Phía sau lũ lịch sử ở miền Trung: Kiệt sức, nhiều người nhất quyết bỏ làng

Đình Thiên Thứ ba, ngày 25/10/2016 06:00 AM (GMT+7)
Cơn lũ dữ những ngày vừa qua đã nhấn chìm biết bao bản làng ở Quảng Bình. Hàng chục người chết, còn nhiều người đang mất tích. Cửa nhà nát tan, cây cối tan hoang, trâu bò, lợn gà vẫn chết ngửa bụng… nhiều người đã kiệt sức với thiên tai, họ tính kế bỏ làng ra đi…
Bình luận 0

Chưa thể về nhà

Trong cơn lũ dữ, hình ảnh nhiều thôn của xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) với hàng trăm nóc nhà chỉ còn là chấm nhỏ giữa mênh mông nước. Sau lũ 6 ngày, về Tân Hóa tôi không thể cầm lòng khi thấy người dân nơi đây vẫn đang phải ăn mì tôm cầm hơi, xót thương hơn khi thôn 5 và thôn Rí Rị vẫn đang bị chia cắt. Hàng trăm hộ vẫn bị cô lập với thế giới bên ngoài…

img

Ông Trương Xuân Thủ (xã Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) trèo lên tra kiểm tra mái nhà.      Ảnh:    Đình Thiên

Chúng tôi đi nhờ xuồng máy tiếp tế lương thực của xã Tân Hóa để vào với người dân thôn 5 và thôn Rí Rị. Hình ảnh đập vào mắt đầu tiên chính là những căn nhà gỗ ọp ẹp, xiêu vẹo san sát nhau nhưng không có người ở.

Gặp ông Trương Xuân Thủ (58 tuổi, trú thôn 5, xã Tân Hóa) khi ông đang hì hục sửa lại căn nhà gỗ. Ông Thủ cho biết: “Nước rút mấy ngày rồi, nhưng chúng tôi chưa thể về nhà. Nhà bị ngâm nước lâu ngày đang bị ẩm mốc, gỗ bốc mùi thối lắm. Hơn nữa, phải kiểm tra xem nhà có thể bị sập hay không do gỗ ngâm lâu ngày nhiều chỗ bị mục nát rồi. Không phải chỉ gia đình tui mà cả làng này cũng chưa ai về nhà”.

img

Người dân Tân Hóa khốn khổ vì lũ tính kế dời đi vùng đất mới. Ảnh: Đình Thiên

Đang nói chuyện, hai đứa cháu nội của ông Thủ, anh em Trương Chấn Khang (8 tuổi), Trương Việt Hoàng (6 tuổi) vọt từ trên tra (gác xép, chạn…) xuống nhanh như sóc. Ông Thủ bảo, “chúng sinh ra ở vùng lũ nên 3, 4 tuổi đã biết trèo lên tra là chuyện bình thường. Nhanh vậy đấy,  nhưng chiều 14.10 vừa qua suýt nữa cũng bị lũ cuốn mất rồi”.

Không may mắn như ông Thủ, gia đình bà Đinh Thị Đông (60 tuổi, trú xã Tân Hóa) từ nay gặp cảnh “vợ mất chồng, con không còn cha”. Căn nhà bà Đông vốn xập xệ nay càng tang thương khi mùi bùn non trộn mùi khói hương bốc lên. Ngôi nhà chưa có ai về ở, chỉ có mỗi chiếc bàn đặt bát hương cho người quá cố.

img

Ông Trương Đình Khang, hàng xóm bà Đông cho hay: “Sáng 14.10, biết lũ sắp về ông Thái Xuân Năng (62 tuổi, chồng bà Đông) đưa trâu và bò lên chỗ cao để tránh lũ. Không ngờ lũ lên quá nhanh, ông Năng dù đã trải qua biết bao trận lũ lớn, nhưng vẫn không kịp trở tay nên bị lũ cuốn trôi”.

Anh Trương Đình Long - Phó thôn 5 (xã Tân Hóa) cho hay: “Thôn 5 và thôn Rí Rị có 155 hộ, tất cả đều là hộ nghèo và cận nghèo. 98% nhà dân nơi đây làm bằng gỗ tạm bán kiên cố, vì vậy lũ rút cả tuần nay rồi, nhưng người dân vẫn chưa về nhà ở được, bởi nhà đã hư hỏng gần hết”.

Kiệt sức rồi, đi nơi khác thôi

Ông Trương Xuân Hiếu (65 tuổi, trú thôn 5, xã Tân Hóa) than thở, từ khi nào Tân Hóa đã là rốn lũ của Quảng Bình. Quen đến nỗi, năm nào không có nước lụt là dân ở đây cứ thấy thiêu thiếu. Nhưng hơn 10 năm lại đây, lũ ngày càng lớn, người dân ở đây không còn sức để chống chọi dù đã nghĩ ra nhiều cách để sống chung với lũ.

img

“Như thôn 4 có nhà phao, lũ về họ đưa gia đình cùng tài sản lên đó, nước lên đến đâu nhà nổi đến đấy, nhưng thiệt hại vẫn lớn. Các thôn khác không có nhà phao thì nhà nào cũng làm tra đề phòng lũ lớn sẽ tá túc trên đấy cho qua con nước. Nhưng năm nay lũ lụt tới nóc nhà rồi, làm tra cũng không còn tác dụng nữa. Chỉ còn vài nhà ở chỗ cao cho dân chạy lũ. Nhưng ai biết được lũ năm sau nữa cao tới đâu, chúng tôi thấy lo lắng vô cùng”.

Theo thống kê của xã Tân Hóa, hơn 558 hộ dân bị ngập, trong đó có 400 hộ bị ngập tới tra, đặc biệt có 10 hộ bị ngập tới nóc. Lũ dữ đã cuốn trôi 1 người, 13 người bị thương. Ngoài ra, gần 40ha lương thực, ngô, khoai sắn, lạc của người dân bị hư hỏng, 27 con trâu bò cùng hàng ngàn con gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Qua nhà anh Trương Quang Hưng (thôn Rí Rị, xã Tân Hóa), ngôi nhà hở toang hoác bởi nước lũ cuốn đi nhiều mảnh ván tường. Ở góc bếp, đứa con trai 9 tuổi ở trần, co ro nép mình vào góc bếp lửa để tránh luồng gió lạnh đang thổi phần phật vào nhà. Anh Hưng than thở: “Nhà không sập cũng may, nhưng tài sản chẳng còn gì cả. Áo quần các cháu cũng không còn để mặc, chiều về lạnh co ro phải nhóm bếp sưởi ấm”.

Anh Hưng cho biết, sợ cảnh sống với lũ anh đã làm đơn lên xã xin chuyển đi ở chỗ khác từ 2 năm trước nhưng xã không đồng ý. Lần này anh nhất quyết phải xin chuyển đi bằng được.

“Tân Hóa bây giờ đất chật người đông, làm kiểu gì chúng tôi cũng nghèo hoàn nghèo. Trồng ít ngô khoai, nuôi ít gia súc thì lũ về là cuốn đi hết, không có cách nào chống được. Tôi cùng nhiều hộ khác xin di dời lên chỗ cao, nhưng chính quyền không đồng ý. Sau trận lũ này, ai không cho tui cũng di dời đi” - anh Hưng quả quyết.

Anh Đinh Thanh Huyền- cán bộ văn hóa xã Tân Hóa cho biết, Tân Hóa như lòng chảo được bao quanh bởi những lèn đá san sát. Nơi này năm nào cũng có lụt bởi mưa lớn nước không thể rút nhanh do các lèn đá chặn dòng.

“Người dân Tân Hóa quá quen với lũ lụt nên họ nghĩ ra nhiều cách để khắc chế. Nhưng năm nay mưa lớn quá, nước lên nhanh. Tài sản của người dân bị trôi tuồn tuột, đã có người tử vong. Thiên tai ngày càng khủng khiếp mà sức con người cũng có hạn”.

Tân Hóa hiện không đủ đất cho người dân sản xuất. Mỗi năm chỉ làm được một vụ ngô, khoai, sắn. Còn chủ yếu người dân đi làm thuê làm mướn ở vùng khác để kiếm sống. “Sau cơn lũ này, nhiều hộ dân đã nhất quyết di dời đi vùng đất khác, dù nơi này gia đình họ đã sinh sống qua nhiêu đời” - anh Huyền chạnh lòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem