Phí môi giới đi lao động Đài Loan: Phí cao, mỗi nơi một kiểu

Minh Nguyệt Chủ nhật, ngày 12/03/2017 06:00 AM (GMT+7)
Đây là ý kiến của ông Bùi Sĩ Lợi (ảnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn NTNN - Dân Việt xung quanh vấn đề chấn chỉnh việc thu phí môi giới đi lao động tại Đài Loan mà NTNN - Dân Việt đã phản ánh trong số báo ra ngày 8.3.
Bình luận 0

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, việc phải trả phí cao khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Đài Loan là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước này.

Qua khảo sát của PV, khá nhiều công ty đang “lừa đảo” người lao động với thông tin phí thấp, công việc nhiều, lương cao mặc dù thực tế không phải vậy. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đúng vậy. Sở dĩ có vấn đề này là bởi hiện nay việc công khai minh bạch thông tin về thị trường lẫn công việc cho lao động còn chưa tốt. Theo tôi, cần công khai các thông tin về công ty tuyển dụng, công việc, mức lương… để lao động tự quyết định. Đúng là thực tế nhiều doanh nghiệp (DN) của chúng ta rất tốt, nhưng cũng còn nhiều DN chưa được vì “quân tử” nhưng không “nhất ngôn”. Lúc đầu đi tư vấn nói phí thấp, công việc tốt nhưng dần dần cứ thu thêm. Điều này dẫn tới sự bức xúc của người lao động.

Đúng như phản ánh của báo, tôi biết nhiều lao động bị thu phí cao vẫn chấp nhận. Đơn giản vì ở nhà thì không có việc làm, không thể thoát nghèo được. Hoặc cũng có trường hợp chót đặt cọc tiền rồi lúc rút ra không được nữa nên đành phải nhắm mắt đưa chân”, cố đi cho bằng được. Thật sự, có lần tôi đã phải kêu gọi DN xin hãy thương dân. Tôi đi nhiều địa phương thấy người dân quá khổ. Đã nghèo phải vay tiền đi XKLĐ rồi nhưng lại bị đuổi về vì vi phạm hợp đồng…

img

  Lao động Việt Nam trước giờ xuất cảnh sang làm việc tại Đài Loan
(Ảnh chụp tại sân bay Nội Bài). ảnh: Minh Nguyệt 

Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn tới việc “loạn phí” ở thị trường Đài Loan?

- Nguyên nhân của nhiều bất ổn ở thị trường Đài Loan là bởi hiện nay Việt Nam và Đài Loan không có thỏa thuận lao động. Mặc dù không có thỏa thuận lao động, nhưng theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 1999 tới nay Việt Nam đã đưa được hơn 550.000 lượt người đi XKLĐ ở Đài Loan. Điều này đủ để thấy đây là một thị trường tiềm năng, nhưng cũng ẩn chứa nhiều phức tạp. Mặc dù là thị trường “dễ tính”, không đòi hỏi tay nghề, kỹ thuật cao nhưng kèm theo đó là nhiều vấn đề phát sinh.

Hiện nay lao động đi XKLĐ ở Đài Loan chủ yếu là đi tự do, do công ty và DN tự thỏa thuận. Do vậy, nhiều DN cứ đè lao động ra mà thu phí, trong khi đó, lao động đi làm việc không như mong đợi. Thực tế, có không ít lao động bị dồn vào cảnh khốn cùng, về cũng khổ mà ở thì vất vả.

Ngoài vấn đề loạn phí, hoạt động về đào tạo cũng như cung ứng lao động ở thị trường này cũng được cho là có nhiều vấn đề?

- Vấn đề này thì sáng 8.3 đại diện Bộ LĐTBXH cũng đã thừa nhận những hạn chế trong việc quản lý, đào tạo cũng như cung ứng lao động. Việc đào tạo là do người sử dụng và nhu cầu của nơi cung ứng lao động, nhưng cái quan trọng là việc đào đạo có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của công ty tuyển lao động hay không. Điều này thực ra hiện nay ít được đưa vào hợp đồng lao động. Không thể để tình trạng đào tạo qua loa, chỉ 2-3 tuần là đưa lao động đi làm việc, thậm chí có lao động còn chưa nói được một câu tiếng Đài gãy gọn nào.

Vậy theo ông, cần làm gì để kiểm soát vấn đề về thu phí?

- Theo tôi, Bộ LĐTBXH cần ban hành mức sàn về phí đưa người lao động đi XKLĐ và mức trần tiền lương để DN và người lao động tham khảo. Tuy nhiên, mức trần này chỉ để tham khảo thôi chứ nếu áp đặt quá DN cũng khó hoạt động, còn lao động sẽ không đi vì thấy phí thì cao mà lương lại thấp.

Tôi nghĩ rằng, tới đây Bộ LĐTBXH hoặc Chính phủ cố gắng đàm phán để ký được Hiệp định giữa ta với Đài Loan hoặc ký cam kết để bảo hộ cho người lao động. Thứ hai là cơ quan đại diện cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải vào cuộc để tìm kiếm và cung cấp các thông tin cho DN và người lao động Việt Nam về tình trạng chủ tuyển dụng, công việc, mức thu nhập, môi trường làm việc… để tư vấn cho người lao động, đồng thời có biện pháp xử lý mạnh tay nếu DN “nói quá” lên để nhằm tuyển dụng lao động.

Thị trường Đài Loan đang nổi lên hai vấn đề lớn là thu phí cao và tngười lao động bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Để chấn chỉnh tình trạng này, năm 2012 Bộ LĐTBXH đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ về chi phí xuất cảnh của lao động, khống chế để giảm chi phí môi giới mà DN Việt Nam phải chi trả cho công ty Đài Loan theo lộ trình. Việc này đã góp phần từng bước giảm phí của lao động, hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng do áp lực tài chính”.
Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH 

Về lâu dài, theo ông nên làm gì để minh bạch thị trường XKLĐ Đài Loan và thị trường XKLĐ ở các thị trường khác nói chung?

- Tôi cho rằng, Bộ LĐTBXH cần làm tốt hơn khâu ứng dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ cung cấp thông tin cho DN và người lao động về các thị trường lao động. Đồng thời Hiệp hội XKLĐ cũng có thể thực hiện chấm điểm chất lượng các DN đưa người lao động đi XKLĐ, từ đó công khai những thông tin này trên trang web, để bất cứ lao động nào cần đều có thể tra cứu được. Từ đó, lao động có thể tự đưa ra quyền quyết định đi thị trường nào, theo công ty nào và làm việc gì.

Người lao động đi XKLĐ và DN đóng góp một phần tiền lương của mình vào Quỹ hỗ trợ việc làm để lúc người lao động bị mất việc làm, bị ngược đãi thì hỗ trợ cho họ. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về các DN, tiếp sau là cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước như Bộ LĐTBXH và Bộ Ngoại giao có thể dùng một phần quỹ đó để đi khai thác mở rộng thị trường, hỗ trợ DN và người lao động. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem