Buồn lòng nhìn cảnh đặt bẫy săn gà rừng ngũ sắc, bán lấy tiền triệu

Phan Phương Chủ nhật, ngày 28/05/2017 10:00 AM (GMT+7)
Vì có giá trị, gà rừng ngũ sắc đang bị săn lùng ráo riết bằng nhiều cách trong đó có việc đặt bẫy, thậm chí dùng súng hơi. Phóng viên Dân Việt đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng này khi theo chân thợ săn gà rừng.
Bình luận 0

Sau nhiều lần nài nỉ, Lâm - một thợ săn gà rừng có thâm niên ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình mới đồng ý cho chúng tôi theo vào rừng Hoành Sơn để xem hắn bẫy gà rừng.

Địa điểm Lâm dẫn chúng tôi vào đặt bẫy bắt gà rừng ngũ sắc nằm ở dãy núi có hai hòn đá tựa lưng lại với nhau, cao chọc trời nên người xưa đặt tên là hòn Cóc Hờn, Cóc Giận. Theo lời Lâm, vùng núi này do khí hậu và địa hình khó khăn, hiểm trở nên người dân trong vùng hiếm khi chăm thả gia súc. Do đó khá thưa vắng người qua lại, gà rừng nhiều. Đây chính là nơi lý tưởng để đặt bẫy gà ngũ sắc.

img

Thợ săn đang trên đường vào rừng Hoành Sơn đặt bẫy săn gà ngũ sắc

Bật mí về "công nghệ" săn gà rừng, Lâm cho biết: Săn gà rừng có rất nhiều cách như đặt bẫy, thậm chí dùng súng hơi để bắn… Trong lần đi “săn” này, Lâm sử dụng bẫy đạp chế theo chân gà. 

“Đây là bẫy đạp chế theo chân gà. Nếu gà đi qua lối tra bẫy mà đạp trúng "chân gà" bằng tre này, bẫy sẽ bật và cột chân gà lại ngay tức thì. Tuy nhiên, muốn bẫy được gà rừng, nhất là loại gà ngũ sắc, người tra phải biết tính toán hướng bay của gà, thói quen của chúng và nhất là những nơi nhiều thức ăn ưa thích của chúng là loài mối. Muốn làm được như thế thì người săn gà phải dày dạn kinh nghiệm” - Lâm giải thích.

Quả thật, trận đồ “bát quái" để dụ gà rừng lần này được Lâm bài binh bố trận rất công phu. Cả một khoảnh rừng, đâu đâu cũng có những chiếc bẫy trá hình của Lâm. Theo kinh nghiệm của Lâm, khu rừng này hiện có một đàn gà rừng khá đông đang sinh sống. Lâm sẽ bắt từ từ cho bằng hết.

img

img

"Trận đồ bát quái" mà thợ săn đặt để bắt gà rừng ngũ sắc. (Ảnh: PV)

Đặt xong bẫy, Lâm dẫn chúng tôi ra bìa rừng ngồi chờ. Hơn 2 tiếng đồng trôi qua, Lâm mới dẫn chúng tôi quay trở lại. Dù đã biết trước, nhưng tim chúng tôi cũng se thắt lại khi từ xa đã thấy những đốm lông nhiều màu sắc cựa quậy. Lâm thì vui ra mặt khi tiến đến gần bẫy. Hôm nay, gã trúng mánh: Một mẻ gà rừng 3 con gồm 1 trống 2 mái đã mắc bẫy của Lâm. Những con gà tội nghiệp cứ giãy phành phạch, quang quác kêu. Chúng tôi nhìn cũng thấy xót lòng.

img

Một con gà rừng mái sập bẫy thợ săn. (Ảnh: P.V)

Trong 3 con gà rừng sập bẫy, Lâm nhanh chóng bỏ qua 2 con gà mái mà tiến lại chỗ con gà trống có bộ lông rất đẹp, thận trọng gỡ bẫy để không làm chân gà bị tổn thương và giữ cho bộ lông còn nguyên vẹn.

Thấy chúng tôi có vẻ ngơ ngác, Lâm giải thích: “Đây là loài gà trống rừng ngũ sắc rất đẹp, người xưa kể, loài gà này dùng để “tiến vua”. Con gà này nếu thuần dưỡng được cho bớt dạn dĩ hơn, có thể bán cho dân chơi gà cảnh với giá cả triệu đồng là bình thường”.

img

img

Con gà rừng trống ngũ sắc bị sập bẫy của Lâm. (Ảnh: P.V)

Chú gà trống ngũ sắc trên tay gã thợ săn, ngoài bộ lông  ngũ sắc oai vệ, ở phần chân còn có 2 cựa dài và rất sắc, người thon gọn đuôi uốn cong và rất dài. Nó giẫy đạp khi bị gã thợ sặn túm ngược hai chân nhấc bổng lên rồi cột lại bằng dây. Trong ánh mắt của nó, chúng tôi thoáng thấy có ánh nhìn hoảng hốt, cầu cứu.

Lúc ra về, chúng tôi không sao thoát khỏi suy nghĩ cứ ám ảnh trong đầu: Với kiểu săn bắt thế này, liệu những loài chim, thú rừng tuyệt đẹp trong những cánh rừng già của đất nước sẽ tồn tại được bao lâu nữa, để con cháu chúng ta có cơ hội nhìn ngắm chúng ngoài tự nhiên?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem