Phòng chống bạo lực gia đình: Sẽ có “cẩm nang” cho công an?

Diệu Linh Thứ tư, ngày 27/04/2016 06:29 AM (GMT+7)
Một em bé bị đánh bầm tím mặt, kêu khóc xin cứu giúp ngay giữa sân bay Tân Sơn Nhất nhưng không nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh cho đến khi an ninh vào giải quyết. Tuy nhiên, công an chỉ coi đây là “mối quan hệ gia đình, cha mẹ xử lý hơi mạnh”.
Bình luận 0

Nhận thức “có vấn đề”

Ngày 17.4, hành khách H.T.H đăng một clip về một bé gái khoảng 4-5 tuổi bị một người đàn ông đánh bầm tím mặt và kéo lê trên sân bay. Bé gái khóc la, kêu cứu: “Cứu con mọi người, con bị đánh nhiều lắm”. Mẹ bé đứng cạnh không hề can thiệp. Mọi người đứng quanh cũng chỉ xì xào, cho đến khi an ninh sân bay có mặt.

img

Ảnh cắt từ clip của hành khách H.T. H. Ảnh: Internet

Hành khách đánh con trên có hộ khẩu ở phường 2, quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh). Khi có thông tin vụ việc, công an phường 2 vào cuộc xác minh hành khách đánh con là cha dượng của bé gái. Công an kết luận đây là mối quan hệ gia đình, sự việc xảy ra do cha mẹ có ứng xử hơi mạnh với con gái, hoàn toàn không có chuyện bắt cóc hay bạo hành. Do đó, Công an phường 2 không lập hồ sơ xử lý.

Ông Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ dân số cho biết, đây là việc xử lý không thể chấp nhận được. “Theo quan điểm của mấy vị tham gia xử lý vụ việc: Bố mẹ đánh con ngay nơi công cộng được cho là việc gia đình, không cần can thiệp. Ngay nơi công cộng còn đánh như vậy, không rõ về nhà bé gái sẽ bị hành hạ đến mức nào?” – ông Thiên chất vấn.

Theo ông Thiên, với việc xử lý “đánh con là chuyện nhà”, nhận thức về luật của Công an phường 2, quận Tân Bình đang có vấn đề, nhận thức về hình thức, mức độ bạo hành với trẻ em cũng có lỗ hổng to đùng. Luật pháp nghiêm cấm đánh trẻ em trong mọi trường hợp, không phân biệt người dưng hay cha mẹ. “Cách xử lý cho thấy sự thiếu trách nhiệm và đơn giản hoá sự việc của các vị công quyền” - ông Thiên nói.

Ông Hoa Hữu Vân – Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cũng đánh giá những người xử lý vụ việc bé gái bị đánh (mà cụ thể là Công an phường 2) “rất dở”. Theo quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), khi có vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng phải lập biên bản, có các hình thức xử phạt theo quy định như răn đe, phạt tiền, cấm tiếp xúc… “Không ai có quyền đánh, xâm hại người khác, nhất là trẻ em. Không chỉ Luật Phòng chống BLGĐ mà Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Luật Hôn nhân- Gia đình, Hiến pháp đều nghiêm cấm hành vi bạo lực với con người, BLGĐ” – ông Vân khẳng định.

Ông Thiên đánh giá, việc cơ quan chức năng “có luật mà không xử” sẽ khiến người dân coi thường pháp luật, người có hành vi vi phạm không sợ, còn người bị hại sẽ không dám tố cáo nữa.

Lúng túng trong can thiệp

“Việt Nam cũng cần một lực lượng cảnh sát chuyên biệt, có kỹ năng ứng phó với bạo lực để xử lý vụ việc BLGĐ, bảo vệ nạn nhân, xử lý người vi phạm…” .
Bà Cao Thị Hồng Vân 

Theo ông Vân, ngành công an thường đòi hỏi bằng chứng, vật chứng, lời khai, đơn tố cáo… hoặc phải là vụ việc gây thương tích nặng, có dấu hiệu hình sự mới điều tra. “BLGĐ có những đặc thù riêng, cũng không gây thương tích nặng ngay. Nhưng nếu không can thiệp, có các biện pháp phòng ngừa, răn đe người gây BLGĐ thì rất dễ xảy ra án mạng. Không ít trẻ em, phụ nữ đã bị chính người cha, người chồng của mình đánh đến tử vong. Mà trước đó, họ cũng đã kêu cứu nhiều lần nhưng chính quyền không can thiệp, coi đó là “chuyện nhà, chuyện đánh nhau lặt vặt”, hoặc can thiệp nửa vời” – ông Vân phân tích.

img

Bà Cao Thị Hồng Vân – nguyên Giám đốc Trung tâm Phụ nữ phát triển (Hội LHPN Việt Nam) cũng chia sẻ, tại Việt Nam khi can thiệp BLGĐ cũng chú trọng “hòa giải” đi trước, chỉ đến một mức nghiêm trọng mới xử lý hình sự. Do đó, những người trong tổ hoà giải thường “đi trước” trong các vụ BLGĐ ở địa phương. Nhưng đối với các đối tượng hung hãn, lại thêm yếu tố kích thích như rượu, nghiện chất thì việc “nói miệng” không hiệu quả. “Việt Nam cũng cần một lực lượng cảnh sát chuyên biệt, có kỹ năng ứng phó với bạo lực để xử lý vụ việc BLGĐ, bảo vệ nạn nhân, xử lý người vi phạm…” – bà Vân cho biết.

Theo ông Vân, Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý hành vi BLGĐ. “Hy vọng khi đó, mọi chiến sĩ công an đều có “cẩm nang” để xử lý hiệu quả các vụ BLGĐ, tránh kiểu xuê xoa, coi việc đánh con, đánh vợ - hành vi vi phạm pháp luật là “chuyện gia đình” – ông Vân cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem