Mỗi sạp chợ An Đông giá bằng… một căn nhà mặt tiền thời năm 1990

Thuận Hải Thứ tư, ngày 20/09/2017 11:16 AM (GMT+7)
“Trong 10 ngày, nếu UBND TP.HCM không có biện pháp giải quyết cho những quyền lợi chính đáng của tiểu thương, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị”, đại diện nhóm tiểu thương chợ An Đông nói sau ngày bãi thị, phản ánh bức xúc lên lãnh đạo TP.HCM.
Bình luận 0

Sau khi được Ban tiếp công dân (VP UBND TPHCM) ghi nhận các phản ánh về những bất cập liên quan đến hoạt động quản lý chợ An Đông (quận 5, TP.HCM), sáng nay, 20.9,  các tiểu thương bắt đầu quay trở lại công việc kinh doanh, buôn bán.  

Một đại diện nhóm tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) chia sẻ, sau nhiều năm kiến nghị nhưng không có kết quả, sáng 19.9, nhóm tiểu thương đại diện cho hơn 2.500 sạp hàng tại khu chợ truyền thống này đã bãi thị để nêu quan điểm.

img

Hàng trăm tiểu thương chợ An Đông xếp hàng bãi thị sáng 19.9.

Sau đó, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 đã xuất hiện, ghi nhận ý kiến phản ánh của bà con, tuy nhiên, không đồng tình với việc “hứa hẹn sẽ giải quyết sau” của lãnh đạo địa phương, nhóm tiểu thương tiến về UBND TP.HCM, mong được lãnh đạo TP can thiệp giải quyết bức xúc.

Theo biên bản tiếp công dân do ông Nguyễn Trung Hiếu – Trưởng phòng Xử lý đơn, Ban Tiếp công dân TP (thuộc UBND TP.HCM) ký, đại diện các tiểu thương chợ An Đông đã đề nghị UBND quận 5 ban hành quyết định bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn, do chợ truyền thống là không được thu tiền thuê quầy sạp. Các tiểu thương cũng phản ánh việc chậm triển khai xây dựng, sửa chữa chợ để bà con ổn định kinh doanh, dù phương án sửa chữa đã có từ năm 2013.

Tiểu thương cũng yêu cầu UBND quận 5 công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương, vì nguồn gốc chợ truyền thống An Đông là do tiểu thương đóng góp xây dựng. Đồng thời, yêu cầu UBND quận 5 phải trả lại số tiền 217 tỉ đồng do tiểu thương An Đông đóng góp để sửa chữa từ năm 2013.

img

Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận tiếp tục hứa "ghi nhận và giải quyết sau" nhưng không được bà con đồng tình.

Trong Đơn kêu cứu gửi Ban Dân nguyện Quốc Hội và Ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội, các tiểu thương chợ An Đông cho biết, từ năm 1990, tiểu thương tại đây đã cùng đóng góp tiền xây chợ, với số vốn ban đầu khá lớn: 22 triệu đồng cho một quầy sạp diện tích 1,4x1,5m2. Số tiền này tương đương với 50 chỉ vàng và có thể mua được một căn nhà mặt tiền thời điểm năm 1990. Sau đó, tiểu thương được cấp một bản hợp đồng có nội dung “Chủ quyền sử dụng quầy sạp”.

Sau hơn 20 năm hoạt động, ý thức được việc chợ đã xuống cấp trầm trọng cần nâng cấp và sữa chữa, cùng với sự vận động của Ban Quản lý chợ, tháng 4.2013, đa số tiểu thương đã phải vay mượn để đóng góp số tiền 217 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp hạ tầng khu chợ.

Tuy nhiên, qua nhiều lần phát biểu, lãnh đạo UBND quận 5 cho rằng, số tiền này thu thông qua hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn và là tiền ngân sách nên đã nộp vào Kho bạc nhà nước. Khẳng định này khiến tiểu thương chợ An Đông phẫn nộ, bức xúc đến cao độ.

img

 ​​​​​Đơn kêu cứu của tiểu thương chợ An Đông.

“Bà con chúng tôi phải trả lãi ngân hàng từ tháng 4.2013 đến nay hơn 80 tỉ đồng trong khi số tiền 217 tỉ Ban Quản lý chợ thu về lại không sinh ra một đồng lãi nào. Chợ cũng không được sửa chữa, xuống cấp trầm trọng khiến doanh số tiểu thương giảm đến 70%, trong khi tiền thuế các tiểu thương đóng mỗi năm lên đến 62 tỉ đồng. Ngoài ra, số tiền chúng tôi đóng từ 2013 đến nay đã giảm giá trị rất nhiều do lạm phát”, đại diện nhóm tiểu thương tại chợ An Đông bức xúc.

Trước những bức xúc dâng cao của bà con tiểu thương chợ An Đông, chiều nay, UBND quận 5 sẽ có cuộc họp giải thích các vấn đề liên quan.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem