Ông Đinh La Thăng và lãnh đạo PVN: Dấu hiệu sai khi góp 100 tỷ đồng

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 11/12/2017 19:00 PM (GMT+7)
Việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) thời ông Đinh La Thăng còn làm Chủ tịch HĐTV tăng vốn đợt 3 (tháng 5.2011) số tiền 100 tỷ đồng vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) được xác định trái với quy của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Bình luận 0

img

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh: Zing.vn)

Phó Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo

Liên quan đến số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào OceanBank, trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đã có hàng loạt cán bộ của PVN bị khởi tố. Đó là trường hợp ông Ninh Văn Quỳnh, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Sơn (bị TAND TP.Hà Nội tuyên án tử hình trong vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm, ông Sơn bị khởi tố thêm).

Ngày 18.9.2008, lãnh đạo PVN ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm (lúc đó là Chủ tịch HĐQT OceanBank) về việc tham gia góp 20% vốn điều lệ. Việc góp vốn đã được thực hiện thành 3 đợt. Đợt 1 PVN đã góp 400 tỷ đồng vào OceanBank.

Ngày 31.5.2010, ông Vũ Khánh Trường (lúc đó là Ủy viên Hội đồng quản trị PVN) đã ký Nghị quyết về việc chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ năm 2010 lên 5.000 tỷ đồng của OceanBank. Tháng 8.2010, PVN có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận được mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại OceanBank thành 2 đợt. Đợt 1 tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, đợt 2 tăng từ 3.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ giữ phần vốn của PVN tại OceanBank là 20% vốn điều lệ.

Tháng 10.2010, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ: “…Yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn đầu tư vào ngân hàng… Trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ tại OceanBank”.

Sau đó, lãnh đạo PVN ký quyết định chấp thuận góp thêm 300 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ đợt I/2010 từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng của OceanBank.

Dấu hiệu vi phạm khi góp vốn lần 3

Ngày 12.5.2011, Nguyễn Xuân Sơn lúc đó là Phó tổng giám đốc PVN ký văn bản gửi HĐTV (gồm 7 thành viên) báo cáo về tình hình đăng ký tăng vốn điều lệ và dự kiến điều chỉnh kế hoạch cụ thể trình Hội đồng thành viên xem xét và chấp thuận tiếp tục hỗ trợ và tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào OceanBank, đợt này với số vốn thêm là 500 tỷ đồng x 20% =100 tỷ đồng.

Sau khi thực hiện một số thủ tục, ngày 16.5.2011, Nguyễn Xuân Sơn ký Quyết định chấp thuận góp thêm 100 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ đợt II/2010 của OceanBank, sau đó một ngày PVN chuyển 100 tỷ đồng cho OceanBank.

Trong quá trình điều tra vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, khi đề cập tới việc tăng vốn đợt 3 của PVN vào OceanBank số tiền 100 tỷ đồng (ngày 17.5.2011), tăng tổng số tiền góp vốn là 800 tỷ đồng chiếm 20% vốn điều lệ của OceanBank, Cơ quan điều tra đã nhận xét: Thời điểm này, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, có hiệu lực ngày 1.1.2011, tại khoản 2, điều 55 quy định "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”. Do vậy, việc tăng vốn đợt 3 của PVN với số tiền 100 tỷ đồng là trái với quy định nêu trên.

Trong kết luận thanh tra ngày 27.12.2012 (lúc này ông Đinh La Thăng đã làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có yêu cầu OceanBank chậm nhất đến ngày 30.6.2013 có biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, trong đó có PVN xuống không quá 15% vốn điều lệ của OceanBank. Tuy nhiên, OceanBank và PVN đã không thực hiện theo yêu cầu trên của cơ quan thanh tra.

Đến ngày 5.1.2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 46/QĐ - TTg về phê duyệt Đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2012 -2015, trong đó có nội dung “thoái hết vốn PVN đang nắm giữ tại các doanh nghiệp, giai đoạn 2012 -2015, trong đó có OceanBank".

Trường hợp PVN, thời ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch HĐTV không góp vốn đợt 3 vào OceanBank, cùng với đó những người kế nhiệm của ông Đinh La Thăng thực hiện nghiêm túc Quyết định 46/ QĐ –TTg sẽ ngăn được khoản thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN. Hiện nay, OceanBank đã được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, đồng thời PVN chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông tại OceanBank dẫn đến việc PVN phải ghi nhận một khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng.

Ông Đinh La Thăng vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị PVN trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18.9.2008, giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN và Chủ tịch HĐQT OceanBank (Có nội dung PVN tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank) trước khi Hội đồng quản trị PVN họp thống nhất nội dung trên.

Chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.

Trích Thông báo kết luận kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư

img

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem