Người mẹ 40 năm lặng lẽ chăm lo cho 9 con nuôi nên người

Văn Long Thứ hai, ngày 23/04/2018 07:05 AM (GMT+7)
40 năm cần mẫn chăm lo cho 9 người con nuôi cùng cảnh không cha không mẹ như mình, bà K’Hiếu (60 tuổi) ở thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà (Lâm Đồng) đã trải qua rất nhiều khó khăn, cực khổ, chạy gạo từng bữa để đến ngày hôm nay nhận được quả ngọt...
Bình luận 0

Sau nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi đã tìm được đến nhà bà mẹ nuôi 9 người con mồ côi trong tổ dân phố Xoan trong cái nắng nóng của vùng đất Tây Nguyên tháng 4, lúc bà đang làm cỏ trong mảnh vườn nhỏ. 

img

Bà K'Hiếu, người mẹ nhận nuôi 9 người con trong suốt 40 năm qua. (Ảnh: Văn Long)

Lau những giọt mồ hôi trên trán, bà Hiếu kể về cuộc đời mình. Không phải ai cũng biết, mới 7 tuổi, bà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. “Đó là năm 1966, tôi mất cả cha lẫn mẹ. Lúc đó ai cho gì ăn đó, chỉ cần no bụng thôi, ở mỗi nhà một thời gian. Chăn trâu, chăn bò, trông trẻ cho nhà người ta tôi làm tất”.

Nhớ lại quãng thời gian khốn khó ấy, bà Hiếu không cầm được nước mắt.

Cũng chính vì những thiếu thốn về vật chất và tình thương, bà Hiếu sau này luôn sẵn lòng cưu mang những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình. Cả tuổi thanh xuân, bà đã nhận những đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi ở bệnh viện, trung tâm y tế về nuôi. Từ năm 1978 đến nay, bà đã nhận tổng cộng 9 người con nuôi, trong đó có 6 con trai, 3 con gái.

Năm 1980, bà lập gia đình. Nhưng không may, chồng bà mất vì gặp tai nạn chỉ sau khi cưới vài tháng. Đau đớn hơn, đứa con bà đang mang trong bụng cũng mất do lao động quá sức.

Sau đó, bà may mắn gặp được người chồng thứ hai, ông K’Déo, người cũng đồng cảm với suy nghĩ của bà. Ông vừa là chỗ dựa tinh thần vừa là trụ cột kinh tế chính trong nhà. 

img

Bà K'Hiếu bên K'Niệm (18 tuổi), cậu con út bị bệnh. (Ảnh: Văn Long)

Một thời gian sau, người con đầu tiên bà nhận về nuôi (sinh năm 1972) đã mất do mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Chỉ còn lại 8 người con, trong đó có đến hai người bị tàn tật: Một bị khiếm thị (nay đã 48 tuổi) và người con út K’Niệm (18 tuổi) bị động kinh. Suốt 10 năm qua, bà đã đưa K’Niệm đến rất nhiều bệnh viện, tìm nhiều thầy thuốc để chữa trị, nhưng bệnh tình của cậu vẫn không thuyên giảm.

“Lúc đó là năm 2000, sau khi sinh, mẹ đẻ của K'Niệm đã bỏ cháu lại rồi đi mất. Tôi được bác sĩ ở Trung tâm y tế huyện Lâm Hà gọi đến nhận trẻ. Thấy đứa bẻ đỏ hỏn đang kêu khóc vì đói, thương quá lại nhớ lại cảnh mình hồi bé nên tôi lại lập tức nhận về nuôi dù nhà lúc đó cũng không có gì. Buồn nhất là khi được 13 tháng tuổi, mới thấy cháu có biểu hiện bất thường. Mang đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1 mới biết cháu bị bệnh”, bà Hiếu xót xa kể.

Vài năm trở lại đây, do gia cảnh quá khó khăn, không thể tiếp tục chữa trị cho K'Niệm, hàng ngày, bà phải cắn răng “nhốt” K'Niệm trong phòng để ngày ngày đi làm, đến bữa về chăm sóc, cơm nước cho con.

“Ở đây mọi người ai cũng khó khăn nên tôi và chồng phải tự xoay sở. Đói khát, cơm nước vẫn phải cố chịu để lo cho các con. Buồn nhất là con bị bệnh nhưng không có tiền mua thuốc. Tiền cơm gạo, sữa tôi phải quay ngang, quay dọc, nhiều khi nhà có con gà đang ấp cũng phải bán. Có lúc đổi bảy buồng chuối mới được một hộp sữa cho con. Giờ nghĩ lại thấy nổi da gà, không hiểu sao mình lại có thể làm như vậy được”, bà Hiếu bồi hồi nhớ lại quãng thời gian khó khăn nhất trong đời.

Đến giờ, khi phần lớn các con đã trưởng thành, người mà bà tự hào nhất là K’Lưu (23 tuổi). Cậu học hết cấp 3, lấy vợ và có nghề nghiệp ổn định. Những người còn lại cũng đã có gia đình, thường xuyên về thăm, chăm lo, giúp đỡ cho mẹ bớt khó khăn.

Bên trong ngôi nhà gỗ nhỏ, bà dành một góc để treo rất nhiều những tấm giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh và của cả T.Ư dành cho những nỗ lực, đóng góp của bà đối với cộng đồng. Nhưng có lẽ, phần thưởng lớn nhất cuộc đời bà là nhìn thấy những đứa con do mình chăm bẵm đã lớn khôn, trưởng thành, là những người có ích cho xã hội.

Ông K’Tỷ - Tổ trưởng tổ dân phố Xoan - nơi bà K'Hiếu sống, chia sẻ: Bà Hiếu là một người có tấm lòng nhân hậu, bao dung đến lạ kỳ. Biết và hiểu được tấm lòng của bà, bà con hàng xóm thường xuyên giúp đỡ cả tinh thần và vật chất, để bà ổn định cuộc sống, nuôi dạy người con tật nguyền còn lại.

“Trong chi hội phụ nữ của tổ dân phố, bà K’Hiếu là người rất nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ, chỉ dạy cho mọi người cách làm ăn, chuyển đổi cây trồng hiệu quả”, bà K’Huyền – Chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ dân phố Xoan cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem