"Phiêng Cằm nghèo đến bao giờ?" - bài 1: Kỷ lục về một con đường

Kiều Thiện Thứ năm, ngày 04/12/2014 07:20 AM (GMT+7)
Nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, khí hậu lạnh giá, đất đai khô cằn… xã Phiêng Cằm là địa bàn có tỷ lệ đói nghèo và cận nghèo cao nhất huyện Mai Sơn (Sơn La). Mơ ước của người dân nơi đây là làm sao để… thoát nghèo.
Bình luận 0

Con đường “trời đày”

Từ trung tâm xã Nà Ớt, chúng tôi ngược lên cụm xã vùng cao Phiêng Cằm, Chiềng Nơi. Có lẽ đây là kỷ lục quốc gia về khoảng cách giữa huyện và xã xa nhất 130km. Con đường đang xuống cấp trên cả mức nghiêm trọng. Sau gần 2 giờ chật vật, chúng tôi cũng đi được nửa đoạn đường và dừng chân nghỉ ngơi cho đỡ mỏi, cũng để chờ cho xe nguội máy, bên một nhà dân ở bản Lụng Cuông (vẫn thuộc xã Nà Ớt).

Ông Lù Văn Dạng, chủ nhà, bảo: “Bây giờ họ đang sửa đường nên các chú còn đi xe máy được, chứ mùa mưa thì đi bộ cũng khó đấy. Dắt con ngựa ra, nhìn thấy đường nó còn muốn quay đầu trở vào chuồng. Làm dân vùng cao có nhiều cái khổ nhưng dân Phiêng Cằm, Chiềng Nơi khổ nhất”.

img

Đường về xã Phiêng Cằm (Mai Sơn, Sơn La) luôn là nỗi ám ảnh đối với các loại phương tiện giao thông, kể cả người đi bộ. Ảnh: KIỀU THIỆN


Đến được Phiêng Cằm thì hết buổi sáng. Ông Giàng A Da – Chủ tịch UBND xã ngắm nghía cái xe máy của tôi, gật gù: “Cán bộ xã ở đây đi họp huyện đều phải “mua đường” qua huyện Sông Mã bên cạnh, xa thêm mấy mấy chục cây số nhưng còn dễ đi hơn con đường của mình. Lãnh đạo cấp tỉnh như chủ tịch, bí thư thì hơn 12 năm nay chưa có ai vào đây cả. Không có con đường tốt, chả ai muốn đến thăm mình. Mà cán bộ không đến thì lại càng không thể có con đường tốt”.

Ý ông chủ tịch xã Phiêng Cằm muốn nói rằng, vào những năm 90 của thế kỷ trước, bà Tòng Thị Phóng, hiện là Phó Chủ tịch Quốc hội, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, có vào thăm vùng đất này. Khi bà trở về thì con đường đất được đầu tư mở rộng. Sau đó mấy năm, ông Lê Bình Thanh – Bí thư Tỉnh ủy Sơn La lúc đó, cũng có vào thăm, đường cũng được nâng cấp hơn. Từ đó đến nay, con đường ngày một xuống cấp…

 

Sẵn sàng đánh đổi…

Quan điểm

Ông Phùng Như Đoàn
 Dân làm ra hạt lúa, bắp ngô đã vất vả, khi bán cũng rẻ hơn nơi khác cả ngàn đồng/kg. Chỉ đơn giản điều này thôi đã cho thấy, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi thiệt thòi nhiều quá”. 
Cũng bởi chẳng có con đường tử tế nên dân Phiêng Cằm, Chiềng Nơi phải bạt núi làm đường xuyên sang huyện Sông Mã. Tuy cũng dốc kinh khủng, nhưng vẫn đỡ hơn phải đi “đường trời đày” kể trên. Bức xúc như vậy nên cứ đợi đến kỳ họp huyện, thấy cán bộ cấp huyện, tỉnh nào ở đâu là từ cán bộ xã, bản tới người dân đều kiến nghị xin đầu tư làm đường. Nhưng rồi họ đã nản. “4 khóa liên tục làm chủ tịch xã, tôi đã kiến nghị tới hàng chục lần. Bây giờ chán rồi, chả dám xin làm đường nữa” – ông Da nói.

Bởi không có đường tốt nên cuộc sống người dân Phiêng Cằm, Chiềng Nơi ngày càng khó khăn. “Cái chợ làm ra rồi cũng chẳng ai họp bởi dân nghèo quá lấy gì mà mua bán? Còn tư thương thì chẳng dám đầu tư vào đây vì đường đi rất khó khăn. Nếu không phải mùa thu mua ngô thì phải mấy ngày người ta mới dám mổ một con lợn để bán, mà phải chấp nhận bán chịu mới mong bán hết số thịt đó.

“Dân chúng tôi nghèo lắm, hàng năm Nhà nước phải mang nhiều thứ như: Giống cây, vật nuôi, chăn màn,… Nhưng giá như đổi tất cả những thứ ấy để lấy một con đường tốt thì chúng tôi sẵn sàng đổi” - ông Lò Văn Phúc – Trưởng bản Nong Tàu Thái bảo.

Nói đến con đường, ông Phùng Như Đoàn – Giám đốc Công ty Dịch vụ và Phát triển chè Sơn La lắc đầu: “Buồn lắm các chú ạ. Tôi đầu tư chè ở đây với hy vọng mở ra một hướng thoát nghèo bền vững cho người dân 2 xã Phiêng Cằm, Chiềng Nơi, nhưng mỗi cân phân bón vào đến đây hay những cân chè ở đây đưa ra ngoài Mai Sơn, phải cõng thêm hơn 1.000 đồng công vận chuyển, bởi đường đi quá khó khăn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem