Người Hàn sợ ô nhiễm hơn cả tên lửa Triều Tiên

Danh Hùng (Tổng hợp) Thứ bảy, ngày 30/03/2019 06:55 AM (GMT+7)
Ô nhiễm không khí là vấn nạn ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển, Hàn Quốc là một trong những ví dụ điển hình về thực trạng ô nhiễm không khí đáng báo động.
Bình luận 0

Theo TS Ha Jiwon - người sáng lập Ecomom Hàn Quốc, một trong số những tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường nổi tiếng nhất nước này, siêu bụi đang là mối quan tâm số một của người dân Hàn Quốc. Một khảo sát toàn quốc vừa diễn ra năm ngoái còn cho thấy, người Hàn còn sợ ô nhiễm không khí hơn cả tên lửa của Triều Tiên.

Trên bản đồ vệ tinh chất lượng không khí của NASA, Hàn Quốc có màu đỏ chói, thể hiện đây là quốc gia đáng quan ngại bậc nhất về ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trong năm 2017, Hàn Quốc có tới 3 thành phố nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Hàn Quốc nằm trong nhóm nước có nhiều người dân mất sớm vì siêu bụi (cứ 100.000 người thì có 23 người). Tháng 1 vừa qua, khi nồng độ bụi mịn cao, chỉ trong vòng một tuần, người Hàn Quốc đổ xô đi mua khẩu trang và máy lọc không khí. Mỹ phẩm chống siêu bụi ở đây cũng bán chạy. Cứ mỗi khi bụi mịn trên 90µµg/m3 trong 2 tiếng đồng hồ liên tục, tin nhắn SMS sẽ được gửi về điện thoại của người dân, mang nghĩa “cảnh báo”. Còn nếu chỉ số trên 150µµg/m3, tin nhắn sẽ mang nghĩa “báo động”.

Nói về giải pháp đối phó với ô nhiễm không khí, chị Jeong Hae Min - Phó trưởng phòng Quy hoạch không khí sạch thuộc Bộ Môi trường nhấn mạnh: Hãy bắt đầu từ việc nghiên cứu nguyên nhân. Hàn Quốc đầu tư khá bài bản cho việc này. Họ có mạng lưới khoảng gần 300 các trạm quan trắc không khí có khả năng đo lường siêu bụi trên khắp cả nước, với chi phí đầu tư mỗi trạm khoảng 200.000 USD. Ngoài ra còn có các trạm quan trắc di động, các trạm quan trắc ở các khu công nghiệp, trên đường phố… Hầu hết các viện nghiên cứu và trường đại học công lập ở đây đều có nhóm nghiên cứu ô nhiễm không khí.

Không một nguyên nhân nào là Chính phủ Hàn Quốc không tìm cách giải quyết. Chính quyền Seoul đã dành hàng tỷ USD ngân sách và sẽ tăng thêm để chuyển đổi những phương tiện xây dựng đời cũ sang phương tiện và thiết bị đời mới, giảm phát thải.

Họ cũng thay toàn bộ xe buýt công cộng, xe buýt chở học sinh chạy xăng thành chạy điện hoặc xe thân thiện với môi trường. Họ miễn phí lắp đặt thiết bị lọc khí (biến HC, NOx, CO thành CO2, N2,

H2) cho các phương tiện trọng tải lớn như taxi, xe tải; hỗ trợ gần 20.000 USD cho mỗi người muốn đổi ôtô chạy xăng sang ôtô chạy điện; trả 80% giá thành chênh lệch giữa máy sưởi hiệu suất cao, phát thải thấp so với máy cũ nếu người dân muốn đổi. Seoul cũng lắp đặt gần 3.000 địa điểm sạc cho xe điện trên khắp thành phố.

Các chính sách dành cho khối công nghiệp thì vừa khuyến khích vừa kiểm soát, nổi bật là việc siết chặt dần định mức phát thải bụi mịn cho các ngành nghề gây ô nhiễm, đặc biệt như sản xuất gang, thép, xi măng, lọc hóa dầu. Các công ty này cũng được yêu cầu phải lắp thiết bị giám sát ô nhiễm và các thanh tra môi trường sẽ được tăng cường, điều động các thiết bị quan trắc di động đến kiểm tra đối chứng. Nếu vượt quá mức cho phép sẽ bị phạt hoặc buộc phải dừng hoạt động. Nhưng nhà nước cũng sẽ hỗ trợ họ cập nhật những công nghệ mới nhất trong việc giảm phát thải, đặc biệt là với doanh nghiệp SMEs bằng cách cho vay ưu đãi 5 triệu USD mỗi công ty.

TS Đỗ Mạnh Cường - Phó trưởng phòng Quản lý sức khoẻ môi trường và hoá chất, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế)
Khẩu trang thường không có tác dụng 
Khi không khí ô nhiễm, khói bụi, hầu hết người Việt khi ra đường đều có thói quen đeo khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định, những loại khẩu trang này không có tác dụng. Chỉ có khẩu trang N95 và một số khẩu trang đặc biệt khác với kết cấu màng siêu lọc mới ngăn được loại bụi mịn này thế nhưng khẩu trang N95 khá đắt và đeo vào hơi khó thở nên ít người sử dụng. 

Ông Mai Trọng Thái - Chi cục Trưởng chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội:
Hà Nội hiện có 10 trạm quan trắc
Để đánh giá chung chất lượng không khí thành phố cần khách quan trên cả tổng thể môi trường giao thông, môi trường đô thị…, và việc xác định chỉ số chất lượng AQI (không khí) bình quân hàng ngày phải dựa trên số liệu từ nhiều điểm quan trắc khác nhau.  
Hà Nội đã lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến) số liệu được cập nhật 24/24. Những dữ liệu về chất lượng không khí (AQI), nồng độ PM2.5, nồng độ PM10… đều liên tục cập nhật trên trang Cổng thông tin điện tử của thành phố và thường xuyên qua Đài Truyền hình Hà Nội, để người dân dễ dàng có thông tin về chất lượng không khí.

Thạc sĩ Đỗ Khắc Sơn - Giảng viên trường Đại học GTVT:
Nâng tiêu chuẩn để giảm ô nhiễm
Cần khuyến khích người dân sử dụng những phương tiện tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nâng tiêu chuẩn khí thải từ Euro 2 lên Euro 4 đối với phương tiện ôtô. 
Các giải pháp nâng chuẩn Euro 2 lên Euro 4 có mấy giải pháp. Thứ nhất, giải pháp về động cơ. Thứ hai là giải pháp về trung hòa khí xả .Giải pháp động cơ về tiết kiệm nhiên liệu hoặc sử dụng xe hybrid, động cơ điện tuy nhiên những xe này thì ở Việt Nam chưa phổ biến thì giải pháp thứ hai là lắp những bộ trung hòa khí xả. Bộ trung hòa khí xả nó sẽ làm giảm nồng độ của các chất phát thải ra môi trường và đạt chuẩn Euro 4 để bảo vệ môi trường tốt hơn".
Nguyễn Tố (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem