Máu đào tô thắm dòng sông

Ngọc Vũ Thứ bảy, ngày 20/09/2014 14:03 PM (GMT+7)
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Từ dòng sông lịch sử đó nhìn về bờ bắc có một tượng đài mang trên mình 20 giọt máu đào và tên của 19 liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị tháng 4.1972.
Bình luận 0

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của ông Lê Văn Thành (64 tuổi), nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Triệu Thượng (Triệu Phong, Quảng Trị). Chính ông là người chỉ đạo bà con thôn Thượng Phước, Nhan Biều (Triệu Thượng) kiên quyết đấu tranh với Mỹ ngụy đòi được chôn cất thi thể 19 liệt sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca. Sau chén nước chè đậm đặc, người thương binh 2/4 này ngược dòng lịch sử trở về những ngày chứng kiến trận đánh bi hùng của Trung đội Mai Quốc Ca.

Ông Thành cho biết, Trung đội Mai Quốc Ca thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, do Trung đội trưởng, thượng sĩ Mai Quốc Ca chỉ huy. Trong chiến dịch tiến công bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, trung đội được giao nhiệm vụ vận chuyển 1 tạ thuốc nổ TNT vào để phá sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn) nhằm ngăn chặn sự tiếp tế của địch từ thị xã Quảng Trị lên căn cứ Ái Tử, chặn đường rút lui của địch; đồng thời tạo điều kiện để các cánh quân của ta mai phục sẵn ở hai bờ sông Thạch Hãn và các vùng phụ cận tiêu diệt tập đoàn quân sự mạnh nhất của địch đang án ngữ ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang lúc bấy giờ.

“Khi nhận tin Trung đội Mai Quốc Ca tiến vào để đánh sập cầu Quảng Trị, lúc đó tôi là xã đội trưởng xã Triệu Thương trực tiếp dẫn 20 đồng chí trong trung đội đến gần sát chân cầu Thạch Hãn thì được lệnh rút về căn cứ, còn các chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca bắt đầu gài bom phá cầu” – ông Thành nhớ lại.

Mọi kế hoạch đã được lập sẵn, nhưng không ngờ địch đã biết và tăng cường 3 tiểu đoàn dù, thủy quân lục chiến, có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ về bảo vệ cầu từ chiều hôm trước. Vậy là 4 giờ sáng ngày 10.4.1972 khi tiến sát chân cầu, Trung đội Mai Quốc Ca bị địch phát hiện. 20 chiến sĩ đã thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng. Từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa ngày 10.4, 20 chiến sĩ Mai Quốc Ca tiêu diệt được 120 lính ngụy và 2 cố vấn Mỹ, bắn cháy nhiều xe tăng, xe bọc thép. Sau đó 19 người hy sinh, chỉ còn ông Vũ Quang Thành người huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bị thương, sa vào tay địch.

Bồng con đi đòi liệt sĩ

Theo lời kể của ông Thành, sau khi dứt tiếng súng, địch bắt đầu thu gom thi thể 19 chiến sĩ Mai Quốc Ca phơi trên Quốc lộ 1A nhằm phô trương chiến thắng. “Chúng vừa mang xác các anh lên đường sắp thành hàng dài trên Quốc lộ 1 phơi nắng vừa đe dọa “ai dám theo Việt cộng sẽ chết không toàn mạng”. Vậy nhưng bà con không hề nao núng, sợ hãi mà lòng căm thù còn dâng lên gấp bội” – ông Thành nhớ lại.

Ông Thành kể, lúc nhìn các chiến sĩ bị địch vây ráp, xả đạn bắn giết tàn nhẫn, anh em du kích, cán bộ cách mạng nằm vùng ai cũng đau xót nhưng vì nhiệm vụ không thể ra tiếp ứng, phải cố cầm lòng. Khi biết địch dự định sau khi phơi xác để thị uy thì sẽ cho xe ủi lấp chôn chung 19 chiến sĩ dưới một hố bom ở La Vang thì anh em không thể cầm lòng, ông Thành cùng các đồng chí trong xã đội, Đảng uỷ xã đã chỉ đạo nhân dân xã Triệu Thượng đấu tranh giành giật thi thể của các anh hùng liệt sĩ với địch.

“Lúc đó hàng trăm bà con nhân dân hai thôn Nhan Biều và Thượng Phước trong đó đa số là các mẹ, các chị như bà Trần Thị Phượng, Phan Thị Huệ, Phan Thị Sam…, có những bà mẹ bồng con nhỏ đi đòi thi thể các chiến sĩ. Ban đầu bọn chúng căng lắm, hễ người dân nào ra đòi thi thể anh em, chúng đều quy là Việt cộng và bắt giam. Nhưng bà con ra đòi thi thể càng đông, chúng phải nhượng bộ cho đi chôn, dù vẫn đứng vây quanh quát tháo, thị uy” – ông Thành vén tay áo lau những giọt nước mắt trên gò má.

Bên dòng sông Thạch Hãn, ngay tại nơi các anh đã hy sinh hiện sừng sững một tượng đài Trung đội Mai Quốc Ca mang trên mình 20 giọt máu đào quyết tử vì Tổ quốc. Tên tuổi các anh được khắc ghi trên một tấm bia, cũng mang hình giọt máu.

Giờ đây, mảnh đất Triệu Thượng nơi các anh ngã xuống đã thay da đổi thịt. Từ cuộc sống đói khổ, cán bộ, nhân dân nơi đây đã nỗ lực cố gắng phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội, cuộc sống ấm no. Xã Triệu Thượng có hàng ngàn ha tràm, hàng trăm ha cao su tiểu điền đang cho khai thác mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Ông Thành phấn khởi cho biết, chỉ riêng thôn Thượng Phước đã có hơn 500ha rừng tràm, 100ha cao su, 30ha ngô… đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.

  Với tinh thần chiến đấu anh hùng bất khuất, năm 1973, Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện tại 19 ngôi mộ  của Trung đội Mai Quốc Ca được phân thành một khu riêng biệt. Các anh vĩnh viễn bên nhau tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong, Quảng Trị. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem