Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Ngõ nhỏ... ngày cũng như đêm

Thứ hai, ngày 15/09/2014 06:57 AM (GMT+7)
Rộng chưa đầy 60cm, 14 - 16 ngõ Gạch có thể được coi là một trong những ngõ nhỏ nhất Hà Nội. “Ở ngõ này, ngày cũng như đêm, phải dùng đèn pin để soi mà vào ngõ, lên cầu thang vào nhà. Ngay cả ở trong nhà mà không bật điện thì cũng tối om”, bà Nguyễn Thị Nga, người sinh sống ở đây đã hơn 30 năm cho biết.
Bình luận 0

>> Kỳ 1: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: 4 mét vuông "nhồi"... 3 thế hệ

>> Kỳ 2: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Trèo, chui vào nhà tí hon... "cấm" đứng!

>> Kỳ cuối: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Vì sao khổ mà vẫn... sướng?


Ẩn đằng sau những cửa hàng sáng bóng, đông đúc nhộn nhịp của phố cổ là những con ngõ siêu nhỏ, tối tăm và ẩm thấp. Rộng chưa đầy 60cm, 14 - 16 ngõ Gạch có thể được coi là một trong những ngõ nhỏ nhất Hà Nội. Ba giờ chiều, trời thu xanh ngắt, nắng rực rỡ, thời tiết có phần oi bức nhưng ngõ nhỏ tối om, ẩm thấp.

Để đi được trong ngõ, hai tay phải dò dẫm theo hai bên tường. Đi một đoạn, mới thấy được ánh sáng le lói phía cuối đường. Cuối ngõ là một gian bếp nhỏ, chiều rộng chưa đầy 50cm, chiều dài chỉ hơn 1m, mấy cái bếp than và nồi nấu được xếp dọc theo mép tường.

Giật thót khi thấy chúng tôi đi đến, bà Nguyễn Thị Nga, người sinh sống ở ngõ này đã hơn 30 năm, chủ nhân của căn bếp nhỏ cho biết: “Ở ngõ này, ngày cũng như đêm, phải dùng đèn pin để soi mà vào ngõ, lên cầu thang vào nhà. Ngay cả ở trong nhà mà không bật điện thì cũng tối om”.

img

Tận dụng chân cầu thang làm chỗ bán hàng và sinh hoạt.

Ngay sát căn bếp nhỏ của bà Nga là bốn gian nhà tắm kiêm nhà vệ sinh. Mỗi gian phòng chỉ là một khoảng nhỏ vừa một người ngồi, chiều rộng chưa đầy 50 cm. Mỗi hộ có một cái khóa, dùng mở - xong khóa. Một số nhà may mắn có được phòng vệ sinh ngay trong nhà nhưng diện tích cũng nhỏ quá, cái chậu to gần bằng buồng tắm nên mỗi lần dùng xong lại được treo trang trọng trên cửa sổ. Đứng từ dưới nhìn lên có thể thấy mọi diện tích trên không cũng được tận dụng triệt để, ngoài lan can treo đủ chậu, quần áo…

Nhà bà Nga ở tầng 2, cánh cửa nhỏ, chỉ mở được một bên và vừa một người đi vào. Căn nhà chỉ có 14m2 mà ba thế hệ cùng chung sống. Bà Nga than thở: “Nhà chật, mọi sinh hoạt đều khó và khổ. Mùa hè nóng nực lắm, nhiều khi tôi phải xuống tầng 1, chỗ đầu ngõ ngồi cho mát. Ngõ nhỏ thế nhưng cũng lắm chuyện hài, hôm trước có bà tây muốn đi vào xem thử cái ngõ nhỏ nhất thủ đô như thế nào. Bà ấy béo quá không thể lọt qua ngõ, muốn vào là phải đi hàng ngang”.

img

Ngõ 14 - 16 ngõ Gạch nhỏ chỉ vừa một người qua.

Căn nhà bên trong ngõ 14 - 16 ngõ Gạch này là một căn biệt thự cổ. Qua nhiều thế hệ, căn biệt thự ấy được “xẻ” ra làm nhiều phần với nhiều hộ gia đình, tổng nhân khẩu ở đây cũng gần 20 người. Bà Nga cho biết: “Tất cả các hộ đều phải gửi xe ở ngoài, vì ngõ quá nhỏ, không thể đi xe vào, mà có dắt được xe vào ngõ thì cũng không có chỗ để. Hàng tháng, có nhà mất cả tiền triệu để gửi xe. Nhưng bất tiện nhất là đêm hôm có việc gì gấp, lấy xe ra là rất khó”.

Ngõ Gạch tuy nhỏ, nhưng ngắn nên chỉ cần dò dẫm bước một đoạn là có thể vào đến nhà. Nhưng cũng có những ngõ đã nhỏ, tối mà còn sâu hun hút như 47 Hàng Đường. Ngõ tối quá nên các hộ ở đây thống nhất lắp đèn dọc đường đi, mỗi tháng chia nhau tiền điện để tiện đi lại.

Cũng là con ngõ nhỏ, 56 Hàng Buồm khá dài và tối. Bên trên hai tường là những đường dây điện chằng chịt, bên dưới là một loạt đường ống nước như những con rắn bò lổm ngổm. Dò dẫm đến cuối ngõ, một mùi khai bốc lên nồng nặc từ phòng vệ sinh chung.

Ngay gần đó là căn phòng nhỏ chưa đầy 7m2 của bố con ông Lộc (60 tuổi). Phòng chỉ vừa để kê một chiếc giường và một vài đồ đạc nhỏ khác. Ông Lộc cho biết “Nhiều người ý thức kém, không giữ vệ sinh chung, đi vệ sinh xong không dội sạch, nhà vệ sinh lúc nào cũng bốc mùi nên nhà tôi lúc nào cũng phải đóng cửa. Nhà hẹp, mùa hè đóng cửa bức bí không thở nổi”.

Bị che khuất bởi hai cửa hàng bán đồ chơi, ngõ 14 Đồng Xuân nhìn như một khe hở giữa hai bức tường, phải thật chú ý mới nhận ra đó là một con ngõ. Mới đi đến đầu ngõ đã nghe tiếng dội nước ì oạp. Một cậu bé chừng 15 tuổi đang tắm ngay ở khoảnh sân nhỏ bày đủ quần áo, thức ăn, rau…

Đi sâu vào bên trong, thì ngay phía tường bên trái của ngõ là một chiếc ti vi treo tường đang bật, âm thanh vang động cả ngõ. Tiến thêm khoảng 5 bước, chúng tôi không khỏi giật mình khi phát hiện chỉ bước thêm vài bước là có thể dẫm phải một nam thanh niên đang nằm ngủ ngon lành ngay dưới chân cầu thang. Chân cầu thang này là một khoảnh hõm vào trong, nên một người dân ở đây đã tận dụng luôn làm chỗ bán hàng quần áo, kiêm chỗ ở, buổi trưa vắng khách nên tranh thủ nghỉ.

Ngõ nhỏ, nhà nhỏ, sinh hoạt bình thường đã khó khăn, đến khi nhà có công chuyện thì cũng không khỏi phiền phức. Bà Nga cho biết: “Ngõ nhỏ nên chuyện cưới xin đều phải ra nhà hàng cả. Giải quyết chuyện người chết mới là đau đầu. Ngõ nhỏ quá, áo quan không thể đi lọt nên khi trong ngõ có người mất, người nhà phải gọi nhà tang lễ hay nhà xác bệnh viện đến chở đi, đến đó mới được nhập quan”.

“Đồ đạc to như giường tủ, bàn ghế phải tháo rời mới mang được vào nhà. Mà cũng có nhà chẳng bao giờ biết đến cái giường, vì nhà bé quá, chỉ tối trải chiếu ngủ, ngày gập lên mà thôi. Như tôi đây cũng biết đến cái giường là gì đâu”, bà Hiền, ngõ 70 Hàng Giấy nói.

>> Kỳ 1: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: 4 mét vuông "nhồi"... 3 thế hệ

>> Kỳ 2: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Trèo, chui vào nhà tí hon... "cấm" đứng!

>> Kỳ cuối: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Vì sao khổ mà vẫn... sướng?
(Theo Tin tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem