Lũ chồng lũ, người dân kiệt quệ

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 09/12/2016 19:28 PM (GMT+7)
Ba trận lũ kinh hoàng 6 ngày qua đã tấn công dồn dập vào miền quê Bình Định. Lũ chồng lũ, người dân trở tay không kịp, những cái chết thương tâm, nhà ở đổ sập… cứ liên tục tiếp diễn, nỗi khắc khổ vì thiên tai, đang gieo rắc khắp vùng quê đất võ.
Bình luận 0

“Màn trời, chiếu đất”

Mưa lũ vẫn đang tiếp tục nhấn chìm vùng quê Bình Định, ngày 9.12, bà Lưu Thị Phúc (58 tuổi, trú xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) cố lượm nhặt những gì còn sót lại trong căn nhà vụn nát của mình khi lũ ghé qua. Nước lũ dâng cao kèm thêm cơn gió lớn, cứ thổi xốc liên hồi khiến ngôi nhà là nơi che nắng che mưa gần 20 năm của bà Phúc đổ sập trong chớp mắt.

img

Nhà bà Lưu Thị Phúc (58 tuổi, trú xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) đổ sập khi mưa lũ ghé qua. 

Bà Phúc buồn rầu nói: “Thường ngày, tôi làm nông với 1 sào ruộng, lúc rảnh rỗi ai gọi gì thì làm nấy. Mưa lũ đi qua, gió lớn đã thổi bay căn nhà, 9 ngày qua tôi cùng mẹ phải nương nhờ nhà người khác. Thứ quý giá nhất là bàn thờ tổ tiên cũng bị đổ sập chôn vùi trong đống gạch vụn vỡ”.

Cùng chung nỗi niềm, tối ngày 3.12, ngôi nhà cấp bốn của ông Nguyễn Thanh Xuân và bà Võ Thị Bích Dung (thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) cũng bị sập chỉ trong chớp mắt.

“Vợ chồng tôi vừa đưa người cha già 87 tuổi sang nhà hàng xóm tá túc, quay về thì nhà mình đổ ầm ầm. May ba đứa con trong nhà cũng chạy ra kịp nên không thương vong, nhưng đồ đạc, tài sản trong nhà bị ướt, hư hỏng hết. Giờ cả gia đình chia nhau sang nhà hàng xóm. Vợ chồng đều đau bệnh, cha già yếu, con nhỏ nên chưa biết làm thế nào để dựng lại nhà cả, thiếu thốn đủ bề”- bà Dung trải lòng.

Cuộc sống kiệt quệ

Di chuyển bằng xe ben qua dòng lũ chảy xiết, chúng tôi đến thăm nhà ông Ngô Văn Dư (SN 1963, thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận) khi trời mưa nhá nhem tối, cơn mưa vẫn chưa dứt. Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ với đôi bàn tay chai sạm chưa hết nỗi bàng hoàng. Vợ mất cách đây 12 năm vì bệnh tim, một mình ông sống cảnh gà trống nuôi con, căn nhà xây dựng chưa kịp tô xi măng, lởm chởm gạch đá… đã đổ sập khi mưa lũ kéo về.

img

Nhà sập, ông Ngô Văn Dư (SN 1963, thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận) sống cảnh màn trời chiếu đất. 

“Đêm tối trong ngày đầu tháng 12, tôi cùng con gái đang ngủ trong nhà thì nhà bỗng rung chuyển, đổ sập. Hai cha con thoát chết, đêm ấy phải mặc áo mưa co ro cả đêm ngoài trời, không tài nào chợp mắt được. Chỉ thấy thương cho con nhỏ, nhà nghèo lại gặp cảnh như thế này quá khổ”- ông Dư chia sẻ.

Vợ mất, ông Dư kiếm sống bằng nghề thợ hồ để nuôi 4 con gái ăn học. Ba đứa con đầu ăn học nên người, có đứa lập gia đình chỉ còn đứa con út là em  Ngô Thị Mỹ Nữ (đang học lớp 9) là khiến ông lo lắng nhất.

img

Ông Ngô Văn Dư đang dọn dẹp lại bàn thờ ông bà khi mưa lũ gây sập nhà.

“Hai bố con phải trải chiếu để ngủ sau mép nhà đổ nát, bàn thờ bị gạch đá rớt xuống, đè lên. Nhiều ngày nay hai bố con cứ sống vậy, đợi mưa lũ qua đi đã chứ con không biết làm sao hết. Đường học con sợ đứt quãng”- giọng rè rè, em Nữ nói trong tiếng khóc.

Ông Trương Đình Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: “Xã có 8 thôn thì 6 thôn đang bị lũ chia cắt, cô lập hoàn toàn. Chưa bao giờ gặp cảnh phải chống chọi với 3 cơn lũ chỉ trong 30 ngày với mức ngập nặng tương tự nhau như vậy. Tài sản, nhà cửa, vườn tược, lúa giống của nông dân bị hư hỏng, còn đìa nuôi tôm cá bị trôi mất. Chính quyền rất lo sau lũ dân sẽ đói nặng, vì cứ hứng lũ mãi thế này, sức dân có khỏe đến đâu cũng kiệt quệ”.

img

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi ca nô để kiểm tra mưa lũ tại Bình Định. 

img

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi động viên người dân Bình Định vượt qua mưa lũ.

Không để dân bị đói!

Ngày 9.12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các Bộ, ngành Trung ương trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nhiều gia đình có những mất mác do mưa lũ gây ra tại Bình Định.

Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành ứng phó và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra của tỉnh Bình Định. Đồng thời, chia sẻ những thiệt hại mà chính quyền và nhân dân trong phải đang gánh chịu và yêu cầu tỉnh cần phải phải phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả mưa lũ. Trước mắt tăng cường kiểm tra, rà soát công tác cứu trợ, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do lũ lụt gây ra, không để dân bị đói. Đối với các hộ gia đình có người bị chết, bị thương, hộ có nhà bị sập…tỉnh phải tổ chức thăm hỏi, động viên và trích ngân sách hỗ trợ, vận động nhân dân hỗ trợ thêm vật liệu, công lao động để xây nhà ở cho bà con bị thiệt hại. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem