Ngư dân không quên lời hứa của thống đốc

Đào Tuấn Thứ tư, ngày 03/12/2014 08:12 AM (GMT+7)
Quốc hội sáng 2.6.2014. Trước đông đảo phóng viên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định chắc.
Bình luận 0

Bấy giờ, giàn khoan Hải Dương 981 như một cái gai vẫn cắm nhức nhối trên vùng lãnh hải Việt Nam.

3 tháng sau đó, khi Hải Dương 981 rút ra, hành trình thu nợ “mòn đường chết cỏ” của một ngân hàng ở Bình Định được một tờ báo kể lại sinh động như một lời cảnh báo về sự khó khăn trong việc tiếp cận vốn, như sau: “Có lần chúng tôi từ Quy Nhơn ra vùng biển Phù Mỹ, đi về tốn 26 lít xăng, trầy trật cả ngày nhưng thành quả chỉ vỏn vẹn 1 triệu tiền gốc”.

Đó là hành trình thu hồi nợ đối với một ngư dân vay của BIDV Bình Định 700 triệu đồng để đóng mới một con tàu 110CV, theo mô tả từ phía ngân hàng là “làm ăn gần 10 năm mà nợ nần chẳng thấy đả động gì”. Tàu thì biền biệt tận vùng biển cực nam. Mãi 16-17 năm sau, khi ngư dân này đã lên lão 70, tung tích con tàu mới lộ ra ở Rạch Giá. Và khi thu hồi, con tàu chỉ còn 1/3 giá trị vốn vay.

Đây chỉ là một trong những trường hợp được phía ngân hàng xếp vào diện rủi ro trong việc cho vay đóng tàu. Đây chỉ là một trong các chương trình, như vô số các chương trình đã được triển khai, chẳng hạn “đánh bắt xa bờ”; gói cho vay khắc phục hậu quả cơn bão Linda 1997. Và đây chỉ là một ví dụ cho những khó khăn cả trong việc cho vay cũng như thu hồi nợ với một trong những hoạt động mà như tại BIDV Bình Định: Cho vay 35 trường hợp (26,7 tỷ đồng), chỉ 2 trả được nợ gốc. 33 trường hợp buộc phải áp dụng phương án bán thu hồi vốn với giá trị còn lại rất thấp. Mất vốn. Hậu quả treo lơ lửng. Và hôm qua, nửa năm sau lời hứa của thống đốc, Đài truyền hình quốc gia cho biết vẫn chưa có bất cứ ngư dân nào tiếp cận được một xu từ gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân thì vô số. Chẳng hạn nói như “Phó đảo Lý Sơn” Phạm Thị Hương: Nghị định 67 chưa quy định rõ máy mới hay máy cũ. Trong khi suất đầu tư 1 cái máy mới 3-4 tỷ. Rồi yêu cầu ngư dân phải xây dựng được thiết kế, dự toán kinh tế kỹ thuật…

Nhưng nguyên nhân chính có lẽ vẫn là từ phía các ngân hàng. Cho dù sự “cẩn trọng” là có thể hiểu được: Không ai muốn cho vay một món gắn liền với hai chữ rủi ro.

Rủi ro đến từ những cơn bão khiến cho ngư dân ngay cả tính mạng còn khó giữ chứ đừng nói là con tàu.

Rủi ro đến từ những con tàu lạ, mà hễ gặp là đâm húc, là đốt phá, là bắt cóc đòi tiền chuộc khiến ngư dân tán gia bại sản.

Rủi ro ngay cả trước những cơn sốt giá xăng dầu.

Nhưng rủi ro đáng lẽ không thể là nguyên nhân khiến cho một gói tín dụng đến nửa năm chưa giải ngân nổi một xu, một trường hợp.

Bởi như thế, sẽ lại phải chờ đến lúc có thêm một chiếc... giàn khoan thì câu chuyện gói tín dụng đang bị gió thổi lơ lửng đâu đó trên trời mới lại được nhắc tới?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem