Tây Nguyên: Già làng - cầu nối truyền thống và tương lai

Duy Hậu Thứ bảy, ngày 30/08/2014 14:01 PM (GMT+7)
“Trong những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có những chuyển biến, một phần là nhờ vào uy tín của các già làng”- đó là khẳng định của Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi - Giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk tại buổi gặp mặt già làng, trưởng buôn trên địa bàn mới đây.
Bình luận 0

Ảnh hưởng tới buôn làng

Ngày nay, xã hội phát triển, vai trò già làng trong đời sống các dân tộc Tây Nguyên cũng ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên trên thực tế, nếu biết cách phát huy vai trò của già làng thì không chỉ góp phần bảo tồn được văn hóa truyền thống mà còn tạo sự đoàn kết, phát triển kinh tế và ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa phương. Với hơn 7.600 già làng trên khắp các tỉnh Tây Nguyên, hiện họ vẫn đang phát huy vai trò và ảnh hưởng của mình đối với đời sống của buôn làng.

PGS-TS Bùi Văn Đạo - Viện trưởng Viện KHXH vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phân tích: Nhìn chung các già làng ở Tây Nguyên có một số vai trò chính như: Đại diện buôn làng duy trì đời sống tâm linh, tín ngưỡng; tổ chức hòa giải, phối hợp với chính quyền địa phương, phân xử các vi phạm luật tục cộng đồng; phối hợp với hệ thống chính trị tuyên truyền vận động dân làng chấp hành chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ chính quyền vận động dân làng đoàn kết, chống lại các luận điệu của thế lực thù địch… Do đó, các già làng trở thành cầu nối giữa luật tục với luật pháp, giữa truyền thống với hiện đại, là nhân tố hỗ trợ cần thiết cho hệ thống quản lý xã hội ở các buôn làng.

Theo Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng, nội dung khá toàn diện, hình thức vận động phong phú, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Có được những kết quả quan trọng ấy, một phần là nhờ vào uy tín, trách nhiệm và vai trò của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Trong 3 năm qua, các già làng cũng đã phối hợp tham gia vận động được 267 đối tượng truy nã ra đầu thú, vận động nhân dân giao nộp 4.166 vũ khí quân dụng, súng tự chế, vật liệu nổ, hung khí... Đồng thời tham gia tuyên truyền, tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho gần 500 đối tượng nghiện ma túy; giúp đỡ, quản lý trên 3.000 thanh niên chậm tiến, đối tượng sau cải tạo trở về địa phương...

Có chính sách riêng cho già làng

Nhận thức được vai trò quan trọng của già làng trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã chủ trương phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng thể hiện ở việc ban hành và thực hiện một số chính sách thể hiện sự quan tâm, tôn vinh các già làng.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Đạo, các chính sách trên vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ dừng lại ở việc tôn vinh mà chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp. Hiện nay, ở nhiều thôn buôn, để có thù lao cho các già làng chính quyền địa phương tổ chức quyên góp, hoặc lồng ghép chức danh già làng với các chức danh có phụ cấp khác, những người còn lại không mặn mà với chức danh già làng.

Ông Y Ring Adrơng - Trưởng ban Dân tộc Đăk Lăk cho biết: “Do không có chế độ hàng tháng nên mỗi khi có già làng đau ốm, chúng tôi phải vận động chính quyền địa phương và người dân quyên góp để thăm hỏi.

  Dù đời sống xã hội có nhiều thay đổi, và già làng ngày một trẻ hóa và có cả già làng nữ, nhưng những luật tục và phong tục tập quán thông qua ảnh hưởng của già làng trong nhận thức của bà con các dân tộc Tây Nguyên vẫn không dễ gì thay thế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem