Lạm dụng quỹ BHYT: Dùng 15 tỷ đồng để mua... ống nhựa

Diệu Linh Thứ ba, ngày 19/07/2016 14:42 PM (GMT+7)
Đây là con số mà Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phát hiện sau khi kiểm tra sự chênh lệch giữa việc mua nước cất chai nhựa và chai thuỷ tinh của các cơ sở y tế chỉ trong năm 2015. Ngoài ra, các hành vi lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn diễn ra khá phổ biến.
Bình luận 0

Ống nhựa đắt gấp đôi ống thuỷ tinh

Cụ thể, năm 2014, có 8 tỉnh, thành phố và một số bệnh viện có nước cất pha tiêm trúng thầu, trong đó chỉ có 8 tỉnh trúng thầu nước cất ống nhựa. Năm 2015 có 22 tỉnh trúng thầu nước cất ống nhựa. Giá nước cất ống nhựa của 2 hãng dược Ấn Độ có giá dao động từ 1.180 - 2.000 đồng/ống (dạng 5ml), giá nước cất ống nhựa của Việt Nam dao động 1.260 - 1.700 đồng.

Trong khi đó, giá nước cất ống thuỷ tinh có chất lượng tương đương chỉ hơn 400 đồng/ống. Như vậy, cùng một loại sản phẩm, cùng chất lượng nhưng giá thành của nước cất ống nhựa 5ml đắt gấp 2-3 lần nước cất ống thuỷ tinh, giá nước cất ống nhựa dạng 10ml cao gấp 1,5 lần ống thuỷ tinh.

img

Xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (ảnh minh hoạ). Ảnh: Diệu Linh 

Theo ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, lãnh đạo một số cơ sở trúng thầu nước cất ống nhựa nói rằng, nước cất ống nhựa có chất lượng tốt hơn, không lo thuỷ tinh lọt vào nước cất, an toàn hơn với nhân viên, xử lý rác thải dễ dàng hơn.

“Tuy nhiên, thực tế vỏ nhựa hay thuỷ tinh chỉ là công nghệ làm vỏ, chất lượng sản phẩm đều đã được kiểm định đảm bảo chất lượng mới được lưu hành, nước cất vỏ thuỷ tinh rất dễ bẻ, chưa có nhân viên y tế nào đứt tay vì điều này. Về xử lý rác thải, công nghệ xử lý rác thải thuỷ tinh dễ dàng, rẻ tiền và bảo vệ môi trường hơn công nghệ xử lý rác thải nhựa” – ông Sơn cho biết.

"Cuối tháng 7 BHXH Việt Nam sẽ có quyết định về việc có hay không việc thanh toán BHYT cho Phòng khám Phương Nam (tỉnh Cà Mau) do có hiện tượng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế. Chỉ riêng quý I.2016, tổng chi bảo hiểm y tế của cả tỉnh Cà Mau là 194 tỷ đồng thì riêng Phòng khám Phương Nam đã tiêu hết 143 tỷ đồng”.

Ông Phạm Lương Sơn 

Theo tính toán của BHXH Việt Nam, chỉ riêng năm 2015, tổng giá trị nước cất dạng ống nhựa trúng thầu cao gấp 2 lần so với năm 2014, chênh lệch giữa 2 loại vỏ này lên đến 15 tỷ đồng. Ông Sơn nhấn mạnh: “Việt Nam vẫn còn nhiều người nghèo, chưa tham gia BHYT. 15 tỷ đồng có thể mua thẻ bảo hiểm y tế cho gần 24.000 người. Các cơ sở y tế cần phải cân nhắc khi duyệt thuốc trúng thầu vào bệnh viện”.

Ngoài ra, trong đợt kiểm tra 20 loại thuốc có giá trị sử dụng cao, BHXH các tỉnh đã phát hiện thuốc Gliatilin - thuốc được chỉ định điều trị đột qụy, chấn thương não sau phẫu thuật. Đây là thuốc của Italia, có giá 69.300 đồng/ống, cao gấp 2 lần thuốc sản xuất trong nước có chức năng tương đương (chỉ từ 32.970 - 41.000 đồng/ống). Chỉ riêng năm 2015, thuốc Gliatilin sử dụng ở các bệnh viện tuyến T.Ư đã lên đến 17,4 tỷ đồng. Ngoài ra, không ít bệnh viện còn sử dụng Gliatilin để điều trị hỗ trợ điều trị suy giảm trí nhớ (danh mục chưa được phép thanh toán BHYT).

Đủ chiêu trò “móc túi”

Ngoài ra, ông Sơn cho biết, tình trạng trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn diễn ra phức tạp và ngày càng nhiều “chiêu trò” tinh vi hơn. Dù cơ quan bảo hiểm đã phát hiện, thu hồi, yêu cầu xuất toán hàng chục tỷ đồng ở các đơn vị mà cơ quan này tiến hành kiểm tra, song con số xử phạt còn rất thấp so với thực tế.

Theo ông Nguyễn Tất Thao – Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định (Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - BHXH Việt Nam), trong đợt kiểm tra ở Đồng Tháp, Quảng Nam vừa qua, Đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều hành vi lạm dụng. Tại một số bệnh viện, dù bệnh nhân không có dấu hiệu lâm sàng nhưng bệnh viện vẫn “đè” ra xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, X-quang. Hàng nghìn bệnh nhân đã có chỉ định xét nghiệm nhóm máu dù chỉ đi khám nội khoa, mổ phaco (mắt) trong khi yêu cầu của Bộ Y tế là chỉ bệnh nhân tiên lượng truyền máu mới phải xét nghiệm nhóm máu.

Tại Quảng Nam, có bệnh viện thu dịch vụ phân tích tế bào hệ thống tự động hoàn toàn với giá 62.000 đồng/lượt nhưng có cơ sở chỉ có hệ thống laser, được quy định tối đa là 40.000 đồng/lượt (thu chênh lệch 22.000 đồng/lượt), giám định viên cũng xuất toán hàng tỷ đồng. Tại một số cơ sở y tế tư nhân, người đọc kết quả X-quang là cử nhân, kỹ thuật viên - theo quy định phải bác sĩ hoặc cử nhân hoá sinh. Nhiều sai phạm khác như thực hiện dịch vụ này nhưng lại thống kê thanh toán dịch vụ khác giá cao, thống kê dịch vụ không thực hiện, dịch vụ chưa được phê duyệt thực hiện…

Ông Sơn cũng cung cấp thêm, một số cơ sở y tế đã sử dụng kỹ thuật siêu âm tim 4 màu “tràn lan” dù bệnh nhân không có các dấu hiệu lâm sàng như tức ngực, khó thở nhưng bệnh viện vẫn chỉ định siêu âm. Kết quả 80% siêu âm âm tính trên hàng nghìn chỉ định. Trong khi giá siêu âm tim 4 màu từ 300.000 – 800.000 đồng cho một xét nghiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem