Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Trèo, chui vào nhà tí hon... “cấm” đứng!

Chủ nhật, ngày 14/09/2014 07:01 AM (GMT+7)
Đó là căn nhà có một không hai của gia đình anh Hoàng Văn Xuân tại ngõ 44 Hàng Buồm (Hà Nội) với chiều ngang 2,5m, dài 2,7m và chỉ cao 1,2m, quanh năm không thấy ánh mặt trời và vào nhà chỉ có thể... ngồi chứ không thể đứng!
Bình luận 0

 >> Kỳ 1: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: 4 mét vuông "nhồi"... 3 thế hệ

>> Kỳ 3: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Ngõ nhỏ... ngày cũng như đêm

>> Kỳ cuối: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Vì sao khổ mà vẫn... sướng?

Nhà hộp diêm

Dẫn chúng tôi vào con ngõ 44 Hàng Buồm sâu hun hút, tối om, chỉ có ánh sáng le lói phát ra từ phòng vệ sinh sâu cuối ngõ, anh Hoàng Văn Xuân dừng lại ngang đường, chỉ lên khoảng không đen như mực phía trên giới thiệu: "Đây là nhà tôi, đợi tôi trèo lên bật điện đã, cô bỏ giày phía dưới, cẩn thận không bị trượt". Nói rồi, hai tay bám vào bậc "cầu thang" bằng sắt tự chế để đu dần lên, đôi chân phải quay ngang để vừa từng bậc, anh Xuân nhấc tấm gỗ sang một bên, mở cửa đón khách.

Vì chưa quen, ngõ tối, nên tôi phải cẩn trọng dò từng bước, leo qua 6 bậc như vậy, chui qua một ô nhỏ vừa vặn một người qua để vào được căn phòng 6,6m2, nơi ở của gia đình anh Xuân bao năm nay.

img


Chiếc cầu thang lên nhà độc nhất vô nhị.

Ở trên cao, chênh vênh, căn phòng với diện tích và chiều cao rất “khiêm tốn” của anh Xuân không khác gì một tum đựng đồ hoặc một căn gác xép. Quỳ gối lom khom đi đến giữa phòng, anh Xuân vội vàng dẹp gọn đống chăn gối dưới sàn cười nói: "Cô thông cảm, nhà không mấy khi có khách, cũng chả có chỗ đựng nên không có ấm chén uống nước".

Nhà chật đến nỗi, chiếc quạt để tường duy nhất trong nhà cũng phải tháo lồng cho đỡ tốn diện tích. Tài sản giá trị và hiện đại nhất là chiếc tivi nhỏ, treo bên cạnh chiếc quạt đã tháo lồng. Ngay sát dưới tivi là một chiếc đèn bàn đã cũ kỹ, cùng một cái đèn pin và vài đồ lặt vặt. Phía đầu nhà còn một giá đựng sách đã bị mọt ăn dần và tủ quần áo nhỏ bằng gỗ, nước sơn đã cũ được đặt dọc theo chiều dài phòng.

Bốn bề chung quanh tường đều bong tróc từng mảng. Anh Xuân kể, mỗi khi tầng trên đi lại mạnh hay di chuyển đồ đạc thì từng mảng vôi ở tường lại bong ra, rơi xuống đầy nhà.

Lò dò chạm tay vào vết nứt trên tường, anh Xuân ngậm ngùi: “Gọi là nhà thì cũng hơi quá, nhưng đây là nơi ở của 4 anh em tôi từ khi còn bé, sau tôi lấy vợ thì hai vợ chồng và con trai ở đây. Nhà cũ quá rồi, tường mốc, bong hết cả. Trên trần nhà là sân thượng nhà người ta, thường hay nấu nướng, giặt giũ, nước thấm xuống thường xuyên. Trời mưa, nước theo khe nứt chảy xuống nhà, nằm trong nhà mà cứ tưởng nằm ngoài mái hiên”.

Đến thăm nhà anh Xuân là thời điểm buổi trưa, khi gần chục bếp than quạt chả trong ngõ đang hoạt động tích cực nên căn nhà không khác gì một “lò bát quái”, nóng nực, bí hơi. Mặc dù chiếc quạt đã chạy hết công suất cũng không thể xua hết được cái mùi than nồng nồng, mùi thịt mỡ ngầy ngậy đến ghê người.

Dường như đã quá quen với cảnh này, anh Xuân cười nói: “Tôi quen rồi, nên thường buổi sáng đi chạy xe ôm xong, ra hàng ăn cơm bụi, rồi ngồi uống nước chè nhà hàng xóm đầu ngõ để “tránh khói”. Nhà có 2 nồi cơm điện, một nồi để nấu cơm, một để xào nấu thức ăn. Nhưng mùa hè gia đình tôi thường không nấu cơm, vì chỉ cần cắm nồi cơm là mùi, hơi nóng bốc lên, cộng với đủ loại mùi từ trong ngõ đưa lên thì không ai có thể chịu được”.

img


Anh Xuân trong căn nhà tí hon.

Mùa hè đã vậy, mùa đông cũng không khá hơn, gió lạnh lùa từ dưới lên nhưng nhà anh Xuân cũng không dám “đóng cửa” vì sẽ không có không khí để thở. Nhưng dù mùa đông hay mùa hè, chiếc đèn pin là vật bất ly thân của gia đình anh.

“Ban ngày hay ban đêm vào ngõ đều tối om, nên tôi thường phải “thủ” sẵn cái đèn pin để soi mà trèo lên, không để ý là ngã ngay, còn đêm hôm dậy đi vệ sinh mới cơ cực, bốn bề xung quanh tối đen như mực, buồn lắm”, anh Xuân kể.

Gia cảnh khốn khó

Với chiều ngang chỉ 2,5 m, thật khó hình dung 3 người trong gia đình anh sẽ xoay xở ra sao. Anh Xuân cười nói: “3 người thì vẫn vừa, nhưng chỉ nằm im, không được cựa quậy, chỉ cần 1 người nhúc nhích là người kia tỉnh ngay. Thế mà cũng nằm được bấy lâu nay”.

Con trai anh Xuân năm nay đã học lớp 11, nhưng chưa bao giờ cháu biết đến cảm giác được mặc quần áo một cách thoải mái để đến trường. Bởi với diện tích như vậy, khi cởi áo hay mặc áo thì phải quỳ hoặc ngồi, còn mặc quần thì không cách nào khác là phải nằm ngửa ra sàn nhà. Minh chứng rõ ràng nhất cho sự “cao” của căn nhà, anh Xuân xoay người quỳ gối mà đầu đã chạm trần nhà.

“Cháu nhà tôi không cao nhưng từ khi nó học cấp 1 là đã phải như vậy rồi vì nhà cao chưa đầy 1,2m”, anh Xuân nói.

Khi chúng tôi đến không thấy cháu Thủy ở nhà, hỏi đến thì anh Xuân rơm rớm nước mắt: “Tôi chỉ có nghề lái xe ôm, thu nhập ngày được đôi ba chục, có ngày chả được đồng nào. Cuộc sống quá nhiều khốn khó, nhà cửa chật chội, vợ tôi chịu đựng được độ chục năm rồi cũng bỏ đi, hai bố con ở với nhau, cháu nó lúc nào cũng buồn vì tủi thân và nhớ mẹ. Từ bé đến lớn, lúc nào nó cũng phải chịu thiệt thòi”.

Giọng nghèn nghẹn, anh Xuân kể, mặc dù nhà chật chội, ngay cả đến cái bàn học cũng không có, cháu phải nằm ra sàn nhà để học nhưng Thủy rất ham học. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, Thủy vẫn đều đặn đi bộ hơn 30 phút để đến lớp học. Sau khi biết được hoàn cảnh khốn khó của gia đình anh, một số nhà hảo tâm đã giúp đỡ, tặng Thủy chiếc xe đạp nên giờ em đã đỡ vất vả khi đến trường.

Nhìn vào cái giá sách trống trơn, anh Xuân không kìm nổi tiếng nấc nghẹn: “Ở với bố khổ quá, nhà cửa chật chội, khổ sở. Nhiều khi bạn bè muốn đến nhà chơi mà cháu nó cũng xấu hổ không dám mời bạn lên nhà. Nhà ẩm thấp, thiếu ánh sáng nên sức khỏe của cháu cũng không được tốt. Cách đây hơn một tháng, Thủy chuyển về ở với mẹ, giờ chỉ còn mình tôi ở đây. Nhiều lúc chỉ ước ao có một chỗ ở tử tế hơn thì có lẽ gia đình tôi đã không phải tan đàn như vậy”, anh Xuân ngậm ngùi.

 >> Kỳ 1: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: 4 mét vuông "nhồi"... 3 thế hệ

>> Kỳ 3: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Ngõ nhỏ... ngày cũng như đêm

>> Kỳ cuối: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Vì sao khổ mà vẫn... sướng?
(Theo Tin tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem