Nữ công an khiến nhiều kẻ bị truy nã khiếp vía

Thứ bảy, ngày 11/01/2014 07:44 AM (GMT+7)
Gần 40 năm làm công an xã rồi công an thôn, người phụ nữ ấy đã “quên” không lấy chồng, và không ít lần tự mình truy bắt những kẻ phạm tội, những kẻ trốn lệnh truy nã ẩn náu tại địa phương.
Bình luận 0
Không chỉ dùng sức, chị còn dùng trí vận động nhiều tên tội phạm ra đầu thú. Chỉ cần nghe đến tên người nữ công an thôn này thì những kẻ xấu đều phải kiêng dè. Vì quá mải mê với công việc, nên đến khi đầu hai thứ tóc bà mới giật mình thèm có một gia đình nhưng đã muộn, chị chỉ biết lấy công việc làm vui.

Nữ công an thôn với nhiều thành tích đặc biệt

Chị Trần Thị Minh (59 tuổi, Công an thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc, Núi Thành, Quảng Nam) là niềm tự hào của nhiều người dân ở Quảng Nam. Vì không hẹn trước, nên khi tìm đến ngôi nhà nhỏ của chị nằm bình lặng bên quốc lộ 1A thì chị không có ở nhà. Chúng tôi phải ngồi đợi đến buổi trưa đứng bóng mới thấy chị về trên chiếc “chiến xa” cũ. Thấy chúng tôi ngồi đợi, chị cười rồi vồn vã: “Chị có chi mô mà viết! Các chú viết người khác đi, nhiều người còn đóng góp được nhiều hơn chị nữa!”. Mặc dù vậy, chị vẫn niềm nở mời chúng tôi vào căn nhà đơn sơ của mình.
Chân dung người nữ công an xã tận tâm với nghề
Chân dung người nữ công an xã tận tâm với nghề

Giữa danh sách hàng trăm công an viên của tỉnh Quảng Nam, cái tên Trần Thị Minh đã gây nhiều sự chú ý với mọi người. Hơn 37 năm nay, chị đã khiến nhiều người dân trong thôn, xã phải nể phục, còn các đối tượng phạm pháp thì sợ hãi, kiêng dè khi nhắc đến tên chị. Chính vì thế, tình hình an ninh trật tự tại địa phương do chị phụ trách bao năm nay luôn được giữ vững. Chị cho biết cơ duyên đến với nghề của chị cũng thật tình cờ. Cách đây gần 40 năm, khi ấy, các cán bộ Công an huyện Núi Thành đến nhà chị đặt vấn đề đưa chị vào làm công an thôn. Thời gian đó, chị gặp phải sự phản đối của tất cả người thân trong gia đình bởi công việc của một công an viên vốn đã vất vả với nam giới, thì đối với những phụ nữ chân yếu tay mềm như chị còn nguy hiểm hơn trăm bề. Chị kể lại ngày mới “nhậm chức”, lúc ấy vừa kết thúc chiến tranh, cấp trên giao ngay cho việc dẫn anh em trong thôn đi tháo gỡ bom mìn, thu hồi chiến lợi phẩm, rồi “thân gái một mình” chị dẫn số anh em chế độ cũ đi học tập cải tạo. Đầu năm 2003, khi xã Tam Anh (Núi Thành) được tách thành xã Tam Anh Bắc và Tam Anh Nam, thôn 1 được chia thành 6 thôn, chị Minh được phân công phụ trách thôn Đông Hải, địa bàn trọng điểm tập trung cơ quan hành chính, trường học cấp 2, cấp 3 và khu dân cư mới với cả trăm hộ dân từ nơi khác đến.

Là công an một thôn có địa bàn phức tạp, với hơn 8.400 khẩu thì đã có đến gần một phần mười đối tượng “cộm cán”. Có nhiều vụ việc đã xảy ra nhiều năm về trước, nhưng mỗi lần nhắc lại, tiếng tăm “bà công an thôn” khiến thanh niên trai tráng cả xã ai cũng phải “kiêng dè”. Thậm chí, đến đứa học trò quậy nhất trường trung học huyện cũng phải nói “không sợ thầy hiệu trưởng, chỉ sợ cô Minh công an”. Cứ thế, đã hơn 37 năm trong nghề, chị không thể đếm hết những lần vây ráp, đuổi theo các đối tượng gây rối an ninh trật tự, gây án và cả đối tượng truy nã. Địa bàn chị quản lý có nhiều diễn biến phức tạp với các loại đối tượng như nghiện hút, cờ bạc...

Có lần, đang đi tuần tra trong đêm tối, chị phát hiện một đối tượng truy nã đang một mình “độc ẩm”, giả vờ như không biết, chị ngồi bên cạnh rồi lân la làm quen để được cùng nhậu. Khi ấy đối tượng chỉ nói: “Bà công an mà cũng đi nhậu sao?”. Chị chỉ biết cười đánh trống lảng: “Thì hết giờ làm việc tui cũng phải lai rai chứ!”, thế là hắn mời chị cùng uống. Tưởng chị là phụ nữ uống không được, đối tượng liên tục chuốc rượu cho chị, ai dè hắn lại say trước.

Trong cơn say, đối tượng thú thật với chị tên hắn là Trần Nhật Phước đang bị truy nã, phải trốn chui trốn nhủi mãi ở Phú Quốc, đói rách quá mới mò về quê. Hắn bảo chị muốn bắt thì cứ việc, hắn không chống cự gì hết. Chị chỉ nhẹ nhàng: “Tôi biết chú bị truy nã, nhưng cứ ăn uống no say đi rồi sáng mai đến công an đầu thú cũng không muộn!”. Nghe chị nói tình cảm như vậy, hắn gục đầu xuống khóc. Sáng sớm hôm sau, trước khi đưa đối tượng đi đầu thú, chị ra chợ mua một bộ đồ mới cho hắn mặc. Cảm kích trước tấm lòng của chị, sau thời gian cải tạo, kẻ trốn truy nã năm nào đã trở thành một ngư dân cần cù, chất phác. Mỗi lần đi biển về, thế nào cũng mang cho chị một ít quà của biển.

Chị tâm sự: “Suốt gần 40 năm theo nghề, đã quen với tiếng gọi của bà con, quen đến độ mọi công việc của địa phương, của người dân cũng thành việc của chính mình”. Vợ chồng cãi cọ, xô xát cũng có mặt chị; nửa đêm có người gây rối trật tự thôn xóm, chị cũng có mặt; vận động sinh đẻ có kế hoạch cũng là chị; thu các khoản nghĩa vụ, công ích cũng là chị... Cứ nghe tiếng bà con gọi là chị lại tất tả dắt xe đi ngay!”. Những vụ án giết người xảy ra trên địa bàn xã, hay những đối tượng truy nã trốn về địa phương đều được chị phát hiện và phối hợp cùng công an huyện bắt giữ kịp thời. Chị bảo làm nghề vui lắm, vì được dân thương. Khi người dân tin mình thì việc gì cũng làm được một cách nhanh chóng.

Hạnh phúc là được cống hiến

Công việc và niềm hạnh phúc giản đơn là như thế, nhưng cũng có những lúc chị cảm thấy yếu lòng vì những hiểm nguy với công việc. Có những đêm chị cùng anh em hình sự mai phục bắt tội phạm nguy hiểm, chị tự hỏi: “Mình có cần thiết phải đeo theo nghề nguy hiểm này không?”. Cũng đôi khi chị gặp chuyện khó xử, muốn bỏ nghề, nhưng rồi công việc cứ cuốn chị đi mãi. Cuối cùng suy nghĩ bỏ nghề cũng chẳng còn nữa.
Chị Minh chuẩn bị cho một lần tuần tra
Chị Minh chuẩn bị cho một lần tuần tra

Trong gian nhà nhỏ nếu nhà có thêm một người nào khác, khách lạ khi bước vào, dễ chào nhầm chị bằng... ông bởi dáng đi lúc nào cũng phăm phăm, ưỡn ngực về phía trước; cái vẻ đô con, mạnh mẽ luôn thường trực trong phong cách của chị. Da tay sần lên, đen bóng, gân guốc, giọng nói trầm đục, khuôn mặt cứng cỏi, nét thô mộc thường thấy của một người đàn ông lại hiện lên ở chị, nhưng đôi mắt ấm áp và dịu dàng đến kỳ lạ.

Gặp chị ở ngoài đời những lúc không bận bịu với công việc, ít ai biết rằng đằng sau vóc dáng ấy lại là “tinh thần thép” của một người phụ nữ đảm đương nhiều trọng trách. Nhắc đến chị, nhiều đồng nghiệp thường gọi là “bà công an” một cách trìu mến, khâm phục. Còn chị chỉ cười đáp lại rằng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, “bí quyết” là phải gần gũi, vận động người dân tự giác tham gia, tự giác tố giác tội phạm và sống chấp hành pháp luật. Qua nhiều năm công tác, chị Minh rút ra kinh nghiệm dù là việc lớn hay việc nhỏ thì cách giải quyết của người cán bộ công an luôn phải hợp lòng dân, vừa thấu tình, vừa đạt lý. Đặc biệt trước những người từng lầm lỗi nhưng biết hối cải, chị Minh luôn đến với họ bằng tất cả khả năng nghiệp vụ cùng sự chân thành của một người thân, một người bạn.

Trong căn nhà đơn sơ của chị được người cháu họ xây cho, ngoài chiếc giường cũng được người chị gái mua, chẳng có gì nhiều hơn là những tấm bằng khen, những tấm huân huy chương là phần thưởng tinh thần ghi lại những đóng góp của chị với công việc. Chị bảo, mấy năm trước thấy chị ở trong một căn nhà tranh ọp ẹp, lãnh đạo huyện Núi Thành đến đề nghị xây cho chị một căn nhà tình nghĩa, chị gạt phăng đi vì còn nhiều người khó khăn hơn chị gấp bội, họ cần hơn chị.

Chị một thân một mình thì cần gì đâu. Trong nhà chị chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ kỹ là phương tiện làm việc, cùng một chiếc tivi đen trắng từ “thời Khang Hy” bầu bạn những đêm khuya thanh vắng. Chúng tôi cũng không thể hiểu nổi, bởi đồng lương của chị chỉ vẻn vẹn có vài trăm ngàn đồng một tháng, không có gì thêm, với một núi công việc không tên mà chị thường ví nghề công an thôn của mình như cảnh làm dâu trăm họ, vậy làm sao chị có thể xoay xở để sống được, trong khi chỉ cần 3 cái đám cưới là hết.

Nhìn chị, nhìn cuộc sống của chị, chúng tôi không khỏi trăn trở một chút khi thấy chị suốt ngày tất tả với công việc của mình. Tuổi xuân đã qua lâu rồi và chị cũng đã “quên mất” cả thiên chức của người phụ nữ. Chị chỉ nói: “Chỉ sợ sau này mình già rồi, không có nơi nương tựa. Nhưng thôi, chị lấy công việc làm niềm vui mà”. Những giờ rảnh rỗi, ngoài việc dọn dẹp nhà cửa chị lại dành phần lớn thời gian đi thăm hỏi bà con hàng xóm láng giềng, trò chuyện với những con người lầm lỗi một thời đã hoàn lương. Chính nhờ có chị, cuộc sống người dân ở đây thêm phần yên bình, và thêm phần tin yêu vào hình ảnh của lực lượng công an nhân dân.

Mặt trời ngả bóng về tây, chúng tôi chào chị ra về mà vẫn còn thấy được niềm khao khát cháy bỏng của người phụ nữ quên mình cho công việc, một công việc lặng lẽ vì sự bình yên của xóm làng. Bây giờ chị đã bước sang tuổi 59, chỉ mấy năm nữa thôi, chị sẽ nghỉ hưu, ai sẽ thay được chị...
Gia Ly (Dòng Đời) (Gia Ly (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem