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Cao Lâu cho biết chợ hoạt động nhưng không hiệu quả vì nhu cầu họp chợ của người dân là rất ít.

Sau đó, khoảng năm 2013 - 2014, do hàng hóa xuất khẩu qua Trung Quốc đi qua cửa khẩu Co Sâu nhiều lên nên lực lượng Hải quan và các cơ quan chức năng phải tăng cường về đây nhưng thời điểm đó không có trụ sở làm việc. Sau đó chính quyền có vận động người dân di dời khỏi chợ để sửa sang lại địa điểm này thành cơ quan làm việc thực hiện nhiệm vụ với tên gọi là Trạm kiểm soát liên hợp Co Sâu.

Theo ông Điều, việc này đã có quyết định, chỉ đạo của UBND tỉnh. Các cơ quan này thực thi nhiệm vụ thu ngân sách cho tỉnh tuy nhiên lại không có trụ sở làm việc. Trong khi đó, người dân kinh doanh trong chợ cũng là tự ý vào bán, không có thuê địa điểm nên đã tiến hành thu hồi khu nhà này.

Việc Trạm kiểm soát liên hợp Co Sâu làm việc ở đây không phải là họ thuê địa điểm mà chỉ là chuyển mục đích sử dụng khu nhà theo chỉ đạo của tỉnh. Việc họ sửa sang lại khu nhà làm trụ sở làm việc chỉ là tạm thời. Hiện giờ tòa nhà Hải quan (trụ sở mới) đã xây dựng xong và đang dần hoàn tất các khâu cuối cùng, dự kiến tới này họ cũng sẽ chuyển qua cơ quan mới. Gần 3 năm trở lại đây, cửa khẩu cũng dần vắng lặng, không có hàng qua lại nên nơi này không còn nhộn nhịp và đông đúc như trước kia.

img

Công trình này đang dần xuống cấp chính quyền xã thì đang loay hoay với các phương án sử dụng sao có hiệu quả khu nhà ngay sau khi Trạm kiểm soát liên hợp chuyển đi.

Ông Điều cho biết thêm, nhu cầu trao đổi buôn bán của người dân trong vùng rất ít. Những nông sản, vật nuôi người dân chỉ mang bán khi gia đình sử dụng không hết hoặc khi cần một khoản tiền. 

“Thực tế cũng rất khó vì có người thì muốn vào chợ bán, nhưng có người cho họ cũng không chịu vào. Vì tâm lý bán hàng gần đường thì sẽ đắt khách hơn, bán xong sớm hơn nên hầu như ai cũng muốn ngồi ngoài rìa đường. Như hiện nay, mớ rau, cân thịt, con cá... tất cả đều được chở đến bán tận nhà nên nhu cầu người dân ra mua bán tại chợ rất ít. Cùng với đó tại các thôn bản thì cũng rải rác nhiều hộ gia đình có cửa hàng bán hàng tại nhà,” ông Điều nói.

Ông Điều cũng cho biết thêm, thời gian tới chính quyền xã dự kiến sẽ cải tạo nơi này thành 1 điểm chợ sau đó sẽ dựa trên những cơ chế cụ thể nào đó để thu hút các cá nhân, gia đình vào bán hàng. Việc này hiện cũng chỉ là phương án, còn tính khả thi thì phụ thuộc lớn vào như cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa của bà con.

Khoảng năm 1998 nơi đây hình thành cặp chợ biên giới và phía đối diện cũng là khu chợ của người dân nước láng giềng. Tuy nhiên, sau đó vài năm nhu cầu giao thương giữa 2 bên ít dần rồi cũng từ đó phía bên kia bỏ, chợ bên Việt Nam cũng bỏ từ đó. Do đó chính quyền địa phương cho rằng nhu cầu của người dân rất ít nên việc mở chợ để trao đổi buôn bán có hiệu quả và sầm uất là 1 vấn đề nan giải và cần nhiều thời gian.

Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem