Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định chống bão số 3

Nhóm phóng viên Thứ ba, ngày 16/09/2014 21:02 PM (GMT+7)
Đến 22 giờ đêm 16.9, PV Dân Việt tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình đã ghi nhận những thiệt hại đầu tiên về bão số 3.
Bình luận 0

QUẢNG NINH: GIÓ MẠNH ĐẾN CẤP 10, CỘT ĐÈN ĐỔ, MẤT ĐIỆN DIỆN RỘNG

Ghi nhận của Dân Việt vào lúc 21h30 phút tối nay (16.9), trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh từ Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long có mưa rất to và gió giật mạnh. Mưa lớn như hàng trăm mũi tên lao thẳng vào kính lái xe ô tô chở phóng viên đi từ TX Quảng Yên về Hạ Long. Gió lớn giật mạnh khiến xe của đoàn rung lắc. Hai bên bê đường cành cây gãy đầy đường.

Tại vị trí gần cầu 2 Yên Lập một chiếc cột đèn lớn đổ chắn ngang chiếm 1/2 lòng đường một chiều Quảng Yên - Hạ Long, điều này đang gây nguy hiểm cho người đi lại nhất là thời điểm bão đang về. Sóng biển tại khu du lịch Bãi Cháy đập dữ dội. Theo tin họp trực tiếp kết thúc lúc 8h cùng ngày giữa bộ trưởng bộ Nông Nghiệp Cao Đức Phát với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thì khoảng 10h bão sẽ vào Quảng Ninh lướt từ khu vực Bãi Cháy đến Vân Đồn.

img Gió mạnh đến cấp 10, giật tung băng rôn treo trên đường ở Quảng Ninh.

Trước đó vào khoảng 17h30’ cùng ngày, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gió mạnh đã khiến cho lưới điện trên địa bàn tỉnh gặp sự cố, gây mất điện tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều. Trong đó, các khu vực mất điện hoàn toàn là huyện Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cô Tô.

Theo ông Vũ Đình Tân, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh thì công ty đã cử các đoàn công tác trực tiếp ra các địa phương chỉ đạo giải quyết sự cố.  

Liên quan đến công tác di dời người dân khỏi các vùng nguy hiểm, sau khi có chỉ đạo, trường PTCS và PTTH Tiền phong (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) học bất ngờ trở thành ngôi nhà “khổng lồ” cho 600 người sống ở vùng trũng sát ven biển đến ở.

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, khoảng 19 giờ trong tại ngôi trường PTCS và PTTH Tiền phong có khoảng 600 người phần lớn là người già và trẻ nhỏ được đưa đến ở để tránh trú cơn bão số 3 đang đổ về.

img

Các thanh niên trong xã Tiền Phong liên tiếp chở người già và trẻ nhỏ đến ngôi nhà khổng lồ..

img

 Nhiều gia đình tự nguyện dắt tay con thơ đến..

img

Bỗng chốc mái trường trở thành ngôi nhà đầy ắp tiếng cười nói..

img

Các em bé được mẹ chăm sóc rất cẩn thận.

img

Phần lớn tất cả mọi người đều đã ăn cơm sớm để tránh bão, nhưng những hộp mỳ tôm đề phòng bất chắc vẫn được tăng cường.

img

 Tình cảm gia đình càng ấm áp hơn.

img

img

 Nụ cười thơ ngây của 2 em bé ôm hôn nhau..

img

 Bà và cháu..

img

 Các em bé thật đáng yêu trong ngôi nhà..

img

 Em bé sơ sinh trong vòng tay mẹ..

img

 Tất cả thật vui vẻ trong ngôi nhà ấm áp tình yêu thương.

HẢI PHÒNG:  GỐI, CHĂN BÔNG ĐƯỢC HUY ĐỘNG CHỐNG BÃO

Lúc 22h đêm 16.9, ông Đỗ Trung Thoại – Phó chủ tịch UBND – Trưởng Ban PCLB & TKCN TP. Hải Phòng cập nhật với Dân Việt, bão số 3 đã có ảnh hưởng trực tiếp đến huyện đảo Bạch Long Vĩ từ 21h30, huyện đảo Cát Hải, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại trên toàn địa bàn thành phố chưa có thiệt hại về người cũng như về tài sản.

Cũng theo ông Thoại, hiện gió tại TP. Hải Phòng đang cấp 7 – 8, kèm theo mưa lớn. Các địa phương vẫn thực hiện túc trực và kiểm tra tình hình bão 24/24h, nhằm tránh những thiệt hại không đáng có do bão gây ra.

Cùng vào thời điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó chủ tịch UBND – Trưởng Ban PCLB & TKCN huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng cho biết, trên đảo Cát Hải có gió cấp 7 – 8, nước chỉ ở mức 1,1m, sóng không lớn nên có gì đe dọa đến con người, cũng như tài sản người dân trên đảo.

Ông Nguyễn Đình Bình – Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, trên địa bàn quận hiện lượng mưa khoảng 30mm, gió cấp 6 – 7, sóng cao 1,5m. Tại khu vực bờ kè thuộc khu 2, khu 3 là điểm thường xuyên bị sạt, lở do bão, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn an toàn. Điện bị mất cục bộ.

Tại quận Lê Chân, quận Ngô Quyền và 1 số quận nội thành, chính quyền đã hoàn tất việc đưa người dân từ nhà xung yếu đến 1 số trường học trên địa bàn trú bão an toàn. Các địa bàn có đê xung yếu có lực lượng túc trực thường xuyên, nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra. Lãnh đạo các quận chia thành các tổ công tác đi kiểm tra thường xuyên công tác phòng chống bão.

Ngoài ra, một số huyện trên địa bàn TP. Hải Phòng cũng cho biết, gió đang lớn dần lên, kèm mưa to, nhưng chưa có thiệt hại nào đáng kể do bão gây ra. Các lực lượng phòng, chống bão luôn sẵn sàng với mọi tình huống xảy ra trong bão.

Thiệt hại do bão gây ra không lớn cũng bởi sự chuẩn bị khẩn trương của chính quyền và nhân dân Hải Phòng. Hầu hết những khách sạn, nhà hàng đã chằng buộc, gia cố cửa, vách bằng gỗ và bao cát.  Đến 19h, gió đã mạnh lên dần, giật tới cấp 9, cấp 10 khiến vài chiếc xe máy còn lưu thông trên đường phải dừng lại và quay đầu xuôi theo chiều gió. Mưa rát hơn và người dân Đồ Sơn cố thủ sau những cánh cửa đón bão.

img

Người dân chằng buộc ki ốt.

img

Bao cát được xếp ngang cổng trụ sở cơ quan và nhà điều dưỡng

img  
img 
img  

 

img

Nhà hàng, khách sạn tại khu du lịch Đồ Sơn được gia cố chắc chắn.

img

Bên trong, cửa kính được chèn thêm gối và chăn bông.

img

19h tối, gió đã mạnh lên cấp 7-8, giật cấp 9, cấp 10.

img  
img img  

img

Vào thời điểm 20h, gió đã giật cấp 12-13. Nhiều cây đổ ngả nghiêng trên đường phố ở khu du lịch Đồ Sơn. Một người dân bỏ lại cả chiếc xe máy giữa đường để tìm chỗ lánh gió. Ảnh: Lê Hữu Thọ.

THÁI BÌNH, NAM ĐỊNH: 100% TÀU, THUYỀN DI DỜI VÀO NƠI TRÁNH TRÚ BÃO AN TOÀN.


Thái Bình và Nam Định từ chiều nay đã bắt đầu có mưa to kèm theo gió nhẹ. Trên dọc đường tỉnh lộ, đến các khu dân cư, người dân tấp nập chằng chống nhà cửa. Ông Phạm Văn Tuấn ở huyện Tiền Hải cho biết: “Nhận được tin cơn bão số 3 sẽ có ảnh hưởng đến tỉnh, ngay từ tối qua, tôi đã huy động mọi người trong gia đình đi mua tre, luồng, gạch…về để gia cố nhà cửa và công trình phụ khác đảm bảo khi bão vào sẽ an toàn và tránh được thiệt hại”.

Trên các cánh đồng tại các huyện của tỉnh Thái Bình, nhiều người dân đổ ra đồng để kiểm tra công tác phòng chống úng, ngập… cho lúa, hoa màu, không khí làm việc của bà con cũng hết sức rất khẩn trương. Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn các cánh đồng lúa tại các huyện trên địa bàn tỉnh đều trỗ xong, nhiều diện tích đã chắc hạt, tuy nhiên, vẫn còn một số ruộng đang thời kỳ làm đòng và phơi mầu.

img Bà Nguyễn Thị Nhàn ở xã An Ninh, huyện Kiến Xương (Thái Bình) lắc đầu bảo: “Nhà cấy 3 sào, hiện lúa đang bắt đầu làm đòng, nếu bão vào kèm theo mưa lớn, gió mạnh coi như mất mùa, lại đi ăn đong thôi” (ảnh: Trần Quang – Thanh Xuân).

Đang đi thăm ruộng, trên khuôn mặt hiện rõ nỗi lo lắng, trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhàn ở xã An Ninh, huyện Kiến Xương lắc đầu bảo: “Nhà cấy 3 sào, hiện lúa đang bắt đầu làm đòng, có diện tích thì đang phơi mầu, nếu bão vào kèm theo mưa lớn, gió mạnh coi như mất mùa, lại đi ăn đong thôi”.

Dù đang mưa to, nhưng trên cánh đồng trồng đậu tại huyện Kiến Xương, bà con nông dân tại đây vẫn xuống ruộng khơi thông mương, rãnh thoát nước. Bà Hà Thị Nhu ở xã An Ninh, Kiến Xương nói: “Đậu củ đang bỏ ngọn nhiều, từ hôm qua khi thấy thông tin có bão số 3 vào, tôi phải ra ruộng khơi rãnh, dòng để cứu ruộng đậu ngay”.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Quang Phúc – Phó Chi cục Trưởng, Chi Cục đê điều phòng chống lụt bão Thái Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.210 tàu, thuyền với 3.362 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản. Hiện, có 1.210 tàu, thuyền đã vào bờ và neo đậu tại bến an toàn. Ngoài ra, còn có 50 phương tiện với 224 lao động của tỉnh ngoài neo đậu tại bến của Thái Bình an toàn. Trong đó, có 41 phương tiện với 185 lao động của Hải Phòng với 9 phương tiện với 39 lao động của Quảng Ninh. Toàn tỉnh đã di dời được 5.155 người/7.606 người vào trong đê chính an toàn.

img

Người dân huyện Kiến Xương tấp nập đổ ra đồng kiểm tra lúa, khơi thông mương, rãnh cứu lúa, hoa màu (ảnh: Trần Quang – Thanh Xuân).

Đối với diện tích đầm nuôi trồng thủy, hải sản ven biển 3.848ha, có 1.631 chòi canh với 1.862 lao động, hiện đã di dời được 1.737 lao động vào nơi an toàn. Với 4 huyện gồm Kiến Xương, Vũ Thư, Hưng Hà và Đông Hưng hiện có 228/240 lao động được di dời vào đê an toàn.

Cũng theo Ban PCLB và TKCN tỉnh Thái Bình cho biết, hiện toàn tình có khoảng trên 80.000ha lúa, trong đó phần lớn là lúa đã trỗ xong, chắc hạt, còn nhiều ruộng đang làm đòng, trỗ bông có nguy cơ bị thiệt hại.

Tại địa bàn thường chịu thiệt hại nặng do bão gây ra, ông Nguyễn Văn Giang – Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải (Thái Bình) cho biết: Hiện, công tác phòng, chống cơn bão số 3 trên địa bàn huyện đã được thực hiện khá tốt, kêu gọi được 100% số tàu, thuyền và di dời được toàn bộ số hộ dân trên chòi canh ngao vào nơi tránh trú bão an toàn. “Tuy nhiên, trên toàn huyện có khoảng trên 10.000ha lúa vụ mùa, trong đó có 50% đã trỗ xong, 50% còn lại đang làm đòng, trổ bông dự báo sẽ thiệt hại khi bão số 3 vào” ông Giang nhấn mạnh.

Tại Nạm Định, công tác phòng chống lụt bão cũng được hoàn tất. Ông Đặng Ngọc Thắng – Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLBTKCN tỉnh Nam Định cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 41.400ha lúa mùa đã trỗ; 3.593ha rau màu chưa thu hoạch; 15.567ha nuôi trồng thủy hải sản. Mức nước hiện tại trong đồng và các bể hút của hệ thống bơm động lực đều cao hơn mực nước khống chế khi có áp thấp nhiệt đới và bão trực tiếp.

Có 694 tàu, 1.685 ngư dân đang hoạt động trên biển; 732 chòi canh, 750 người canh coi tại các đầm chòi canh nuôi thủy hải sản; 7 công trình của các dự án đê điều PCLB phải thường trực và có phương án bảo vệ; số hộ dân ở các nhà tạm, nhà yếu và vùng nguy hiểm của 3 huyện ven biển là 11.403 hộ, 100.260 người; 3.462 căn nhà yếu cần phải di dời. Số hộ di dời theo phương án có siêu bão là 27.286 hộ, gần 30 nghìn khẩu.

“Đến thời điểm 14h ngày 16.9, toàn bộ số tàu, thuyền đã được kêu gọi về hết bờ, người dân ngoài chòi canh nuôi trồng thủy sản cũng đã được sơ tán hết vào nơi an toàn, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, tòa bộ lãnh đạo của tỉnh đã tạm hoãn hết các cuộc họp không cần thiết để trực tiếp trực và đi kiểm tra công tác phòng chống bão ở địa phương”, ông Thắng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem