Người Khmer rời bỏ khu tái định cư

HOÀNG HẠNH Thứ bảy, ngày 05/12/2015 06:34 AM (GMT+7)
Nằm sát tuyến đê biển Tây, khu tái định cư (TĐC) Lung Ranh thuộc ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh (Cà Mau) từng được xem là nơi ở lý tưởng của hàng trăm hộ nghèo huyện U Minh. Thế nhưng gần 2 năm vào đây sinh sống, nhiều đồng bào Khmer đã không thể trụ lại...
Bình luận 0

Bỏ nhà đi tứ xứ tìm kế sinh nhai

Anh Trương Hoàng Minh (nhân viên an ninh khu vực) cho biết: “Cuối năm 2014, tôi và nhiều gia đình khác vào khu TĐC Lung Ranh nhận nền, xây nhà, với ước mong an cư lạc nghiệp. Ngoài việc được cấp nền, các hộ dân còn được hỗ trợ 20 triệu đồng. Lúc đầu ai cũng hào hứng, nhưng giờ thì có khoảng 30 trong tổng số hơn 80 hộ vào ở đã bỏ nhà đi, vì ở đây không có việc gì làm. Những hộ còn lại đa phần biết làm nghề biển như mò cua, bắt ốc dưới mé biển Tây”.

img

Nhiều hộ vào khu TĐC ở một thời gian ngắn đã phải bỏ nhà đi nơi khác mưu sinh. Ảnh: Hoàng Hạnh

Chỉ tay về khu vực chợ nhà lồng rộng 300m2 ở đầu khu TĐC Lung Ranh, bà Huỳnh Thị Ngoan cho biết, từ lúc xây xong tới giờ chợ chưa một lần hoạt động, vì dân ở đây nghèo đói thì lấy ai vào chợ nhà lồng mà mua bán. Trưởng ấp 1, bà Đặng Thu Thảo cho biết, khu TĐC chủ yếu dành cho đồng bào Khmer nghèo ở các xã Khánh Hòa, Khánh Hội, Khánh Thuận… vào sinh sống. “Lúc đầu cũng có một lớp dạy nghề đan lát, nhưng sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. Nếu có một chính sách riêng, ví dụ như Nhà nước cho vay tiền để bà con phát triển các nghề khai thác biển ven bờ, chắc chắn sẽ giữ được chân người nghèo ở lại” – bà Thảo nói.

Trường mới xây đã hỏng

Tháng 6.2012, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư khu tái định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư vàm kênh Lung Ranh thuộc huyện U Minh, với nguồn vốn ngân sách đầu tư gần 53 tỷ đồng, do Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư. 

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Hoàng Tương – Chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết: “Theo kế hoạch, khu TĐC sẽ bố chí cho 130 hộ, chủ yếu là người Khmer nghèo không có đất ở. Nhưng chưa chi dân đã bỏ đi, vấn đề này cũng đang làm đau đầu chính quyền sở tại”.

Ở khu TĐC Lung Ranh, nơi vui nhất là điểm trường tiểu học, với 4 phòng học và có 157 học sinh là con em của bà con Khmer nghèo trong và ngoài khu TĐC theo học. Thầy Phạm Hoàng Trạm (phụ trách điểm trường) cho biết: “Đầu năm học thầy và trò đều vui mừng vì có trường mới, nhưng vào học chưa được bao lâu, thầy trò đã phải tháo chạy ra sân khi trần ở một số phòng đổ sập xuống”.

Về việc nhiều hạng mục ở điểm trường Tiểu học Lung Ranh mới sử dụng đã hỏng, ông Lê Ngọc Tân – phụ trách phòng dự án 3 (Ban quản lý dự án công trình NNPTNT tỉnh Cà Mau) nói: “Trường nghiệm thu vào tháng 12.2014, hiện còn thời gian bảo hành nên khi có hạng mục hư hỏng thì nhà thầu có trách nhiệm sữa chữa. Hiện đã khắc phục xong, nhưng phải che kín vì sợ gió biển lùa vào gây hư hại”.

Về việc dân TĐC mới vào ở đã phải bỏ đi, ông Phạm Thanh Hải – Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn lý giải: “Ở các khu TĐC, ngành chức năng rất khó quản lý dân cư, nhất là đồng bào Khmer nghèo vì tập tính di dân tự do. Chúng tôi có mở lớp dạy nghề nhưng dân không chịu học”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem