Ở nhờ trên đất... của mình

Quốc Dinh Thứ năm, ngày 14/01/2016 20:37 PM (GMT+7)
Mặc dù được UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định thành lập thôn từ nhiều năm qua, nhưng hàng trăm hộ dân thuộc các thôn: Cao Lạng, Đồng Tiến, Pắc Bó của xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vẫn đang trong tình trạng “vô thừa nhận” khi đang sống trên đất của mình mà chẳng có quyền lợi gì.
Bình luận 0

Sống “vô thừa nhận”

Tháng 9.2009, các thôn Cao Lạng, Đồng Tiến và Pắc Bó của xã Ia Lâu được UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định thành lập. Họ là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phía Bắc di cư tự do vào đây sinh sống. Phải mất khá nhiều công sức, chính quyền địa phương mới vận động họ quy tụ về các thôn này để dễ quản lý. 

img

Người dân thôn Cao Lạng, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông đang thu hoạch mì.   Ảnh: Q.D

Những tưởng trên quê mới cuộc sống sẽ yên ổn, nhưng không ngờ từ đó đến nay họ phải đánh vật với chính mảnh đất của mình. Tuy được công nhận là đơn vị hành chính, song hàng trăm hộ dân sinh sống tại các thôn này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền trên đất. Chỉ tính riêng thôn Cao Lạng đã có hơn 200 hộ “ở nhờ” như thế. Anh Đinh Minh Hoàng, trú tại thôn Cao Lạng cho biết: “Năm 2002, gia đình tôi di cư từ Bắc vào đây lập nghiệp và sở hữu 1 mảnh vườn có nhà trên diện tích 400m2, ngoài ra còn 7 sào ruộng và 1ha đất rẫy trồng mì, nhưng tất cả đều chưa được cấp bìa đỏ. Năm 2009, sau khi có quyết định thành lập thôn Cao Lạng, chúng tôi phấn khởi lắm vì thấy có đoàn cán bộ về đo đạc hiện trạng đất của từng hộ dân, nhưng từ đó đến nay, cả thôn chúng tôi vẫn chưa có hộ nào được cấp bìa đỏ. Đợi lâu quá, chúng tôi lên xã hỏi thì được cán bộ xã giải thích là do phần đất thuộc diện đất lâm nghiệp nên không được cấp bìa đỏ”.

Tương tự, hộ anh Hoàng Văn Lợi, trú cùng thôn Cao Lạng cũng chưa được cấp bìa đỏ dù sở hữu tới trên 4ha đất do anh mua lại từ năm 2002 khi rời quê vào đây lập nghiệp.

Nhiều hệ lụy

"Tỉnh  nên xem xét, sớm đề ra hướng giải quyết để giúp các hộ dân  sớm ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất, bởi họ hầu hết đều chăm chỉ làm ăn, có ý thức chấp hành nghiêm túc các chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Ông Phạm Tiến Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu

Do bà con không có sổ đỏ nên muốn vay vốn ngân hàng để sản xuất là điều không thể, chỉ còn trông chờ vào vay vốn hộ nghèo. Nhưng vài chục triệu đồng thì chẳng bõ bèn, các hộ dân phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất “cắt cổ”. Ngoài ra, việc không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã kéo theo nghịch lý là dù có đường điện trung thế kéo qua thôn nhưng các hộ dân thôn Cao Lạng chưa đủ điều kiện để làm hợp đồng mua bán điện. Để có nguồn điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, 219 hộ dân trong thôn phải gom tiền kéo điện từ thôn khác về, chịu giá điện cao 1.800 - 2.300 đồng/kWh. Mặt khác, cánh đồng của thôn Cao Lạng dù có đường dẫn nước từ đập thủy lợi Plei Pai chạy qua nhưng người dân thôn này không hề được hưởng lợi.

Về vấn đề trên, ông Phạm Tiến Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu cho biết: Đối với những hộ dân tại các thôn Cao Lạng, Pắc Bó, Đồng Tiến, qua kết quả điều tra, khảo sát thì đây là những trường hợp thuộc diện di cư tự do, phần diện tích đất ở và đất canh tác của họ nằm trên diện tích đất lâm nghiệp nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem